Siêu sóng thần từng tàn phá hành tinh Đỏ

Phạm Hường

(Dân trí) - Hành tinh Đỏ xưa kia từng chứa rất nhiều nước đến mức một cơn siêu sóng thần đã xảy ra tàn phá nơi đây.

Siêu sóng thần từng tàn phá hành tinh Đỏ - 1

Hình minh họa sao Hỏa cách đây 4 tỷ năm, khi còn là hành tinh ẩm ướt hơn nhiều so với ngày nay. (Ảnh: ESO/M. Kornmesser).

 Có rất nhiều luồng bằng chứng cho thấy sao Hỏa không phải lúc nào cũng khô cằn như ngày nay. Trên thực tế, Điều gì đã gây ra thảm họa đó? Nghiên cứu gần đây cho biết đó chính là một vụ va chạm giữa sao Hỏa với một tiểu hành tinh khổng lồ, sức mạnh của nó có thể so sánh với vụ va chạm của Trái Đất với tiểu hành tinh Chicxulub cách đây 66 triệu năm khiến loài khủng long tuyệt chủng.

Nhóm nghiên cứu ở Viện Khoa học hành tinh ở Arizona, Mỹ, do nhà khoa học hành tinh Alexis Rodriguez phụ trách đã xác định được một hố va chạm do một lực tác động cực lớn gây ra. Rất có thể đây chính là khởi nguồn của cơn sóng thần kỳ bí kia. Họ đặt tên cho hố va chạm này là Pohl và định vị nó ở một khu vực bị lũ lụt xói mòn thảm khốc. Khu vực này đã được các nhà khoa học xác định vào những năm 1970 và cho rằng nó nằm ở vùng rìa của một đại dương cổ đại.

Khi tàu vũ trụ Viking 1 của NASA hạ cánh lên sao Hỏa vào năm 1976 ở gần một hệ thống kênh lũ lớn có tên Maja Valles, nó đã phát hiện ra một điều kỳ lạ: không phải những đặc điểm của một nơi từng có siêu lũ đi qua, mà là một đồng bằng rải đầy đá cuội. Nhóm nghiên cứu của Rodriguez đã xác định rằng đây là kết quả của một cơn sóng thần và nó đã tái tạo bề mặt rộng lớn trên một vùng bờ biển của một đại dương cổ xa xưa.

Siêu sóng thần từng tàn phá hành tinh Đỏ - 2

Bản đồ địa hình khu vực có hố va chạm và bãi đáp của Viking 1. (Ảnh: Rodriguez).

Nhóm nghiên cứu đưa ra hai giả thuyết cho hai cơn sóng thần được gây ra bởi các sự kiện hoàn toàn khác nhau, cách đây 3,4 tỷ năm và 3 tỷ năm. Các phép mô phỏng trên máy tính đã đưa họ đến hố va chạm Lomonsov và xác định nơi đây chính là khởi nguồn của cơn sóng thần cách đây 3 tỷ năm. Tuy nhiên, nguồn gốc của cơn sóng thần xảy ra từ 3,4 tỷ năm trước thì vẫn khó xác định. Nhóm nghiên cứu đã rà soát tỷ mỉ các bản đồ bề mặt sao Hỏa để tìm kiếm các hố va chạm liên quan đến những cơn sóng thần khổng lồ.

Cuối cùng họ lần ra Pohl, nằm cách địa điểm đổ bộ của Viking 1 khoảng 900 km. Đây là hố va chạm có đường kính 110 km và đáy của nó thấp hơn khoảng 120 mét so với mực nước biển mà các nhà khoa học tin rằng xưa kia là vùng biển Chryse Planitia.

Dựa trên những tảng đá xung quanh hố va chạm có niên đại khoảng 3,4 tỷ năm, các nhà nghiên cứu cho rằng Pohl cũng có thể hình thành vào thời điểm này. Vị trí của nó gần các bề mặt bị xói mòn do lũ lụt và các trầm tích siêu sóng thần cho thấy hố va chạm đã hình thành trong một tác động liên quan đến biển.

Để khẳng định điều này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng tác động, điều chỉnh các thông số của vật đã va chạm với sao Hỏa và bề mặt nơi nó đâm vào. Họ tìm thấy hai kịch bản phù hợp với địa điểm đó.

Đầu tiên là một tiểu hành tinh có đường kính 9 km va chạm lên bề mặt nơi đây, dẫn đến một vụ nổ có sức mạnh 13 triệu megaton. Kịch bản thứ hai là một tiểu hành tinh có đường kính 3 km va chạm và lực cản nhỏ hơn so với kịch bản thứ nhất, giải phóng ra một năng lượng với sức mạnh 0,5 triệu megaton tính theo năng lượng TNT.

Cả hai kịch bản này đều dẫn đến kết quả là miệng hố va chạm có đường kính 110 km, giải phóng một cơn siêu sóng thần lan xa đến 1.500 km và hoàn toàn bao phủ đến tận khu vực Maja Valles. Cảnh quan đầy đá cuội chính là tàn tích của cơn sóng thần phù hợp với kịch bản tiểu hành tinh 3 km đâm xuống nơi đây và gây ra sóng thần cao đến 250 mét.

Kết quả của các phép mô phỏng đều phù hợp với thực tế một vụ va chạm xảy ra trong môi trường biển nông, tạo nên một hố tạm thời trên mặt đất và gây ra siêu sóng thần cao hơn 200 mét. Nhóm nghiên cứu nhận định những phát hiện này cho thấy đá và muối trong đất tại nơi xảy ra va chạm có nguồn gốc từ biển, và do đó chúng ta cần xem lại những thông tin thu thập được từ các phép đo tại chỗ đầu tiên do Viking 1 tiến hành trên sao Hỏa.