Tư duy giáo dục thúc đẩy cổ động viên Nhật dọn rác ở World Cup

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Người hâm mộ bóng đá Nhật Bản gây ấn tượng mạnh ở World Cup 2022 bằng việc dọn rác trên khán đài. Sự thật thì học sinh Nhật Bản có truyền thống dọn dẹp trường lớp từ bé.

Người hâm mộ bóng đá Nhật Bản đang gây ấn tượng mạnh tại World Cup 2022 ở Qatar khi dọn dẹp sạch sẽ một khu vực khán đài trước khi họ rời sân vận động.

Các cổ động viên bóng đá trong trang phục màu cờ sắc áo của Nhật Bản nhặt rác quanh khu vực họ ngồi, bao gồm cả giấy gói đồ ăn và các chai lọ. Người hâm mộ bóng đá tới từ xứ hoa anh đào thậm chí còn nhặt rác mà cổ động viên nước khác bỏ lại.

Khi Omar Al-Farooq, một Influencer (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) tới từ Bahrain đặt câu hỏi cho cổ động viên Nhật Bản về nguyên nhân khiến họ dọn dẹp, câu trả lời anh nhận được là: "Chúng tôi là người Nhật và chúng tôi không vứt rác bừa bãi. Chúng tôi tôn trọng nơi này".

Người Nhật đã làm điều tương tự khi tham dự World Cup 2018 tại Nga. Bất chấp trận thua 2-3 trước Bỉ trong loạt sút luân lưu, những người ủng hộ đội tuyển bóng đá Nhật Bản vẫn cẩn thận nhặt rác và lau ghế của sân vận động Rostov trước khi ra về.

Đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản thậm chí còn dọn sạch phòng thay đồ ở Nga và để lại lời cảm ơn.

Tư duy giáo dục thúc đẩy cổ động viên Nhật dọn rác ở World Cup - 1

Các cổ động viên bóng đá tới từ Nhật Bản dọn dẹp trên khán đài sân vận động ở Qatar (Ảnh: Ship).

Sự thật thì ở Nhật Bản, có một truyền thống lâu đời là học sinh tự dọn dẹp trường và lớp học của mình. Chỉ trong khoảng thời gian chừng 15 phút vào cuối ngày học, học sinh sử dụng chổi, máy hút bụi và khăn để lau lớp học, nhà vệ sinh và các không gian khác của trường.

Truyền thống này dựa trên triết lý từ thế kỷ 17 rằng, một tâm trí minh mẫn đến từ việc giữ cho môi trường xung quanh sạch sẽ và trong lành. Đó cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với những người, những đồ vật giúp ích cho việc học tập.

Người Nhật tin rằng nếu học sinh chịu trách nhiệm về sự bừa bộn của chính mình, các em sẽ ít có khả năng tạo ra sự bừa bộn và sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với môi trường xung quanh.

Tư duy giáo dục thúc đẩy cổ động viên Nhật dọn rác ở World Cup - 2

Cảnh học sinh dọn dẹp trong bộ phim hoạt hình Nhật Bản "From Up On Poppy Hill" (Ảnh: From Up On Poppy Hill).

Thời gian dành cho việc dọn dẹp sau giờ học là thời gian thư giãn và mang đến cho học sinh cơ hội để nói chuyện với bạn bè và giao lưu với các học sinh ở các độ tuổi khác.

Học sinh ở mọi lứa tuổi giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó cho phép học sinh lớn hơn đóng vai trò là người cố vấn và học sinh nhỏ hơn thì sẽ tìm được hình mẫu.

Nhiều trường học ở Nhật Bản tổ chức các nhóm "hỗn hợp" nhiều độ tuổi để khuyến khích học sinh nhỏ tuổi học các kỹ năng dọn dẹp từ những học sinh lớn tuổi hơn và những anh chị sẽ giúp đỡ các em nhỏ. Ví dụ, học sinh từ 10-12 tuổi dọn dẹp không gian chung trong khi học sinh 9 tuổi dọn dẹp lớp học.

Vì việc dọn dẹp được đưa vào thời khóa biểu của trường nên tất cả học sinh đều tham gia vào hoạt động này. Từ đó, học sinh phát triển sự tôn trọng và nhận thức được giá trị về môi trường của mình và có thêm các kỹ năng sống thực tế.

Giáo viên cũng nhận thấy mối liên kết của họ với học sinh đã được củng cố và phát triển khi họ có thể tương tác với học sinh trong một bối cảnh thoải mái hơn. Điều này cho phép giáo viên hiểu hơn về học sinh của mình. Nó cũng tạo cơ hội cho giáo viên trò chuyện với học sinh và thân thiết hơn với học sinh trong cuộc sống đời thường.

Tư duy giáo dục thúc đẩy cổ động viên Nhật dọn rác ở World Cup - 3

Học sinh Nhật Bản có truyền thống dọn dẹp trường lớp từ nhỏ (Ảnh: Hundred).

Truyền thống dọn dẹp là một cách để thu hút học sinh tham gia dọn dẹp lớp học sau giờ học. Nó cũng giúp thúc đẩy sự hiểu biết của học sinh về các kỹ năng sống cũng như trách nhiệm cá nhân.

Tất cả học sinh từ 6-18 tuổi có thể tham gia buổi dọn dẹp vệ sinh để làm cho trường lớp của các em trở nên ngăn nắp hơn.

Lớp học là nơi "bận rộn" nên có thể trông rất lộn xộn vào cuối ngày. Có nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em trong một lớp học gọn gàng có xu hướng hạnh phúc hơn những đứa trẻ trong một lớp học bừa bộn.

Vì thế, khi học sinh là những người "chủ đạo" tạo ra đống lộn xộn thì lẽ tự nhiên, các em cũng phải là người dọn dẹp.

Những mẹo hay - gợi ý trong cách dọn dẹp sẽ biến học sinh thành những người có trách nhiệm. Mặc dù việc dọn dẹp trường học là một truyền thống lâu đời ở Nhật Bản nhưng triết lý và phương pháp giáo dục hiện đại là cần thiết để hỗ trợ học sinh ngày nay.

Nhờ thói quen dọn dẹp mỗi ngày, học sinh sẽ có ý thức giữ gìn sạch sẽ khung cảnh trường lớp, giữ mọi thứ luôn ngăn nắp. Các em nhỏ hình thành thói quen nhặt rác và sắp xếp bàn ghế, lớp học. 

Phương châm của người Nhật thật ra rất đơn giản: Nếu bạn đang sử dụng một không gian cụ thể, nhiệm vụ và trách nhiệm của bạn là đảm bảo rằng bạn sẽ giữ không gian đó sạch sẽ.

Thói quen này giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của sự sạch sẽ, có một kỹ năng sống quan trọng mà hàng triệu người trên khắp thế giới có thể vẫn chưa thành thạo!