Hiện tượng lạ xuất hiện trên bầu trời khiến nhiều người hoảng sợ

(Dân trí) - Các chùm tia điện đỏ rực hiếm gặp xuất hiện ở miền nam Trung Quốc trong một trận mưa dông lớn.

Hiện tượng lạ xuất hiện trên bầu trời khiến nhiều người hoảng sợ - 1
Các tia sét có thể cực kỳ nguy hiểm, nhưng lại mang theo một vẻ đẹp khó cưỡng, đặc biệt là những chùm tia sét hiếm, ít xảy ra trong tự nhiên. Cuối tuần qua, một nhiếp ảnh gia đã may mắn quay được video về một loại tia sét mà rất ít người từng nhìn thấy.
 

Được chia sẻ trên Newsflare, hình ảnh về các chùm tia điện có màu đỏ đầy thú vị này đã được ghi lại vào lúc nửa đêm ngày 9/5 tại thành phố Quý Dương, Trung Quốc, khiến nhiều người hoảng sợ, nhưng cũng không kém phần thích thú.

Đoạn video cho thấy những đám mây phát quang màu đỏ sáng lập lòe trên bầu trời đêm. (Nguồn video: Newsflare)

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Washington giải thích hiện tượng này xuất hiện vào thời tiết dông bão khi các đám mây tích điện ở trên cao giải phóng ra các tia điện. Trong đó, màu đỏ sậm là kết quả của việc tia sét tương tác với nitơ trong khí quyển.

Theo ghi nhận, hiện tượng thường xảy ra ở trên đỉnh của một đám mây dông, cách mặt đất khoảng 30 - 90 km. Các chùm tia thường trải dài từ 5 - 10 km và kéo dài từ 10 - 100 miligiây ( tức từ 1 - 10 phần nghìn giây).

Hiện tượng này cũng thường đi kèm với một vầng sáng lớn, lóa lên trong giây lát, được gọi là "Elve" (tạm dịch: Tiên tinh), nhưng không phải lúc nào cả hai cũng xảy ra cùng một lúc.

Các chùm tia điện này có diện tích lớn tới mức chúng có thể được quan sát bằng ống kính trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), vốn nằm trên quỹ đạo của Trái đất khoảng 400 km từ mực nước biển.

Một sứ mệnh Tàu con thoi thực hiện vào năm 1989 đã giúp xác nhận sự tồn tại của các chùm tia điện này. Trước chuyến bay vào vũ trụ, những hình ảnh về chùm tia đã được các phi công báo cáo, nhưng không được nhiều nhà khoa học tin tưởng. Mãi tới khi chúng tình cờ được  lại vào tháng 7/1989, NASA cho biết.

Hiện tượng lạ xuất hiện trên bầu trời khiến nhiều người hoảng sợ - 2

Hình minh họa về các hiện tượng phát sáng tạm thời (TLE) khác nhau trên bầu trời. (Ảnh: NOAA)

Kể từ đó, nhiều hình ảnh về chùm tia đã được ghi nhận trên toàn cầu, dễ bắt gặp nhất là tại các vùng khí hậu nhiệt đới, nơi thường xuất hiện các cơn bão lớn, chẳng hạn như cơn bão Matthew vào năm 2016.

Theo chia sẻ từ những thợ "săn bão", nếu muốn tự mình ghi lại hiện tượng kỳ thú này, bạn sẽ phải đợi tới đêm tối, sau đó chọn một vị trí có thể quan sát cơn bão từ xa, rồi sử dụng máy ảnh chuyên dụng - có thể hoạt động tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, chẳng hạn như DSLR, mới có thể bắt trọn khoảnh khắc.

Minh Khôi