1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bi hài "bịt mắt bắt dê" giao dịch chứng khoán, HSX nhận "trát" thanh tra

(Dân trí) - Nhà đầu tư đã trải qua một tuần đầy biến động trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu từ đầu tuần đã bị bán tháo, VN-Index có phiên mất gần 40 điểm và tình trạng nghẽn lệnh khiến HSX bị thanh tra.

Bị "bịt mắt" đặt lệnh, nhà đầu tư tính thiệt hại bằng… Mercedes

Giao dịch trong sự tù mù của dữ liệu, có người ví von việc tháo chạy của nhà đầu tư sáng 7/6 là " dẫm đạp lên nhau trong bóng đêm ". Đến phiên chiều, thiệt hại của thị trường đã được thu hẹp.

Quan sát đồ thị VN-Index có thể thấy trong phiên giao dịch buổi sáng và đầu phiên chiều, chỉ số bị gấp khúc một cách khó hiểu.

Vào phiên sáng, trong khi VN30-Index đã cho thấy trạng thái giảm điểm khá mạnh thì VN-Index đang "bật xanh". Chỉ số này hiển thị hoàn toàn sai lệch so với thực tế, khiến nhà đầu tư khó hình dung được mức thiệt hại của thị trường chung.

Bảng giá điện tử của các công ty chứng khoán cũng bị "tê liệt". Nhà đầu tư chỉ thấy thị giá cổ phiếu "nhảy lên, nhảy xuống", bảng điện nhấp nháy một cách yếu ớt. Số lượng và giá kê mua, kê bán không theo trật tự nào.

Trong lúc nhiều mã cổ phiếu nằm sàn, trên các diễn đàn chứng khoán, một số nhà đầu tư đã bình luận rôm rả về việc họ phải tự tính toán số tiền lỗ.

Có người còn nhẩm tính, với 10 tỷ đồng, nếu dùng hết dư địa vay ký quỹ (full margin) trong ngày 4/6 để tất tay cổ phiếu LPB với giá 34.000 đồng/cổ phiếu thì tài khoản nhà đầu tư đã "bốc hơi" 1,68 tỷ đồng, tương đương một chiếc Mercedes C 200 Exclusive. Với số tiền này, nếu mua 300.000 cổ phiếu VND với giá 63.500 đồng/cổ phiếu thì đã "mất" 2,25 tỷ đồng, tương đương một chiếc xe Mercedes-AMG A35 4Matic. 

Bi hài bịt mắt bắt dê giao dịch chứng khoán, HSX nhận trát thanh tra - 1

Tình trạng nghẽn lệnh đối với HSX trở nên rất trầm trọng trong tuần qua, góp phần gây thiệt hại lớn với thị trường (Ảnh minh họa: IT).

Giao dịch tù mù khiến VN-Index "bay" 40 điểm

Vừa trải qua một phiên giảm sâu do cổ phiếu tài chính bị bán tháo ngay đầu tuần thì đến ngày 8/6, nhà đầu tư lại tiếp nhận thêm một cú "sốc" nặng nề.

VN-Index có thời điểm bốc hơi hơn 40 điểm trước khi hồi phục nhẹ ít phút cuối, thiệt hại ghi nhận mức 38,9 điểm, tương ứng 2,86%, còn 1.319,88 điểm. Riêng VN30-Index "đánh rơi" tới 45,13 điểm, tương ứng 3,04%, còn 1.438,97 điểm.

HNX-Index giảm 12,25 điểm, tương ứng 3,84%, còn 306,39 điểm. UPCoM-Index giảm 2,67 điểm, tương ứng 2,99%, còn 86,4 điểm.

Cổ phiếu trên các sàn giao dịch "thượng vàng hạ cám" đều bị bán tháo chứ không chỉ riêng cổ phiếu "tăng nóng" thời gian vừa qua.

HSX vẫn đạt 30.296,56 tỷ đồng giá trị giao dịch, khối lượng chuyển nhượng đạt 924,5 triệu cổ phiếu. Như vậy, mặc dù tâm lý hoảng loạn nhưng thanh khoản thị trường vẫn tăng cao.

Ở một góc nhìn khác, điều này cho thấy nhà đầu tư đang trở thành "con tin" để đẩy tăng thanh khoản cho HSX trong bối cảnh họ bị "che mắt" đặt lệnh, buộc phải dùng lệnh MP (lệnh thị trường, khớp bằng mọi giá - PV). Do tính năng hủy/sửa lệnh lại bị vô hiệu hóa nên một khi nhà đầu tư đã đặt lệnh thì sẽ không thể thay đổi và sửa chữa sai lầm. 

Đơ, nghẽn tồi tệ trên HSX, nhà đầu tư còn phải "sống chung với lũ" bao lâu?

Sau phiên giao dịch khiến VN-Index "bốc hơi" gần 40 điểm, trao đổi với Dân trí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hết tháng này sẽ khắc phục xong hệ thống công nghệ thông tin, các bên đều đang nỗ lực. Ông Phớc cũng cho rằng, thời gian qua thị trường đã tăng trưởng "mạnh quá".

Trước đó, tại buổi làm việc với các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ vào ngày 2/6, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã lưu ý, những năm vừa qua đã tăng rất nhanh trên cả 3 lĩnh vực là cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh.

"Điều này đòi hỏi chúng ta phải vươn lên trong công tác quản lý, cả về năng lực, phương tiện mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn", ông Phớc nói.

Trong buổi làm việc nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính quán triệt, hiện tượng nghẽn lệnh vừa qua phải được đặc biệt quan tâm, "phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh", bởi vì, "ách tắc là thiệt hại".

Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HSX và các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX.

"Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh" - Phó Chủ tịch UBCKNN khẳng định. 

Theo cập nhật mới nhất, đầu tuần tới (từ 14/6) đến 23/7, HSX sẽ bắt đầu thử nghiệm hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán (KRX).

Từ 26/7 đến 6/8 sẽ đến khâu thử nghiệm chức năng. Ở 2 giai đoạn thử nghiệm kể trên, công ty chứng khoán kết nối vào hệ thống mới từ HSX để tự do thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm từ 8h30 đến 15h00 các ngày làm việc trong tuần.

HSX hứng bão 1 sao và bị chỉ trích trên Wikipedia

Trước tình trạng đơ, nghẽn kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng của hệ thống giao dịch, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự phẫn nộ bằng những cách ít ngờ đến.

Trong ngày 9/6, HSX nhận về hơn 1.000 đánh giá tiêu cực trên Google. Đến 16h chiều 9/6, điểm số đánh giá của HSX chỉ còn lại 1,2 sao với hơn 1.100 bình luận.

"Hiện tượng giật, lệnh khớp nhảy loạn xạ, bảng điện đơ không cập nhật đúng với thực tế. Hệ thống giao dịch đã hơn 6 tháng qua vẫn chưa xử lý được. Đề nghị ban lãnh đạo sớm khắc phục tránh gây thiệt hại và gây tâm lý ức chế cho nhà đầu tư", tài khoản Ngọc Tân Đặng bình luận.

Tuy nhiên, đến 17h cùng ngày, toàn bộ đánh giá 1 sao cho HSX trên Google được tạo đã biến mất. Điểm số của HSX trên Google trở về con số cũ 4,4/5 với 44 đánh giá. Bình luận gần nhất còn hiển thị về sở giao dịch này được tạo cách đây 4 tháng với nội dung "cần nâng cấp gấp hệ thống".

Sau "bão" chấm điểm tiêu cực, thậm chí có một số nhà đầu tư còn góp nội dung vào từ điển Wikipedia với phần nhận xét đối với HSX tương đối tiêu cực.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu thanh tra khẩn trương HSX

Thông tin "nóng" nhất liên quan đến vụ việc này chính là việc Bộ Tài chính thông báo quyết định thanh tra hành chính đối với HSX .

Trong thông báo của Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết, trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HSX diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thanh tra đối với HSX.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính ngày 10/6 đã ký quyết định thanh tra hành chính tại HSX. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể với HSX. 

"Tố" HSX yếu kém, VAFI vạch trần hàng loạt góc khuất, thủ đoạn trên TTCK

Chỉ một ngày sau (11/6), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính với nội dung "cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán (TTCK)".

Tại văn bản này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI  - cho rằng, sàn Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) "không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ thông tin mà còn yếu kém về công tác quản lý giám sát thị trường".

Theo đó, VAFI đề nghị Thanh tra Bộ Tài chính tìm hiểu về chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HSX ra sao; thanh tra dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.

Đồng thời, xác định vai trò của nhà thầu phụ trong dự án này, do ai lựa chọn, chất lượng nhà thầu ra sao và có khả năng làm chủ công nghệ vận hành hệ thống mới hay không?

Lãnh đạo VAFI còn nêu ra nhận xét, hiện nay có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo (cổ phiếu kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HSX), thậm chí còn có tình trạng công khai làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.

Phía VAFI "tố" có bàn tay thao túng, mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo nhằm đẩy giá chứng khoán.

Cùng với đó là thủ đoạn tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục, hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực. Vì vậy, đại diện VAFI cho rằng, cần thiết phải mở chiến dịch làm trong sạch TTCK.