"Yêu cho roi cho vọt": Khi bạo lực ngụy danh giáo dục

Vũ Anh

(Dân trí) - Dẫu bao bi kịch liên tiếp xảy ra, nhiều bậc phụ huynh vẫn lạm dụng bạo lực trong việc giáo dục con trẻ.

Thời gian gần đây, những vụ việc sử dụng vũ lực, đánh đập trẻ em một lần nữa trở thành điểm nóng được xã hội quan tâm. Đáng buồn thay, kẻ bạo hành lại là người thân quen hay thậm chí là cha mẹ của trẻ - những người hẳn phải yêu thương các em nhất lại mang đến tổn thương sâu sắc nhất. 

Cho đến hôm nay, dư luận vẫn chưa thôi bàng hoàng trước vụ việc bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong, hay vụ em bé 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm trên đầu. 

Ngược dòng thời gian còn có rất nhiều vụ việc bạo hành con trẻ khác như: vụ bé gái 3 tuổi bị mẹ ruột dùng kéo cắt ngón tay với lý do "cho con chừa nghịch" từng khiến dân tình dậy sóng; một bé gái xấu số khác tại tỉnh Bình Dương bị trừng phạt bằng cách dùng chai rượu đập vào đầu...

Trên thực tế, giáo dục bằng cách sử dụng bạo lực đã tồn tại từ rất lâu, ăn sâu cắm rễ trong tiềm thức của một bộ phận phụ huynh ở Việt Nam.

Yêu cho roi cho vọt: Khi bạo lực ngụy danh giáo dục - 1
Đối với trẻ bị bạo hành, gia đình chưa bao giờ là nơi bình yên (Ảnh minh họa: DT)

Xuất phát từ thương con hay hành vi bạo lực nhân danh tình yêu?

Câu tục ngữ "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" vốn là một trong đúc kết tư duy giáo dục từ lâu đời của ông cha. Tuy nhiên, theo thời gian, quan điểm này đã bị hiểu sai và lạm dụng quá mức dẫn đến tình trạng gia tăng bạo hành ở trẻ em. 

"Cha mẹ đang tưởng lầm chữ "roi" và chữ "vọt" theo hướng yêu thương con thì phải đánh con thật mạnh, mắng con thật nặng cho "chừa". Nhưng dần dà việc ấy sẽ trở thành thói quen và bản năng, chỉ cần thích là đánh, không cần biết đúng hay sai." Bạn N.T (19 tuổi, Hà Nội), người từng là nạn nhân của bạo lực gia đình chia sẻ. 

Đối với người khác, gia đình có thể là bến bờ bình yên nhất nhưng với N.T, nhà là nơi chứa vô vàn ký ức đau thương. Nhắc đến cha mẹ, cô chỉ nhớ đến những cái bạt tai mạnh đến nỗi choáng váng đầu óc, hình ảnh vung gậy dứt khoát và tiếng van xin đến bỏng rát cổ họng: "Con xin lỗi mà, tha cho con đi".

"Một hai lần bị đánh thì tôi còn nghĩ là bản thân làm sai, cha mẹ muốn tốt cho mình. Nhưng khi việc đó xảy ra quá thường xuyên, chỉ cần đi qua trước mặt thôi cũng bị đánh vì "ngứa mắt" thì tôi chợt nhận ra rằng, việc mình bị đánh không đơn thuần xuất phát từ tình yêu thương nữa rồi", N.T tâm sự. 

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, N.T vẫn không thôi ám ảnh bởi những trận đòn roi mang tính "trút giận" của cha mẹ. Áp lực từ cuộc sống, từ đồng tiền khiến cha mẹ của N.T không kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhưng thay vì tìm phương pháp giải quyết vấn đề thì họ lại chọn cách "giận cá chém thớt" lên đầu con cái.

"Họ nói với tôi rằng họ làm vậy là vì thương tôi, để lần sau tôi không tái phạm nữa. Nhưng sau những lần bị đánh, tôi vẫn không biết mình sai ở đâu. Điều duy nhất tôi học được là nhìn sắc mặt cha mẹ để giảm thiểu tối đa những trận đòn vô cớ", N.T chia sẻ.

Tổn thương liên thế hệ

Theo Eastday News chỉ ra rằng, một số bậc cha mẹ sử dụng bạo lực đối với con cái của họ là do ảnh hưởng từ thế hệ trước. Họ cũng từng là những đứa trẻ phải chịu đựng đau đớn bởi bạo hành trong quá khứ. 

Trẻ con như một tờ giấy trắng, lời nói và việc làm của cha mẹ vô hình trung sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chúng. Khi cha mẹ dùng vũ lực để giáo dục con, họ đã thấm nhuần cho đứa trẻ suy nghĩ: Cha mẹ đánh mình là vì yêu thương mình, vì lợi ích sau này của mình. 

Chính vì vậy, mặc dù bị tổn thương sâu sắc bởi "bạo lực giáo dục" nhưng khi lớn lên và lập gia đình, những đứa trẻ khi xưa cũng sẽ vô thức sử dụng phương pháp dạy dỗ con cái y hệt cha mẹ. Từ đó tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn "tổn thương liên thế hệ".

Yêu cho roi cho vọt: Khi bạo lực ngụy danh giáo dục - 2
Đa phần những bậc cha mẹ sử dụng vũ lực với con cái đều là những người đã từng chịu tổn thương bởi bạo hành trong quá khứ (Ảnh minh họa: DT)

Khi được hỏi về vấn đề này, N.T cũng thẳng thắn: "Ông bà tôi đều là người ở nông thôn. Mà đánh con là cách giáo dục phổ biến nhất tại nông thôn thời đó. Cha mẹ tôi cũng như bao đứa trẻ khác, đều là người trưởng thành từ những trận đòn roi "thừa sống thiếu chết" của ông bà. Nhưng dù sao đó cũng là chuyện hơn 40 năm trước rồi, không thể áp dụng cho bây giờ được".

Thế hệ trẻ ngày nay mang trong mình sứ mệnh bảo tồn truyền thống nhưng cũng là nhóm người tiềm năng nhất trong việc cải thiện lối tư duy, cách suy nghĩ và làm mới những giá trị cũ. Nhưng bạo lực giáo dục lại cản trở họ trong quá trình tiến tới hành trình thay đổi, khuôn ép lại những ý tưởng mới nảy ra trong đầu với mục đích duy trì những gì thế hệ trước "cho là đúng". 

Sang chấn về tâm lý đi theo đến suốt đời

Theo báo cáo gần đây trên tạp chí Archieves of Psychiatry, trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 10 tuổi thường xuyên bị người thân bạo hành có nguy cơ mắc bệnh tâm thần khi đến tuổi dậy thì cao gấp đôi bình thường. Bạo hành càng nghiêm trọng thì hậu quả càng nặng nề.

Yêu cho roi cho vọt: Khi bạo lực ngụy danh giáo dục - 3
Trẻ bị bạo hành luôn mang trong mình những vết thương tâm hồn không bao giờ lành lại (Ảnh minh họa: Baidu)

"Có những đêm không thể ngủ nổi vì chỉ cần nhắm mắt là viễn cảnh kinh khủng ấy hiện lên". Dù hiện tại chuyện bạo hành không còn xảy ra với N.T nhưng ký ức về những ngày tháng đen tối đó chưa bao giờ buông tha cho cô. 

"Một đoạn thời gian dài tôi bị trầm cảm nặng, có xu hướng làm đau bản thân, ngày nào cũng nghĩ tới cái chết. Thậm chí tôi còn gặp tình trạng ảo giác, không phân biệt được đâu là thực đâu là mơ. Mở mắt ra đã thấy nước mắt ướt gối. Những câu chửi, câu mắng đó vẫn còn vang vọng trong đầu tôi, thỉnh thoảng vẫn khiến tôi giật mình né tránh trong vô thức", N.T nghẹn ngào. 

Vết thương trên thân thể có thể lành lại nhưng vết thương tinh thần có thể đeo bám đứa trẻ trong suốt nhiều năm. Tổn thương tâm lý là vết rách luôn rỉ máu, sẵn sàng rách toạc bất cứ lúc nào và di chứng để lại là vĩnh viễn. Thậm chí, trẻ bị bạo hành còn dễ gặp những bệnh như rối loạn hành vi chống đối xã hội, hoang tưởng, trầm cảm kéo dài... hoặc trở thành một "phiên bản khác" của bố mẹ.