Vì sao Trường Luật Harvard "tẩy chay" bảng xếp hạng đại học nổi tiếng?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Trường Luật của ĐH Yale và ĐH Harvard (Mỹ) cho biết sẽ không tham gia bảng xếp hạng của U.S. News vì bảng xếp hạng mâu thuẫn với cam kết của họ đối với sự đa dạng và khả năng chi trả của sinh viên.

Trường Luật của Đại học Yale và trường Luật của Đại học Harvard (Mỹ), lần lượt xếp vị trí thứ nhất và thứ 4 trong bảng xếp hạng của U.S. News. Đây được coi là một trong những bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới.

Trường Luật của Đại học Yale và trường Luật của Đại học Harvard đều xác nhận rằng họ sẽ không còn tiếp tục tham gia bảng xếp hạng các trường luật hàng đầu (được bình chọn hàng năm) của U.S. News & World Report. Đây được coi là sự thay đổi lớn nhất đối với bảng xếp hạng này.

Trường Luật của Đại học Yale đã giữ vị trí số một hàng năm kể từ khi U.S. News bắt đầu công bố bảng xếp hạng các trường luật vào năm 1990. Sau khi trường Luật của Đại học Yale công bố quyết định rút lui khỏi bảng xếp hạng của U.S. News, vài giờ sau, John Manning, hiệu trưởng trường Luật của Đại học Harvard thông báo rằng họ cũng sẽ làm như vậy.

Vì sao Trường Luật Harvard tẩy chay bảng xếp hạng đại học nổi tiếng? - 1

Sinh viên trường Luật Harvard (Ảnh: Harvard).

Cả hai trường cho biết bảng xếp hạng U.S. News mâu thuẫn với cam kết của trường đối với sự đa dạng và khả năng chi trả của sinh viên.

Hiệu trưởng trường Luật của Đại học Yale, Heather K. Gerken cho biết trong một thông báo trên trang web của trường rằng, bảng xếp hạng "thiếu sót sâu sắc" và không khuyến khích các trường thu nhận sinh viên thuộc tầng lớp lao động, hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu và giúp sinh viên theo đuổi sự nghiệp vì lợi ích công cộng.

Heather nói: "U.S. News tiếp tục áp dụng các số liệu làm suy yếu nghề luật và giáo dục pháp lý. Có vẻ như đã đến chúng ta lúc lùi lại một bước và nhìn nhận xem bảng xếp hạng này có ý nghĩa gì hay không".

Giám đốc điều hành Eric Gertler của U.S. News thì nói rằng, quyết định của trường Luật của Đại học Yale không thay đổi sứ mệnh của bảng xếp hạng là đảm bảo "sinh viên có thể dựa vào thông tin tốt nhất và chính xác nhất" khi quyết định nơi theo học.

Bảng xếp hạng các trường luật của U.S. News có ảnh hưởng lớn trong ngành pháp lý và được đánh giá cao về độ uy tín. Nhiều luật sư tương lai cân nhắc thứ hạng trong bảng xếp hạng này khi chọn trường luật.

Họ tin rằng việc tốt nghiệp từ một trường có thứ hạng cao sẽ mở ra cánh cửa cho các công việc được trả lương cao tại các công ty luật lớn.

Nhiều học giả pháp lý từ lâu đã chỉ trích bảng xếp hạng của U.S. News. Họ lập luận rằng bảng xếp hạng thúc đẩy các trường luật hỗ trợ tài chính cho những sinh viên có điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào trường luật thay vì dành khoản tiền đó cho những ứng viên thực sự cần nó nhất.

Hiệu trưởng của trường Luật của Đại học Yale, Heather K. Gerken, nhận xét, bảng xếp hạng này gây hiểu lầm trong khi thực tế là Yale thường khuyến khích sinh viên tốt nghiệp ra trường cống hiến cho cộng đồng bằng cách nhận công việc tại những lĩnh vực công dù tiền lương có thể thấp hơn so với làm cho tư nhân.

Sau tuyên bố "tẩy chay" của Yale và Harvard, các trường Luật của Đại học Stanford, Đại học Georgetown, Đại học Columbia, Đại học California, Berkeley, Đại học Michigan (Mỹ)..., đều tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng của U.S. News.

Mike Spivey, chuyên gia tư vấn tuyển sinh của trường luật, cho biết, các trường khác giờ đây sẽ có quyền ngừng cung cấp dữ liệu cho U.S. News, một động thái mà ông cho biết là nhiều trường luật đã muốn thực hiện trong nhiều năm.

Kể từ khi xuất hiện, bảng xếp hạng các trường đại học của U.S. News đã nhiều lần vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các nhà báo, hiệu trưởng trường đại học và bộ trưởng giáo dục Mỹ.

Họ cho rằng bảng xếp hạng này đã bỏ qua đặc điểm riêng biệt của từng trường và khiến các trường từ bỏ các thứ tự ưu tiên và nguyên tắc của họ để ủng hộ bất kỳ điều chỉnh nào có thể giúp trường tiến lên một vài bậc trong bảng xếp hạng.

Nhiều người cho rằng, khi không có bảng xếp hạng của U.S. News, các nhà giáo dục sẽ được giải phóng khỏi sự ràng buộc. Họ sẽ được tự do để theo đuổi các sứ mệnh giáo dục đặc biệt của họ, đặt ra các ưu tiên của riêng họ, tập trung hơn vào việc sinh viên có thể học được những gì từ trường đại học và dành cơ hội cho những sinh viên có triển vọng hơn dù xuất thân từ tầng lớp thấp hơn.

Tóm lại, nhiều người nhận xét rằng, chức năng của giáo dục đại học nên là thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội và phục vụ tốt cho lợi ích chung.