Điều gì xảy ra khi đưa vi khuẩn "sống dai" nhất Trái Đất lên Sao Hỏa?

Minh Khôi

(Dân trí) - Vi khuẩn cứng đầu nhất thế giới với biệt danh "Conan the Bacterium" có thể tồn tại tới 280 triệu năm trên Sao Hỏa.

Điều gì xảy ra khi đưa vi khuẩn sống dai nhất Trái Đất lên Sao Hỏa? - 1

Deinococcus radiodurans là vi khuẩn "cứng đầu" nhất thế giới (Ảnh: USU).

Sau nhiều thập kỷ "vật lộn" với ý tưởng đặt chân lên Sao Hỏa, con người vẫn chưa thể thực hiện điều này, cũng như nghĩ ra cách để sống sót trong bầu khí quyển đầy khắc nghiệt nơi hành tinh Đỏ.

Tuy nhiên, có một thứ vô cùng nhỏ bé tồn tại ở Trái Đất có thể dễ dàng tồn tại và phát triển trên Sao Hỏa. Đó là "Conan the Bacterium" (tên khoa học: Deinococcus radiodurans), một trong những vi khuẩn cứng đầu nhất từng được biết đến.

Tháng 8/2020, các nhà khoa lần đầu tiên phát hiện thấy vi khuẩn Deinococcus có thể tồn tại trong 3 năm ở điều kiện ngoài không gian, dựa trên các nghiên cứu được thực hiện trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Khám phá này đã ủng hộ mạnh mẽ cho thuyết panspermia, khi cho rằng sự sống có thể tồn tại khắp vũ trụ, được phân bổ theo nhiều cách khác nhau như bụi không gian, thiên thạch, tiểu hành tinh, sao chổi, hay xác tàu vũ trụ.

Mới đây, các nhà khoa học lại chứng minh được rằng vi khuẩn với biệt danh "Conan the Bacterium" có khả năng sống sót trong môi trường bức xạ đủ mạnh để tiêu diệt bất kỳ dạng sống nào khác.

Các thí nghiệm cho thấy nếu Deinococcus hay một vi khuẩn với cấu trúc tương tự nằm ở độ sâu 10 mét dưới bề mặt Sao Hỏa và bị đóng băng, chúng có thể sống tới 280 triệu năm.

Điều gì xảy ra khi đưa vi khuẩn sống dai nhất Trái Đất lên Sao Hỏa? - 2

Cấu trúc đặc biệt giúp vi khuẩn Deinococcus có thể sống hàng trăm triệu năm trên Sao Hỏa (Ảnh: Getty).

Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu từ Đại học Maryland, Mỹ đã thử nghiệm 6 loại vi khuẩn và nấm trong môi trường cực đoan, nhằm mô phỏng môi trường ở Sao Hỏa, như nhiệt độ thấp tới -63 độ C, tiếp xúc với ánh sáng cực tím, tia gamma, và liên tục bị các proton năng lượng cao bắn phá...

Không bất ngờ khi "Conan the Bacterium" là kẻ chiến thắng, có khả năng hấp thụ lượng phóng xạ gấp 28.000 lần so với con người. Trước đó, vi khuẩn này được cho là có thể tồn tại trong môi trường lạnh, mất nước, chân không và axit. Bởi vậy, nó còn được gọi là một polyextremophile, và là vi khuẩn sống dai nhất thế giới trong Sách Kỷ lục Guinness Thế giới.

Theo Science, chúng đạt được khả năng này nhờ có nhiều bản sao bộ gen và cơ chế sửa chữa DNA nhanh chóng khi xuất hiện các vết đứt trong nhiễm sắc thể.

Điều thú vị là ngoài khả năng chống lại bức xạ, vi khuẩn Deinococcus về mặt di truyền và sinh hóa rất giống với các dạng sống khác trên Trái Đất. Do đó, nghiên cứu đã giúp các nhà khoa học có thêm hiểu biết về những dạng sống bản địa tiềm năng, cũng như tính khả thi khi đưa sự sống ngoại lai lên hành tinh Đỏ.

Theo www.space.com