Lịch sử và ý nghĩa hình thành nên ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5) là dịp khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng, phát triển cán bộ khoa học trong tương lai.

Lịch sử và ý nghĩa hình thành nên ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5 - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963 (Ảnh tư liệu).

Hôm nay (18/5) là năm thứ 8 tổ chức Ngày Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam. Đây là dịp biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ KH&CN đã có những kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất, có trình độ và năng lực sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động trong nước.

Ngày KHCN Việt Nam được đặt ra theo cột mốc ghi nhận vào ngày 18/5/1963, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KHCN ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang cho giới trí thức KHCN Việt Nam.

Người nói: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".

Chính bởi vậy, ngày KHCN tập trung vào khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.

Ngoài ra, việc kỷ niệm Ngày KHCN cũng là để công chúng hiểu sâu hơn và rộng rãi hơn vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo, sự đóng góp của giới KHCN. Từ đó có ý thức tôn trọng và hưởng ứng phong trào thi đua sáng tạo, động viên các nhà khoa học hăng say cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc hùng cường, sánh vai với các cường quốc. 

Lịch sử và ý nghĩa hình thành nên ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5 - 2

Tiến sĩ khoa học, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, đại biểu Quốc hội khóa XIV Nghiêm Vũ Khải (Ảnh Hoàng Giang).

Theo ông Nghiêm Vũ Khải - Tiến sĩ khoa học, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), đại biểu Quốc hội khóa XIV, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là một chuỗi hoạt động, tiềm ẩn sự rủi ro rất cao.

"Đầu tư thương mại hóa kết quả nghiên cứu có thể được coi là đầu tư mạo hiểm", ông Khải cho biết. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Nhà nước nên tập trung xây dựng thể chế, hạ tầng và đào tạo nhân lực KHCN phục vụ nâng cao năng lực quốc gia, tạo điều kiện duy trì các hoạt động KHCN có tính dẫn dắt, định hướng cho các nghiên cứu và ứng dụng. Còn hoạt động ứng dụng, thương mại hóa chủ yếu do các doanh nghiệp triển khai với vai trò là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo".

Ở nước ta, đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Những năm gần đây xuất hiện tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, Vingroup… đang mạnh dạn đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo và đã thu được những kết quả rất tích cực.

Theo TS. Nghiêm Vũ Khải cho biết, đất nước đã có những bước tiến dài là điều rất đáng mừng, nhưng trên thực tế, chúng ta có thể "có những bước tiến nhanh hơn, bền vững hơn thế nữa" nếu có những chính sách thực sự mạnh mẽ để khích lệ, tập hợp và đoàn kết trí thức trong cũng như ngoài nước.

"Để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ, đó là phải tiếp tục đặt KHCN và đổi mới sáng tạo vào đúng vị trí của nó, như Đảng, Hiến pháp đề ra, đó là quốc sách hàng đầu", TS. Nghiêm Vũ Khải cho biết. "Bên cạnh đó, cần có những chính sách, hoạt động khích lệ tinh thần KHCN và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng hơn nữa".

Có thể thấy trong những năm 1960, dù chiến tranh rất ác liệt, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn dành sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đặc biệt để triển khai một số biện pháp phát triển khoa học kỹ thuật và giáo dục một cách nhất quán, mạnh mẽ, thể hiện rất rõ tinh thần "giáo dục, đào tạo và khoa học kỹ thuật là quốc sách hàng đầu".

Khi đó, hàng nghìn học sinh ưu tú đã được gửi sang học và nghiên cứu tại các nước XHCN; một số trường đại học, viện nghiên cứu, ngành học then chốt đã được thành lập và hoạt động.

Nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật theo đó, được đào tạo chuyên sâu và có bài bản, đã đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng sức mạnh quân đội nhân dân cũng như xây dựng thế và lực của cách mạng, góp phần đưa công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Hơn thế nữa, nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cũng có nhiều cống hiến to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội từ sau khi đất nước thống nhất cho đến ngày nay.

Học tập và lĩnh hội tư tưởng chỉ  đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu khoa học, tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển xã hội, xây dựng nền KHCN Việt Nam ngày càng hiện đại và hội nhập với những nền KHCN tiên tiến trên thế giới.