1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Các ngân hàng lãi lỗ ra sao với mảng kinh doanh ngoại hối?

Thảo Thu

(Dân trí) - Bên cạnh những ngân hàng hưởng lợi từ giá USD tăng, vẫn có đơn vị báo lỗ ở mảng này. Tỷ giá tăng cao không đồng nghĩa sẽ cùng chiều với lợi nhuận thuần từ kinh doanh ngoại hối.

Theo thống kê từ một số đơn vị công ty chứng khoán, đến hết quý III, ngân hàng tiếp tục là "quán quân" trên bảng xếp hạng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp niêm yết.

Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối đóng góp đáng kể cho bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng. Tại một số đơn vị, ngoại hối thậm chí là mảng đóng góp tích cực nhất trong các hoạt động kinh doanh.

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn từ mảng này, có đơn vị tăng trưởng ở mức 3 con số. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh 9 tháng đầu năm, kết quả này dường như đã được dự báo trước. Tuy nhiên, vẫn có nhà băng ghi nhận sụt giảm, thậm chí báo lỗ mảng này. 

"Big 4" lãi lớn từ ngoại hối

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh ngoại hối. 9 tháng, nhà băng này đạt 4.581 tỷ đồng từ mảng này, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mảng tăng trưởng tốt nhất trong các hoạt động kinh doanh chính của Vietcombank và gấp 2,4 lần tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động. Riêng trong quý III, Vietcombank lãi 1.587 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối.

Tại VietinBank, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 80% đạt kỷ lục 2.440 tỷ đồng, trong khi tổng thu nhập chỉ tăng trưởng 20,6%.

9 tháng, một nhà băng khác trong nhóm "Big 4" là BIDV cũng báo lãi tới 2.011 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của 3 trong 4 "ông lớn" ngân hàng Việt trong 9 tháng đầu năm đã đạt trên 9.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng lãi thuần của 27 ngân hàng niêm yết.

Bức tranh trái chiều nhóm tư nhân

Với nhóm ngân hàng tư nhân, những đơn vị giữ ngôi đầu về lợi nhuận như Techcombank, MB, VPBank, ACB... ghi nhận lãi, lỗ trái chiều từ kinh doanh ngoại hối.

Tại Techcombank, ngân hàng giữ "ngôi vương" nhóm tư nhân lãi từ kinh doanh ngoại hối là 28,9 tỷ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước là 259,2 tỷ đồng. Trong khi đó, MB đạt 1.340 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.

Nhiều ngân hàng quy mô tầm trung cũng lãi hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối như Eximbank lãi 351 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; TPBank lãi 330 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ; SeABank lãi 144 tỷ đồng, tăng 32%… Đáng chú ý, ABBank là ngân hàng có mảng ngoại hối tăng mạnh, lên tới 639 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ và là nguồn thu lớn thứ 2 của nhà băng này, chỉ sau thu nhập lãi thuần.

Ở chiều ngược lại, ACB, SHB, Saigonbank, Techcombank, LienVietPostBank, Nam A Bank, BaoVietBank là những ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối sụt giảm. Trong khi đó, 3 ngân hàng kinh doanh thua lỗ trong mảng này là BacABank, VIB, và VPBank.

Riêng VPBank lỗ tới 278 tỷ đồng vì kinh doanh ngoại hối sau 9 tháng. Mức lỗ cùng kỳ là 46 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cho mảng này đã ngốn hết thu nhập mà VPBank thu được. VIB cũng lỗ 223 tỷ đồng, đứng thứ 2, trong khi cùng kỳ lỗ 48 tỷ đồng. Còn BacABank lỗ 4 tỷ đồng, cải thiện hơn so với mức lỗ 14 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021.

Theo các chuyên gia tài chính, tỷ giá tăng góp phần lớn giúp các nhà băng lãi lớn trong mảng kinh doanh ngoại hối.

Tỷ giá USD/VND duy trì đà tăng nhanh 9 tháng đầu năm. Hiện tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng duy trì ở mức kịch trần với biên độ mới 5% so với tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết. Giá bán USD tại Vietcombank từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 8%, tiến sát mức 25.000 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do duy trì trên mức 25.000 đồng/USD.

Tại mảng kinh doanh ngoại hối ở các nhà băng, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay. Điều này tương ứng nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. 9 tháng đầu năm, chênh lệch giá mua - bán USD niêm yết tại các ngân hàng nhiều giai đoạn lên đến 200-300 đồng/USD. Điều này góp phần giúp các nhà băng thu lãi cao hơn từ hoạt động này.

Cụ thể, nghiệp vụ giao ngay mang về cho Vietcombank 85% doanh thu và toàn bộ lãi thuần trong hoạt động kinh doanh ngoại hối. Kinh doanh ngoại tệ giao ngay cũng là nguồn thu chính trong mảng ngoại hối của VietinBank, BIDV.

Giá bán USD tại các ngân hàng cũng thường cao hơn giá bán của Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm, có thời điểm mức chênh lệch giữa giá bán USD tại ngân hàng và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước lên tới 100 đồng/USD, tương đương các ngân hàng thương mại mua USD từ Ngân hàng Nhà nước và bán lại cho khách hàng thì cũng thu được lãi.