Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới

Minh Khôi Nam Đoàn

(Dân trí) - Hiện tượng trăng máu xảy ra từng được coi là điềm báo dữ. Nhưng dần theo thời gian, khoa học chứng minh được rằng đây thực ra chỉ là một hiện tượng thiên văn thuần túy.

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 1

Bức ảnh mặt trăng đỏ như máu được chụp bởi nhà quan sát Ron Delvaux ở Arizona, Mỹ trong một buổi phát trực tiếp (Ảnh: VTP).

Ngày 8/11, những người yêu thiên văn tại một số khu vực trên thế giới đã có cơ hội chứng kiến trăng máu cuối cùng trong năm 2022. Đây là hiện tượng hiếm gặp, và chỉ xảy ra từ 2 hoặc 3 lần mỗi năm.

Tại Việt Nam, nguyệt thực bắt đầu lúc 15 giờ 10 phút và kết thúc vào khoảng 18 giờ 49 phút, nhưng thời gian nguyệt thực toàn phần thì ngắn hơn, chỉ từ 16 giờ 17 phút đến 17 giờ 42 phút.

Theo NASA, hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng trên cùng một đường thẳng, khiến Mặt Trăng bị bóng của Trái Đất phủ lên, có ánh đỏ ma mị, nên được gọi là "trăng máu" (blood moon).

Từ thời xa xưa, hiện tượng trăng máu xảy ra từng được coi là điềm báo dữ, hay thậm chí được nhắc đến như ngày tận thế của Trái Đất. Tuy nhiên dần theo thời gian, khoa học chứng minh được rằng đây thực ra chỉ là một hiện tượng thiên văn bình thường mà thôi.

Trên thực tế, có tới 3 loại nguyệt thực, gồm: nửa tối, một phần và toàn phần. Trong hiện tượng nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng đi qua rìa ngoài của bóng Trái Đất (penumbra) và bề mặt Mặt Trăng chỉ mờ đi đôi chút.

Trong khi đó, nguyệt thực một phần xảy ra thường xuyên hơn, khi một phần của Mặt Trăng đi vào vùng tối nhất của bóng Trái Đất (umbra), khiến phần đó tối đi đáng kể.

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần và trăng máu (Mặt trăng Hải ly) khiến nó có màu đỏ khi nhìn từ Trái Đất, sự kiện xảy ra ngày 8/11 có thể quan sát rõ trên khắp khu vực Bắc Mỹ, một phần của Úc, châu Á, Thái Bình Dương và Nam - Trung Mỹ. 

Hiện tượng này diễn ra theo một quá trình thay đổi hình ảnh của mặt trăng là do bóng đổ của Trái Đất gồm các phần khác nhau. Phần rìa của bóng đổ là vùng nửa tối, và phần giữa là vùng tối hoàn toàn. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi mặt trăng nằm trọn trong vùng tối hoàn toàn.

Nguyệt thực toàn phần kết thúc khi mặt trăng bắt đầu đi ra khỏi vùng tối hoàn toàn và bước vào vùng nửa tối, tức là lại một lần nữa xảy ra nguyệt thực bán phần.

Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 14/3/2025, song sẽ có hai lần nguyệt thực một phần vào năm 2023 và hai lần nữa vào năm 2024.

Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh trăng máu vừa đẹp, vừa ma mị được ghi nhận trên khắp thế giới.

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 2

Nhiếp ảnh gia Matt Blyth chụp được khung cảnh nguyệt thực đúng lúc một chiếc máy bay đang bay qua (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 3

Trăng máu và nguyệt thực toàn phần được chụp bên cạnh Hệ thống Phóng Không gian của NASA (Ảnh: NASA).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 4

Trăng máu xuất hiện phía sau đằng sau mái vòm Điện Capitol, Washington, Mỹ (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 5

Nhiếp ảnh gia chụp được trăng máu phía sau Tượng Tự do trên đỉnh của Mái vòm Quốc hội Mỹ (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 6

Trăng máu kết hợp nguyệt thực toàn phần ghi nhận tại Metro Manila, Philippines (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 7

Trăng máu xuất hiện đầy ma mị trên bầu trời, khiến những người yêu thiên văn trên thế giới thích thú (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 8

Nguyệt thực một phần xuất hiện vào chiều tối ở Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 9

Bức ảnh được chụp bởi nhà nhiếp ảnh thiên văn James McCue cho thấy rõ hai trạng thái khác nhau của Mặt Trăng trong cùng một buổi tối (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 10

Trăng máu mọc trên Tòa nhà Quốc hội Úc (Ảnh: Getty).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 11

Tại Hà Nội, nguyệt thực toàn phần "trăng máu" xuất hiện khá muộn do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tới khi có thể quan sát, nguyệt thực đã qua thời điểm cực đại (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 12

Trường hợp tương tự ghi nhận tại Yangon, Myanmar. (Ảnh: Associated Press).

Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 13
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xuất hiện khá sớm trên bầu trời TP Đà Nẵng, do điều kiện thời tiết thuận lợi. Hình ảnh được ghi lại vào thời điểm nguyệt thực đạt cực đại lúc 18h (Ảnh: Tuấn Lê).
Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 14
Hình ảnh tổng hợp cho thấy diễn biến của nguyệt thực xảy ra tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào ngày 8/11. Đầu tiên, mặt trăng lặn vào rìa ngoài của bóng Trái Đất, tạo ra nguyệt thực một phần và lớn dần cho đến khi nó chìm hoàn toàn vào trong bóng của hành tinh chúng ta, dẫn đến hiện tượng trăng máu (Ảnh: Richard Brooks).
Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 15
Quang cảnh nguyệt thực toàn phần tại thành phố Melbourne, bao quanh vịnh  Port Phillip  bang Victoria, Australia (Ảnh: Darian Traynor).
Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 16
Mặt trăng mọc trên bãi biển Manly, Sydney, Australia trước nguyệt thực toàn phần xảy ra. Tại đây hiệu ứng hấp dẫn từ mặt trăng tạo ra thủy triều và sóng lớn khiến những vận động viên lướt sóng thích thú (Ảnh: Brook Mitchell).
Chùm ảnh trăng máu đẹp ma mị trên khắp thế giới - 17
Mặt trăng tỏa sáng trên đài quan sát Edge, thành phố New York, Mỹ vào ngày 7/11/2022, một ngày trước khi nguyệt thực toàn phần xảy ra (Ảnh: Gary Hershorn).