Trẻ tự rạch tay, rơi vào trầm cảm: Vì sao?

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Trong một lần bị cô giáo trách mắng vì không ghi chép bài đầy đủ, lời nói của cô như những mảnh thủy tinh đâm thẳng vào tim. Em cảm thấy tổn thương và căng thẳng vì những câu nói đó".

Trên đây là chia sẻ của một nam sinh lớp 7 tại diễn đàn "Điều em muốn nói", do Hội đồng đội T.Ư phối hợp Báo Tiền Phong, Sở GD- ĐT Hà Nội tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.

Muôn vàn lý do khiến trẻ tổn thương, căng thẳng

Đến với diễn đàn, em P.T.K.A, không kìm được nước mắt khi kể về câu chuyện của mình. Em cho hay, trước khi xảy ra dịch, K.A là học sinh có kết quả học tập tốt và tích cực tham gia các hoạt động, nhiều người bạn nhận xét em rất hoàn hảo.

Tuy nhiên, em cảm thấy không vui vì hoàn hảo nghĩa là sự kết thúc; em muốn mình vẫn có thể tốt lên từng ngày.

Thời điểm bùng nổ nhất là giai đoạn học trực tuyến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Em rơi vào cảm xúc lo lắng, căng thẳng và mất cảm hứng đối với việc tham gia học tập và các hoạt động của lớp, trường khiến kết quả học tập không tốt, cảm xúc bị dồn nén.

Trẻ tự rạch tay, rơi vào trầm cảm: Vì sao? - 1

Nữ sinh khóc khi kể về tình trạng căng thẳng của em thời gian qua (Ảnh: N. Hà).

Điều may mắn hơn so với nhiều bạn, em vẫn có thể chia sẻ với bố mẹ. Bố mẹ trao đổi, đưa ra nhiều giải pháp, nhưng em lại cảm thấy thiếu sự chia sẻ, đồng cảm. May mắn, việc đến trường lớp học trực tiếp giúp tình trạng căng thẳng của em giảm hơn.

Kể về câu chuyện của mình trước tất cả mọi người, em Đ.X.T, học sinh lớp 7 ở Hà Nội đã rất xúc động. 

Em kể, mình từng gặp phải nhiều áp lực tiêu cực trong cuộc sống và em nghĩ nhiều bạn ở lứa tuổi mình cũng gặp phải.

Em là người khá mẫn cảm với những lời nói, dễ bị tổn thương, lạc lõng. Trong một lần bị cô giáo trách mắng vì không ghi chép bài đầy đủ, em cảm thấy cô hiểu sai mình và những lời nói của cô như những mảnh thủy tinh đâm thẳng vào tim em. Em đã cảm thấy tổn thương và căng thẳng vì những câu nói đó.

Thứ hai, về chuyện miệt thị ngoại hình, em chính là nạn nhân của chuyện đó. Em thấy mình sống cho mình chứ không phải cho người khác và cô giáo đã giúp em biến những điều tiêu cực trở nên tích cực hơn.

Có thời điểm, em chỉ nằm trên giường khóc và từng nghĩ muốn biến khỏi thế giới này. Nhưng khi gặp được cô, cô đã dạy em cách yêu bản thân mình bởi mọi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh điểm yếu. Mỗi lần nói chuyện với cô giúp em thấy nhẹ nhõm lòng mình.

Em Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cho biết, trong cuộc sống nhiều khi em cũng bực bội và bức xúc với người thân trong gia đình. Thậm chí nhiều khi, sự quan tâm thái quá của bố mẹ cũng khiến em rất áp lực.

Minh Tâm thừa nhận, trong thời gian đầu học trực tuyến em cảm thấy thỏa mái, tự do nhưng cũng vì thế mà buông lỏng hơn trong quá trình học tập và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học và khả năng tiếp thu bài của em.

Sau khi trở lại học trực tiếp, kết quả bài thi sẽ có thể bị ảnh hưởng. Điều này thực sự rất đáng lo, nhất là khi em sắp bước vào kỳ thi cấp 3 căng thẳng.

Ngoài áp lực học tập trên đây, các mối quan hệ về tình bạn, cuộc sống gia đình…, có rất nhiều thứ khiến các em muốn được chia sẻ và giải tỏa trong cuộc sống.

Trẻ tự rạch tay, rơi vào trầm cảm: Vì sao? - 2

Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Giảng Võ cho biết, có nhiều lý do khiến em bực bội và bức xúc (Ảnh: N.Hà).

Đi học thời nào cũng áp lực

Điều may mắn, Minh Tâm sinh ra trong gia đình có bố mẹ rất thấu hiểu. Mỗi khi có điều gì phiền muộn trong lòng, em đều tâm sự với bố mẹ để được sẻ chia nên những căng thẳng cũng vơi bớt đi.

Tuy nhiên, nhiều bạn bè của em không may mắn như vậy, có những lúc áp lực, các bạn em chưa biết chia sẻ cùng ai, thậm chí trên báo chí, có một số bạn suy nghĩ tiêu cực và tự làm hại bản thân. 

Trong khi đó theo Minh Tâm, phòng tư vấn tâm lý học đường của trường được thầy cô tư vấn rất nhiệt tình nhưng nhiều học sinh ngại dị nghị nên không dám vào, điều đó khiến nhiều học sinh vốn đã trầm cảm càng thêm căng thẳng vì không có nơi giải tỏa. 

Nhật Lâm, lớp 8A1, Trường THCS Giảng Võ cũng thừa nhận rằng, việc học online kéo dài khiến nhiều bạn có suy nghĩ tiêu cực. Đôi khi chỉ vài lời nói của bố mẹ đã khiến các bạn ấy suy nghĩ theo tình huống xấu quá so với thực tế.

Nếu được định hướng và người lớn hiểu các em, Nhật Lâm tin tình trạng áp lực của các em sẽ dần tốt lên. 

Trẻ tự rạch tay, rơi vào trầm cảm: Vì sao? - 3

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (giữa): "Đi học thời nào cũng áp lực"! (Ảnh: N. Hà).

Đến với diễn đàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho hay, đi học thời nào cũng có áp lực, thời mưa bom bão đạn cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực.

Bí quyết vượt qua áp lực của nhà thơ Trần Đăng Khoa thời đi học là bỏ ra hai ngày cuối tuần để đọc hết sách giáo khoa của cả năm học, trước mỗi buổi học đều tìm hiểu, chuẩn bị bài trước ở nhà nên có thể nhớ bài giảng của giáo viên ngay tại lớp.

Em N.L.P, học sinh lớp 9, Trường THCS Giảng Võ cho rằng, bố mẹ, thầy cô đừng tạo áp lực, thay vào đó hãy tin tưởng, động viên để những học sinh cuối cấp như em được tiếp thêm sức mạnh, tự tin vượt qua kỳ thi lớp 9 năm nay.

Mặc dù chưa thi nhưng bản thân em đã tự tạo áp lực cho chính mình bằng ý nghĩ, nếu em không thi đỗ, bố mẹ sẽ rất thất vọng.

Thế nhưng khi buồn bã, mệt mỏi em thường tìm đến bạn thân để chia sẻ vì bố mẹ đối với em có khoảng cách thế hệ.

Trao đổi với PV, bà Vũ Kim Nga, nhân viên tư vấn Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nói, trong và sau đại dịch Covid-19, nội dung trẻ gọi đến chia sẻ có nhiều vấn đề mới, trong đó gia tăng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm.

Thậm chí nhiều em bị bố mẹ bạo hành tinh thần nhưng bị hạn chế khả năng tương tác với bạn bè, thầy cô khiến các em càng áp lực và khó giải quyết. Tình trạng này gia tăng ở học sinh bậc THCS - THPT.