Trăng máu và nguyệt thực toàn phần vào ngày hôm nay 8/11

Phạm Hường

(Dân trí) - Mặt Trăng sẽ đi qua vùng bóng đổ của Trái Đất tạo nên hiện tượng nguyệt thực toàn phần có thể quan sát được ở châu Đại Dương, châu Mỹ, châu Á và Bắc Âu.

Trăng máu và nguyệt thực toàn phần vào ngày hôm nay 8/11 - 1

Nguyệt thực toàn phần vào ngày Trăng Máu 26/5/2021, ảnh chụp từ Aukland, New Zealand (Ảnh: Phil Walter).

Bắt đầu từ 15h10, theo giờ Việt Nam

Nguyệt thực sẽ bắt đầu lúc 15 giờ 10 phút và kết thúc vào khoảng 18 giờ 49 phút theo giờ Việt Nam, nhưng thời gian nguyệt thực toàn phần thì ngắn hơn, chỉ từ 16 giờ 17 phút đến 17 giờ 42 phút.

Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng đổ của Trái Đất, ánh sáng từ Mặt Trời bị chặn lại khiến cho Mặt Trăng tối dần và cuối cùng là hoàn toàn không nhận được ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời nữa, nhưng vẫn có một ít ánh sáng hắt vào Mặt Trăng.

Trong quãng thời gian nguyệt thực toàn phần, sự khúc xạ ánh sáng từ Mặt Trời đập vào khí quyển Trái Đất rồi phản chiếu đến Mặt Trăng khiến cho ánh sáng xanh bị lọc bỏ, do đó Mặt Trăng sẽ tỏa ra ánh sáng màu nâu đỏ kỳ quái.

Mặc dù Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất khoảng mỗi tháng 1 lần vào ngày trăng tròn nhưng nguyệt thực không vì thế mà xảy ra đều đặn hàng tháng. Đó là vì Mặt Trăng quay quanh Trái Đất ở một mặt phẳng nghiêng khoảng 5 độ so với mặt phẳng mà Trái Đất quay quanh Mặt Trời, khiến cho ba thiên thể này không hoàn toàn thẳng hàng với nhau.

Nguyệt thực thường xảy ra 2 hoặc 3 lần mỗi năm và bất cứ nơi nào trên Trái Đất nhìn thấy Mặt Trăng ở phía trên đường chân trời vào thời điểm đó thì đều quan sát được nguyệt thực. Chúng ta có thể quan sát nguyệt thực bằng mắt thường một cách an toàn, không sợ hại mắt như quan sát nhật thực.

Nguyệt thực toàn phần vào ngày 8/11 là nguyệt thực toàn phần thứ 2 và cuối cùng trong năm.

Nguyệt thực toàn phần diễn ra như thế nào?

Nguyệt thực diễn ra theo một quá trình thay đổi hình ảnh của Mặt Trăng là do bóng đổ của Trái Đất gồm các phần khác nhau.

Phần rìa của bóng đổ là vùng nửa tối, và phần giữa là vùng tối hoàn toàn. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng nằm trọn trong vùng tối hoàn toàn.

Lúc đầu Mặt Trăng sẽ đi vào vùng nửa tối vào lúc 14 giờ 03 phút và nhanh chóng tối dần. Vào khoảng 15 giờ 10 phút, Mặt Trăng sẽ bắt đầu đi vào vùng tối hoàn toàn và nguyệt thực bán phần bắt đầu. Lúc này chúng ta sẽ thấy một bóng tối hình tròn che khuất dần đĩa Mặt Trăng. Đến 16 giờ 17 phút, Mặt Trăng sẽ nằm trọn trong vùng tối hoàn toàn và đây là lúc bắt đầu nguyệt thực toàn phần.

Nguyệt thực toàn phần kết thúc khi Mặt Trăng bắt đầu đi ra khỏi vùng tối hoàn toàn lúc 15 giờ 42 phút và bước vào vùng nửa tối, tức là lại một lần nữa xảy ra nguyệt thực bán phần.

Lần nguyệt thực tiếp theo và cũng là nguyệt thực đầu tiên của năm 2023 sẽ xảy ra vào ngày 6/5/2023. Lần này Mặt Trăng sẽ chỉ đi vào vùng nửa tối của Trái Đất cho nên chỉ một phần bóng đổ của Trái Đất in mờ lên Mặt Trăng, vì thế khó có thể quan sát được bằng mắt thường.