Tìm thấy lỗ đen lớn gấp 10 lần Mặt Trời nằm rất gần Trái Đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Lỗ đen Gaia BH1 được tìm thấy ở khoảng cách gần Trái Đất hơn rất nhiều so với những phát hiện trước đây.

Tìm thấy lỗ đen lớn gấp 10 lần Mặt Trời nằm rất gần Trái Đất - 1

Hình minh họa về lỗ đen Gaia BH1 nằm trong hệ sao nhị phân cách Trái đất chỉ 1.560 năm ánh sáng. Hệ thống này cũng chứa đựng một ngôi sao đồng hành giống như Mặt Trời (Ảnh: NSF).

Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian ở Massachusetts vừa gửi báo cáo về một lỗ đen với tên gọi Gaia BH1, có kích thước lớn gấp 10 lần Mặt Trời của chúng ta, và nằm cách Trái Đất chỉ vỏn vẹn 1.560 năm ánh sáng.

Được biết, khoảng cách này chỉ bằng 1/3 so với những phát hiện về lỗ đen trước đây, khiến Gaia BH1 chính thức trở thành lỗ đen gần Trái Đất nhất. Bên cạnh đó, nó cũng sở hữu những đặc tính vô cùng thú vị.

Theo Kareem El-Badry, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, Gaia BH1 nằm trong một hệ sao nhị phân, với thành viên còn lại là một ngôi sao có cấu trúc tương tự như Mặt Trời.

Điều đặc biệt là khoảng không gian nằm giữa lỗ đen và ngôi sao bằng đúng khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Nó khiến cho Gaia BH1 giống như một hình ảnh phản chiếu của Trái Đất tại hệ sao xa xôi.

"Đây cũng là phát hiện đầu tiên về một ngôi sao giống như Mặt Trời tồn tại trong một quỹ đạo xung quanh một lỗ đen trong thiên hà của chúng ta", El-Badry cho biết.

Trước đó, các nhà thiên văn học cho rằng thiên hà Milky Way của chúng ta chứa khoảng 100 triệu lỗ đen, với khối lượng lớn hơn từ 5 đến 100 lần so với Mặt Trời.

Tuy nhiên, việc phát hiện ra những lỗ đen này được xem là tương đối khó khăn, bởi chúng gần như vô hình trong điều kiện quan sát bình thường. Sự tồn tại của lỗ đen chỉ có thể được suy đoán thông qua tương tác của nó với môi trường vật chất xung quanh và bức xạ như ánh sáng.

Tìm thấy lỗ đen lớn gấp 10 lần Mặt Trời nằm rất gần Trái Đất - 2

Lỗ đen là vật thể ẩn chứa nhiều bí mật (Ảnh minh họa).

Bằng những quan sát thông qua kính thiên văn Gemini North và Keck 1 ở Hawaii, cũng như kính Magellan Clay và MPG/ESO ở Chile, nhóm nghiên cứu xác định được vật thể không nhìn thấy này có khối lượng gấp 10 lần Mặt Trời, quay 1 vòng xung quanh trục trong khoảng thời gian tương đương 186 ngày Trái Đất.

Theo El-Badry, sự tồn tại của lỗ đen đã xác nhận câu hỏi được tranh cãi bấy lâu, về việc một hệ sao nhị phân liệu có thể chứa một ngôi sao bình thường và ít nhất một lỗ đen hay không.

Dẫu vậy, chuyên gia này khẳng định hệ thống này không dễ dàng đáp ứng được các mô hình tiến hóa của hệ sao nhị phân tiêu chuẩn, và đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức hệ thống này được hình thành, cũng như có bao nhiêu lỗ đen ngoài kia.