Trường dạy nghề làm đẹp "mang tiếng oan" sau nhiều vụ tai biến thẩm mỹ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Liên tiếp các vụ tai biến nghiêm trọng liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ ở TPHCM khiến nhiều người lo lắng, có cái nhìn tiêu cực về ngành đào tạo chăm sóc sắc đẹp.

Chăm sóc sắc đẹp không liên quan gì đến phẫu thuật thẩm mỹ

Ngày 6/5, khoảng 100 đại biểu đến từ các trường trung cấp, cao đẳng, cơ sở dạy nghề có đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp (CSSĐ), chăm sóc sức khỏe (CSSK) trên địa bàn TPHCM đã đến tham dự Hội nghị công tác tuyển sinh và đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM (LĐ-TB&XH) tổ chức.

Trường dạy nghề làm đẹp mang tiếng oan sau nhiều vụ tai biến thẩm mỹ - 1

Khoảng 100 đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Hải Long).

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định xây dựng quy trình đào tạo, lưu trữ hồ sơ, cấp phát văn bằng và quản lý hồ sơ văn bằng…

Việc tuân thủ này không chỉ là nghĩa vụ tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ công tác đào tạo nghề tốt hơn mà còn là bảo vệ quyền lợi, uy tín của các trường khi xảy ra sự cố.

Ông Sự thông tin, gần đây trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng, cơ quan chức năng kiểm tra nhiều cơ sở hành nghề thẩm mỹ và phát hiện nhiều sai phạm. Nhiều người có bằng cấp, chứng chỉ do trường nghề đào tạo, nhưng cũng có người dùng bằng giả… gây ảnh hưởng uy tín của các cơ sở dạy nghề.

Trường dạy nghề làm đẹp mang tiếng oan sau nhiều vụ tai biến thẩm mỹ - 2

(Đồ họa: Tùng Nguyên).

Ông Sự cho rằng, không có nghề nào học nhanh, dễ kiếm việc làm mà lại có thu nhập khá cao như nghề CSSĐ, góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều chị em. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo phải quản lý chặt chẽ quy trình dạy nghề, cấp phát bằng để bảo vệ uy tín chính mình.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều cơ sở dạy nghề CSSĐ cho rằng, cách hiểu của một bộ phận dư luận xã hội và cơ quan quản lý là "oan" cho các cơ sở giáo dục dạy nghề có giấy phép đào tạo đàng hoàng.

Bởi các trường dạy nghề CSSĐ không liên quan gì đến phẫu thuật thẩm mỹ. Các cơ sở dạy các thủ thuật này bên ngoài đều là dạy "chui", không có giấy phép dạy nghề thì không thể xếp vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ai làm nấy chịu

Theo lãnh đạo các trường dạy ngành CSSĐ, trường chỉ dạy các bộ môn như chăm sóc da, làm nail, làm tóc, trang điểm… Ngay cả bộ môn xăm thì tên chính xác của nghề này là Phun, xăm, thêu trên da... không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuyệt đối các trường không dạy sử dụng các thủ thuật y tế như tiêm filler, nâng môi, nâng mũi, nâng ngực…

hội nghị chăm sóc sắc đẹp

Theo ông Hoàng Quốc Long, người học nghề làm đẹp lại tự ý làm phẫu thuật thẩm mỹ là do bản thân hám lợi, tự ý làm sai quy định (Ảnh: Hải Long).

Ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho biết: "Nhiều người điện hỏi tôi có dạy tiêm filler không, tôi đều dứt khoát từ chối. Dạy những cái này nhiều tiền nhưng mình chỉ làm được vài lần thôi, không thể phát triển bền vững thương hiệu của trường. Còn những ai học CSSĐ lại vì tiền mà làm những thủ thuật đó là do lòng tham của chính họ, ai làm nấy chịu chứ không thể nói là do trường dạy nghề".

Các trường dạy ngành CSSK cũng khẳng định trong quá trình đào tạo nhiều ngành có bộ môn tiêm như điều dưỡng, y sĩ… Nhưng những nhân viên này theo quy định chỉ được tiêm theo y lệnh của bác sĩ. Nếu họ làm theo y lệnh thì không có gì sai, còn nếu tự ý sử dụng kỹ thuật tiêm để thực hiện các thủ thuật làm đẹp thu lợi thì chính bản thân là sai các quy định y tế.

Ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp quốc tế Khôi Việt, cho rằng: "Chủ spa học làm đẹp mà vì lợi nhuận lại chuyển qua làm các dịch vụ khác như phẫu thuật thẩm mỹ thì đó là lỗi của chính họ, không thể đánh đồng do trường dạy nghề, làm ảnh hưởng uy tín của cả ngành đào tạo nghề CSSĐ".

"Cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt lĩnh vực này. Có người mới học hết lớp 9 lại dám cầm kim tiêm vào da người khác để làm đẹp là rất nguy hiểm, đến nhiều bác sĩ cũng không dám làm", ông Trần Thành Đức nói.

Trường dạy nghề làm đẹp mang tiếng oan sau nhiều vụ tai biến thẩm mỹ - 4

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), kết luận hội nghị (Ảnh: Hải Long).

Kết luận tại hội nghị, ông Đặng Minh Sự thống nhất sẽ tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH TP đề nghị các ban ngành liên quan, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tổng rà soát lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ spa, thẩm mỹ… có thực hiện đào tạo nghề để hướng dẫn họ làm đúng quy định của ngành; xử lý, đóng cửa nếu họ cố tình làm sai, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành CSSĐ và các trường dạy nghề này.