Bạc Liêu:

Tạo cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu khuyến khích liên kết, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề và doanh nghiệp, đào tạo gắn chặt với trường và cơ sở sản xuất.

Tổng kết công tác của ngành LĐ-TB&XH Bạc Liêu năm 2020 mới đây, ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, cho biết, năm qua, ngành đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn... của Bộ LĐ-TB&XH, của tỉnh về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, các hoạt động đào tạo như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo lao động cung ứng cho doanh nghiệp, đào tạo lại cho người lao động tại các doanh nghiệp…. được đẩy mạnh.

Tạo cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp - 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ông Vương Phương Nam đề nghị ngành LĐ-TB&XH nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, dạy nghề, sử dụng tài sản có hiệu quả.

Theo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, trong năm 2020, kết quả thực hiện công tác đào tạo thông qua các hình thức là hơn 34.560/32.000 người (đạt 108% kế hoạch năm).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,44%. Trong đó, đại học 518 sinh viên, cao đẳng 662 sinh viên, trung cấp 469 học viên, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng hơn 13.000 người, truyền nghề trên 9.200 người, liên kết đào tạo, đào tạo lại trong các doanh nghiệp hơn 10.500 người.

Học viên sau khi đào tạo đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hoặc yêu cầu sản xuất tại hộ gia đình, từ đó số lao động sau đào tạo có việc làm trên 80%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu cho rằng, hoạt động giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực, nhất là số lao động tham gia học nghề có tăng lên, nhưng chất lượng ngành nghề đào tạo từng lúc chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH Bạc Liêu, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị, thời gian tới ngành cần tham mưu quy hoạch, sắp xếp hợp lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập.

"Trọng tâm là khuyến khích liên kết, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề và doanh nghiệp; đào tạo gắn chặt với trường với xưởng và cơ sở sản xuất; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, cũng như với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội", ông Nam lưu ý.

Theo ông Vương Phương Nam, trong công tác đào tạo nghề, chúng ta tập trung đào tạo và tạo việc làm ngay tại địa phương, đây là nhu cầu cần thiết nhất. Còn nếu ai có điều kiện thì tư vấn xuất khẩu lao động.

"Vừa qua, tỉnh đã bổ sung một số ngân sách cho các huyện sửa chữa, mua sắm, nâng cấp trung tâm đào tạo, dạy nghề. Đề nghị Sở LĐ-TB&XH thành lập tổ kiểm tra coi sửa chữa chất lượng không, mua sắm tài sản thế nào, mua về có sử dụng không, nếu mua về mà "trùm mền" thì kiểm điểm ngay.

Ngay đầu năm có nói rồi, cho mua về là để phát huy. Bây giờ xin mua 50 bàn máy may, kiểm tra xem có người may chưa, nếu chưa thì chừng nào may, còn không may thì thu hồi, kiểm điểm", Phó Chủ tịch Bạc Liêu yêu cầu rõ.