1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cảnh báo hàng loạt chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp Tết

(Dân trí) - Các ngân hàng đã đưa ra các cảnh báo để khách hàng cảnh giác với nhiều hình thức lừa đảo mới trong dịp cận Tết.

"Hàng loạt" chiêu mới

Mới đây, chị Minh (Hà Nội) đã bị "bốc hơi" 6,1 tỷ đồng trong tài khoản sau cuộc điện thoại của một đối tượng giả danh cảnh sát điều tra. Đối tượng này thông báo chị Minh có liên quan đến một vụ án ma túy và yêu cầu chị cài app vn84app.apk - Bộ Công an. Sau khi cài app, chị Minh điền thông tin cá nhân vào app và bị rút 6,1 tỷ đồng trong tài khoản.

Cảnh báo hàng loạt chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp Tết - 1

Song song với chiêu thức mới thì những chiêu thức cũ cũng vẫn tồn tại để lừa người "nhẹ dạ, cả tin". Ảnh: T.L

Tháng 1/2021, chị Q. (quận 7, TPHCM) cũng nhận một tin nhắn với nội dung: "Phat hien tai khoan cua ban dang nhap khac vung bat thuong, vui long dang nhap http://i-sacombank.com de xac nhan thong tin vat hay doi mat khau".

Chị Q. truy cập vào đường link để đăng nhập tài khoản và mật khẩu của mình rồi nhập mã OTP. Ngay lập tức, tài khoản của chị mất hơn 38 triệu đồng. Trong khi đó, website ngân hàng điện tử của Sacombank là http://isacombank.com.vn. Việc nhấp vào website "na ná" giống tên ngân hàng đã khiến chị Q. bị kẻ gian chiếm đoạt tiền.

Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đã ngay lập tức đưa ra các cảnh báo để người dân cảnh giác trong dịp Tết.

Cảnh báo hàng loạt chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp Tết - 2

Các ngân hàng tức tốc cảnh báo người dân. Ảnh: TL

Theo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngoài các chiêu thức nói trên, các đối tượng lừa đảo còn đang mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa thu phí hợp đồng vay giả.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp cận khách hàng có nhu cầu vay qua các kênh Facebook, mạng xã hội của các ngân hàng hay công ty tài chính để tư vấn, chào mời khoản vay có lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng.

Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB. Tuy nhiên, các thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng trên hợp đồng đều sai lệch.

Khách hàng được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng) với chi phí từ 1,5 - 2 triệu đồng để nhận hợp đồng vay.

Cảnh báo hàng loạt chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp Tết - 3

Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB. Ảnh: TL

Cũng theo OCB, chiêu thức tiếp theo là giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng.

"Đối tượng lừa đảo sẽ tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo khách hàng được duyệt mở thẻ tín dụng với hạn mức cao, miễn lãi phí trong 3 năm, yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 300.000 - 400.000 đồng để nhận thẻ sử dụng", OCB nêu rõ.

Cũng theo ngân hàng này, các đối tượng lừa đảo cũng sử dụng các thiết bị viễn thông, lập nên các website tương tự với các trang web của ngân hàng, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu của ngân hàng, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước để được nhận thẻ tín dụng.

Sau khi nhận tiền, số điện thoại của các nhân viên ngân hàng "dỏm" sẽ mất tín hiệu, không thể liên lạc được.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo cũng sử dụng số điện thoại từ nước ngoài, đăng ký giả mạo tên thương hiệu ngân hàng, gửi tin nhắn hướng dẫn khách hàng truy cập vào địa chỉ website giả mạo có đường dẫn và giao diện tương tự với website chính thức của ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính.

Với lý do cần xác thực thông tin hoặc để nhận thưởng, khách hàng dễ dàng nhầm lẫn và khai báo các thông tin quan trọng như tên đăng nhập Internet Banking, số CMND/CCCD, mật khẩu, mã PIN, mã OTP…

Còn theo đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), trên internet cũng đang xuất hiện nhiều fanpage, hội nhóm Facebook giả mạo VietinBank như: Group VietinBank, fanpage Hỗ trợ vay vốn Vietinbank, Vietinbank vay tiêu dùng…

"Sau khi lập các fanpage, group này để trao đổi nghiệp vụ, đăng tải các nhu cầu tài chính như mở tài khoản, mở thẻ, vay tiền… thì các đối tượng sẽ giả mạo cán bộ, nhân viên VietinBank để tư vấn, đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân như CMND/CCCD, sổ hộ khẩu hoặc thông tin giao dịch như sao kê, OTP, tên đăng nhập, mật khẩu Internet Banking… với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", đại diện VietinBank nêu rõ.

Theo VietinBank, một số khách hàng đã chủ động cung cấp thông tin cá nhân hoặc tin tưởng "click" vào các tin nhắn, đường link như mẫu đăng ký mở thẻ, mẫu vay vốn trực tuyến của ngân hàng, thông báo khách hàng đã trúng thưởng chương trình khuyến mãi của ngân hàng và cung cấp các thông tin về tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã OTP, thông tin thẻ hoặc các thông tin cá nhân khác để xác nhận.

Nhiều khách hàng sau khi truy cập vào link hoặc đơn giản là mở email, tin nhắn thì thiết bị của khách hàng sẽ bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin.

Cảnh báo hàng loạt chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp Tết - 4

Nhiều người dân đã mất tiền trong tài khoản khi nhấp vào các đường link lạ. Ảnh: TL

Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chia sẻ, thời điểm cận Tết luôn là thời điểm các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. 

Thời gian gần đây đã xuất hiện hình thức mạo danh tin nhắn của ngân hàng này để lừa khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn, từ đó đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Đại diện FE Credit cho biết, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng dịp cuối năm khi người dân tăng chi tiêu, các doanh nghiệp có nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng để hoạt động phạm pháp.

Chính vì vậy, đơn vị này cũng đã phải liên tục phát đi cảnh báo đến khách hàng về các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhằm nâng cao nhận thức cũng như cẩn trọng trong các giao dịch của khách hàng. Đặc biệt là thủ đoạn lừa đảo qua mã xác thực OTP hay trúng thưởng từ các chương trình khuyến mại.

"Chúng tôi cảnh báo khách hàng từ nhiều kênh khác nhau như qua nhân viên tư vấn, qua tổng đài CSKH, SMS, website, mạng xã hội (facebook, zalo…)…nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng", đại diện FE Credit nói.

Làm sao để tiền không "bốc hơi"?

Theo đại diện các ngân hàng, để phòng tránh các hình thức lừa đảo, người dân cần lưu ý:

Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, email "lạ" hoặc không rõ nguồn gốc. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của khách hàng dưới bất cứ hình thức nào.

Cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay tín chấp, mở thẻ tín dụng không rõ ràng. Đặc biệt là các yêu cầu phải chuyển khoản, thanh toán trước các khoản phí mở hồ sơ, nhận hợp đồng hay giải ngân tiền. 

Các ngân hàng khẳng định, hồ sơ vay, hồ sơ mở thẻ tín dụng được thực hiện đầy đủ theo quy trình và tuân thủ đúng pháp luật. Ngân hàng không yêu cầu nạp tiền, chuyển khoản, thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào của khách hàng trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay hay phát hành thẻ tín dụng.  

Không cung cấp mật khẩu, mã PIN, mã OTP với bất kỳ cá nhân và tổ chức nào, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Không ghi chép mật khẩu, mã PIN, mã OTP ra giấy. Không sử dụng các thông tin dễ đoán như ngày tháng năm sinh, biển số xe… để làm mật khẩu, mã PIN giao dịch tài chính.

Không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, thư điện tử và mạng xã hội.

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, người dân vui lòng không thực hiện theo, ngay lập tức đổi mật khẩu Internet Banking, ứng dụng và thông báo cho ngân hàng để được hỗ trợ. 

Đại Việt