Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về các hồ nước nhỏ khiến Trái Đất "kêu cứu"

Minh Khôi

(Dân trí) - Sự xuất hiện của nhiều hồ nước nhỏ là một vấn đề nghiêm trọng với môi trường.

Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về các hồ nước nhỏ khiến Trái Đất kêu cứu - 1

Chúng ta thường cho rằng càng nhiều hồ nước, thì càng có lợi cho hệ động thực vật trên cạn và dưới nước. Tuy nhiên trên thực tế lại không phải vậy (Ảnh: Getty).

Một nghiên cứu mới đây tiết lộ rằng các hồ nước nhỏ trên Trái Đất đã gia tăng số lượng đáng kể trong khoảng 4 thập kỷ qua. Các nhà khoa học xem đây là một sự phát triển đáng lo ngại, khi xét đến lượng khí nhà kính mà các hồ chứa nước ngọt thải ra.

Cụ thể theo nghiên cứu, từ năm 1984 đến năm 2019, diện tích bề mặt hồ trên quy mô toàn cầu đã tăng lên xấp xỉ 46.000 km2 với khoảng 3,4 triệu hồ, sánh ngang với diện tích của cả một quốc gia.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng khi các hồ nước phát triển, hệ động thực vật trên cạn và dưới nước sẽ được hưởng lợi. Song mặt trái của nó thì ít người nhìn thấy. Đó là những khí có hại cho môi trường (hay khí nhà kính), gồm: carbon dioxide, metan, nitơ oxit... liên tục được tạo ra từ các hồ này do quá trình phân hủy của xác thực vật, động vật, nấm và vi khuẩn.

Theo tính toán, diện tích hồ này tương đương với mức tăng phát thải carbon hàng năm trong khu vực 4,8 teragram CO2 (tương đương 1 nghìn tỷ gram). Con số này bằng với mức tăng CO2 do toàn bộ Vương quốc Anh thải ra vào năm 2012.

Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về các hồ nước nhỏ khiến Trái Đất kêu cứu - 2

Phạm vi phủ sóng của hồ nước trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 1984 - 2019 (Ảnh: Nature Communications).

"Sự phát triển của hồ đã có những thay đổi đáng kể trong những thập kỷ gần đây, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và khả năng tiếp cận nguồn nước", nhà sinh thái học Jing Tang từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết.

Tang nhấn mạnh rằng các hồ nhỏ thường nhạy cảm hơn nhiều so với hồ lớn, bởi chúng dễ thay đổi dưới sự ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết, cũng như những xáo trộn từ con người. "Kích thước và thành phần hóa học của những hồ nhỏ thường bị dao động rất nhiều. Bởi vậy, việc kiểm soát chúng cũng đòi hỏi khắt khe hơn", Tang cho biết.

Điều đáng lo ngại là hơn một nửa sự gia tăng diện tích hồ là do hoạt động từ con người. Hay nói cách khác, đây là các hồ chứa mới được xây dựng, điển hình là hồ điều hòa, hồ chứa nước, hồ phục vụ nông nghiệp... các nhà nghiên cứu cho biết. Phần còn lại chủ yếu là do các sông băng tan chảy và băng vĩnh cửu tan chảy, gây ra bởi sự nóng lên của hành tinh chúng ta.

Điều này cho thấy sự thiếu hiểu biết của chúng ta về các hồ nước nhỏ chính là một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất ngày càng đối mặt với tình cảnh khó khăn hơn.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng dữ liệu của họ sẽ hữu ích cho các mô hình khí hậu trong tương lai, với một lượng lớn khí nhà kính có khả năng đến từ bề mặt hồ khi tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục diễn ra.