Tỷ phú truyền thông Bloomberg: "Đừng chọn việc dựa trên tiền lương"

Lệ Thu

(Dân trí) - "Tôi đã nhận một công việc trả lương ít hơn 40% so với các công ty khác. Đó là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi từng thực hiện", tỷ phú hiện giàu nhất lĩnh vực truyền thông thế giới tiết lộ.

Ông trùm truyền thông Bloomberg, người hiện sở hữu khối tài sản 59 tỷ USD nhắn gửi các bạn trẻ mới ra trường "Đừng lựa chọn công việc dựa trên tiền lương". Tiền không trọng sao? Vậy điều gì quan trọng hơn tiền?

Cách đây không lâu, tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, Michael Bloomberg là tỷ phú giàu nhất trong lĩnh vực truyền thông - giải trí với khối tài sản lên tới 59 tỷ USD. Thời điểm ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ông giàu gấp 17 lần cựu Tổng thống Donald Trump.

Năm 1981, Bloomberg và ba người bạn - Thomas Secunda, Duncan MacMillian và Charles Zegar thành lập công ty phần mềm, Bloomberg L.P.

Ngày nay, Bloomberg L.P. đã phát triển thành một công ty dẫn đầu toàn cầu về dữ liệu tài chính kinh doanh cũng như công ty truyền thông với 20.000 nhân viên tại 167 văn phòng trên toàn thế giới. Theo một thông tin rò rỉ từ Business Insider, doanh thu hàng năm của Bloomberg L.P. được báo cáo đã vượt 10 tỷ USD trong năm 2018.

Người sáng lập 76 tuổi của công ty tài chính và truyền thông toàn cầu Bloomberg L.P. là một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2013, ông giữ chức Thị trưởng thành phố New York và ông đã có dự định tranh cử Tổng thống trong nhiều năm, trong đó có năm 2020.

Thế nhưng ít ai biết, suốt thời gian học đại học, vị tỷ phú đã phải làm nhân viên trông xe để có tiền chi trả học phí.

Trong một bài phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp của trường đại học Villanova ở bang Pennsylvania (Mỹ), cựu thị trưởng thành phố New York đã chia sẻ quá trình lúc ông ra mới ra trường và bắt đầu tìm công ty làm việc.

Ông nói rằng: "Nếu các bạn đang suy nghĩ sẽ làm gì với cuộc đời mình thì đừng lo lắng. Vì khi mới tốt nghiệp đại học, tôi cũng không biết mình muốn làm gì. Và sau khi tôi học xong trường kinh doanh, tôi vẫn không biết mình muốn làm gì".

Tỷ phú truyền thông Bloomberg: Đừng chọn việc dựa trên tiền lương - 1
Tỷ phú Bloomberg phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp của trường đại học Villanova.

Bloomberg tốt nghiệp trường Đại học Hopkins năm 1964 chuyên ngành kỹ thuật điện và sau đó lấy bằng MBA tại Đại học Harvard danh tiếng. Ông cho biết quyết định đầu tiên sau khi học xong trường kinh doanh là một trong những quyết định quan trọng nhất sự nghiệp của mình.

Vị tỷ phú giàu nhất lĩnh vực truyền thông - giải trí của thế giới nhắn gửi sinh viên sắp tốt nghiệp là: "Đừng chọn việc dựa trên tiền lương".

Vậy bạn trẻ nên dựa trên điều gì?

"Phải dựa trên việc bạn nghĩ mình có thể phát triển đến mức nào tại công ty đó", Bloomberg nhấn mạnh.

Sau khi thôi phục vụ cho quân đội, ông Bloomberg nhận một công việc tại ngân hàng đầu tư Salomon Brothers. Vị trí của ông trả lương thấp hơn nhiều so với các cơ hội khác tương tự vào thời điểm đó.

Và việc ông làm là đếm các chứng chỉ cổ phiếu và trái phiếu, công việc rất nhàm chán. Nhưng Salomon Brothers được biết đến với văn hóa trọng dụng nhân tài và Bloomberg cảm thấy có thể phát triển nghề nghiệp tại đó. Sau này, ông vẫn khẳng định rằng đây là một trong những quyết định tuyệt vời nhất.

"Đó thực sự là một khởi đầu thấp đối với một sinh viên tốt nghiệp chương trình MBA của Harvard. Chúng tôi phải làm việc trong phòng không điều hòa, thỉnh thoảng uống cả đống bia để tăng sức chịu đựng" - ông viết trong cuốn tự truyện năm 1997.

Tuy nhiên, ông vẫn làm việc ở đây vì ông biết văn hóa làm việc công bằng ở đây và ông có thể thấy tương lai nghề nghiệp của mình. Những kỹ năng và mối quan hệ mà ông xây dựng được khi làm ở đây trở nên vô cùng đáng giá khi ông thành lập công ty riêng sau này.

Vị tỷ phú chia sẻ: "Ai cũng xứng đáng được thưởng và khen ngợi khi đạt thành tích tốt, bất kể khả năng tài chính của họ như thế nào. Việc tiếp nhận sinh viên vào trường đại học dựa vào năng lực của họ là một yếu tố quan trọng giúp tăng tính bình đẳng xã hội".

Tỷ phú truyền thông Bloomberg: Đừng chọn việc dựa trên tiền lương - 2
"Đừng lo lắng về việc phải đưa ra một kế hoạch dài hạn tuyệt vời và đừng lựa chọn một công việc chỉ vì tiền lương".

Vị tỷ phú nói: "Tôi đã nhận được một công việc trả lương ít hơn 40% so với các công ty khác, vì tôi nghĩ nó sẽ phù hợp hơn. Đó là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi từng thực hiện".

Theo Bloomberg, lựa chọn một công việc có tiềm năng phát triển và cơ hội học hỏi mới là chiến lược nghề nghiệp thông minh nhất. Thực tế đã chứng minh, ông không chọn lầm cách bước vào con đường sự nghiệp cho chính mình.

Ông trở thành ngôi sao sáng ở công ty, rồi trở thành một giao dịch viên trái phiếu và cuối cùng là giám đốc phòng giao dịch và kinh doanh chứng khoán. Ông thường xuyên làm việc 12 tiếng một ngày và có một sự nghiệp thăng tiến rõ ràng ở công ty.

Sau khi rời khỏi ngân hàng Salomon Brothers vào năm 1981, Bloomberg đã đối mặt với một thời kỳ khó khăn khác với quyết định thành lập một công ty riêng là nền tảng cho tập đoàn Bloomberg LP hiện nay. Những kỹ năng và mối quan hệ có được trong thời gian làm việc tại Salomon Brothers đã góp phần quan trọng giúp ông trở thành một tỷ phú thành công

"Đừng lo lắng về việc đặt ra một số kế hoạch dài hạn", Bloomberg nhấn mạnh. "Và đừng lựa chọn công việc dựa trên lương".

Lời cuối cùng, ông Bloomberg khuyên các sinh viên tốt nghiệp hãy ưu tiên công việc khiến các bạn cảm thấy phấn khích khi được làm nó. "Hãy chọn công việc khiến các bạn phát điên và làm việc như những kẻ điên", tỷ phú Bloomberg chia sẻ.

Khi tôi 22, sự nghiệp không bao giờ là một đường thẳng

Trong một bài phát biểu khác tại lễ tốt nghiệp của trường ĐH Harvard, tỷ phú Bloomberg cũng chia sẻ với các tân cử nhân tại ngôi trường danh giá này rằng: "Khi tôi 22, sự nghiệp không bao giờ là một đường thẳng".

Tỷ phú truyền thông Bloomberg: Đừng chọn việc dựa trên tiền lương - 3

Tỷ phú Michael Bloomberg tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học Harvard năm 2014 (Ảnh: Flickr).

Sự nghiệp của bạn sẽ chẳng bao giờ là một đường thẳng cả, và nếu như bạn cho rằng nó sẽ như vậy, đến một lúc nào đó bạn sẽ chỉ cảm thấy thất vọng mà thôi.

Vị tỷ phú nói: "Rất nhiều người hỏi tôi rằng: Đâu là chìa khóa của sự thành công? Tôi phải nói với các bạn rằng bạn chẳng thể nào tính toán từng bước cho sự nghiệp của mình ngay từ những ngày đầu mới tốt nghiệp. Sự nghiệp của bạn sẽ chẳng bao giờ là một đường thẳng cả, và nếu như bạn cho rằng nó sẽ như vậy, đến một lúc nào đó bạn sẽ chỉ cảm thấy thất vọng mà thôi.

Vì thế, thay vì phí năng lượng và thời gian vào việc tính toán các kế hoạch dài hạn mà chắc chắn sẽ thay đổi liên tục trong tương lai, hãy xắn tay áo lên và làm việc cật lực cho bất kỳ công việc nào mà bạn có được".

Tỷ phú truyền thông Bloomberg: Đừng chọn việc dựa trên tiền lương - 4

Tại thành phố New York, tỷ phú Bloomberg sống trong một biệt thự 5 tầng ở khu Upper East Side của Manhattan. Khu vực này nhìn ra công viên Central Park và là lựa chọn của giới thượng lưu, tinh hoa nước Mỹ (Ảnh: Getty).

Nếu bạn có thể chỉ cho tôi một người mà bạn nghĩ là chưa từng thất bại, tôi sẽ chỉ cho bạn những thất bại của người đó. Thất bại chỉ đúng nghĩa là thất bại khi mà bạn cho phép nó như vậy. Hoặc nếu bạn nói các kế hoạch của bạn chưa bao giờ thất bại, chỉ đơn giản rằng bạn chưa đặt mục tiêu đủ khó.

Tỷ phú truyền thông Bloomberg: Đừng chọn việc dựa trên tiền lương - 5
Bloomberg cũng sở hữu một biệt thự bên bờ biển Bermuda. Trong khoảng thời gian làm thị trưởng, ông thường dùng máy bay cá nhân và bay đến đây 2 lần một tháng (Ảnh: Shutterstock).

Điều quan trọng là chúng ta học được gì từ các thất bại và sẽ làm gì tiếp theo với những bài học kinh nghiệm đó. Nếu bạn là người chưa bao giờ để nỗi sợ hãi thất bại kiểm soát, trong tương lai tôi nghĩ bạn sẽ làm nên những điều tuyệt vời.

Tỷ phú Bloomberg luôn ghi nhớ câu nói của Tổng thống Franklin Roosevelt: "Cứ làm thử đi!"

Nếu bạn thất bại, hãy rút ra bài học từ những thất bại đó và tiếp tục thử với những điều khác. Phải, rủi ro là điều hiển nhiên nhưng chừng nào còn dám thử thì bạn vẫn còn cơ hội chiến thắng. Còn chắc chắn thành công sẽ chẳng bao giờ đến nếu như bạn chấp nhập bỏ cuộc.

Có rất ít người nuối tiếc về những giấc mơ không thành của họ. Trong khi rất nhiều người bị ám ảnh về kết quả của việc theo đuổi giấc mơ đó. Vì thế, khi bạn phải đối mặt với một quyết định về việc có nên chấp nhận rủi ro cho sự nghiệp của mình hay không, tôi muốn bạn nhớ rằng: Cuộc đời vô cùng ngắn ngủi. Đừng sợ thất bại bởi rủi ro thì lúc nào cũng có ở quanh chúng ta. Hãy theo đuổi đam mê của bạn, theo đuổi giấc mơ bạn khao khát và làm việc "điên cuồng" để thực hiện bằng được giấc mơ đó.

Chúc các bạn thành công!