Phụ huynh: Trường công nặng thành tích, trường tư coi học trò là khách hàng

Quang Trường

(Dân trí) - Một số phụ huynh cho rằng trường công tồn tại nhiều tiêu cực và nặng bệnh thành tích. Tuy nhiên, có người cho rằng kiến thức của học sinh trường tư không thể bằng trường công.

Sau những bài viết phản ánh về vấn đề phụ huynh lựa chọn, luân chuyển cho con từ trường công và trường tư và ngược lại, Báo Dân Trí đã nhận được nhiều ý kiến bình luận nêu lên các quan điểm khác nhau về chủ đề này.

Những bất công trong trường công

Bạn đọc Anh Hung cho rằng, trường công tồn tại những bất công như giáo viên nâng điểm cho con em của những người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thậm chí, để được tham gia vào đội văn nghệ hay các hoạt động trải nghiệm, học sinh cũng được xét theo diện ưu tiên chứ không đồng đều như trường tư.

"Cho con học trường công 3 năm, phải chứng kiến sự bất công này nên tôi chuyển con sang trường tư trong "một nốt nhạc", bạn đọc Anh Hung viết.

Phụ huynh: Trường công nặng thành tích, trường tư coi học trò là khách hàng - 1
Có ý kiến cho rằng, trường tư hay trường công tốt hơn là do cách nhìn nhận của mỗi phụ huynh, học sinh (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bạn đọc này cũng bức xúc: "Tôi không chấp nhận kiểu bêu xấu học sinh và phụ huynh của em ấy trong một buổi họp, điều mà giáo viên trường tư không bao giờ làm.

Trước đây con, cháu tôi cũng học trường công nhưng đều bị rơi vào cảnh con ốm mà cô không biết, không quan tâm, con sốt đùng đùng cô cũng kệ. Nếu ở trường tư, con đã được đưa xuống phòng y tế chăm sóc và gọi bố mẹ để trao đổi về tình hình của con ngay.

Điểm số của con cũng sẽ bị thiệt thòi nếu bố mẹ không có quan hệ tốt với giáo viên chủ nhiệm. Con của các vị trong Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ luôn được ưu ái, nằm trong top 20% học sinh giỏi của lớp dù học kém".

Bạn đọc Dương Linh bình luận: "Bạn cho cháu vào trường tư Đ.T.Đ sẽ thấy rất khác trường công hay trường quốc tế. Con tôi học Đ.T.Đ, cháu có học lực cũng như sự cố gắng và tự lập rất tốt.

Tôi hài lòng về con nhưng chỉ riêng khoản tranh luận thì mình phải chấp nhận. Trước kia, tôi dạy bảo thì con nghe lời, còn bây giờ con biết phản biện và tranh luận đúng sai. Bố và con gái mà tranh luận với nhau như mổ bò".

Trả lời bạn đọc Dương Linh, bạn đọc Vuong Lien cho biết: "Hai cô bé gần nhà tôi nói học ở trường Đ.T.Đ vừa chán, vừa áp lực vì thi chuyển lớp liên tục. Các bạn ấy đòi chuyển trường".

Bạn đọc L.R chia sẻ: "Tôi có 2 con học trường tư. Các con đều học không xuất sắc nhưng tự tin làm tốt bài vở của anh em chúng ở trường công, thậm chí, các con còn nổi trội hơn ở môn tiếng Anh.

Tôi có ý định cho các con tiếp tục học trường tư thục ở cấp 3. Bởi vì tôi ghét văn hóa "ép học thêm" ở trường công (tôi nghĩ không phải tất cả nhưng nó phổ biến tại các trường công). Tương tự như vậy là sự chạy đua thành tích, thái độ của nhiều thầy cô giáo. Tôi biết trường tư có một số khiếm khuyết riêng của mình nên cũng chủ động dạy bảo, bù đắp cho các con".

Phụ huynh: Trường công nặng thành tích, trường tư coi học trò là khách hàng - 2
Có giáo viên trường công khuyên phụ huynh chuyển con sang trường tư (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bạn đọc Ngọc Anh Nguyễn kể: "Hồi con tôi học lớp 4 tại một trường công có truyền thống lâu năm. Chính cô giáo trường công khuyên gia đình tôi đưa cháu sang trường tư để phát huy khả năng của con vì ở lại sẽ rất phí. Tôi làm theo và không hối hận về việc đó.

Năm nay con đã học lớp 7, cháu nói trường tư có rất nhiều hoạt động ngoại khóa mà trường cũ không bao giờ có. Hoạt động ngoại khóa ở trường cũ chỉ là thỉnh thoảng đi dã ngoại. Ở trường tư, các con khó có thể phát biểu theo ý mình vì chỉ cần nói sai là cô giáo chỉnh đốn ngay".

Bạn đọc Ninh Nguyen cho rằng, vấn đề nổi cộm nhất với trường công là một số tiêu cực của giáo viên. Ở trường tư, phụ huynh không bao giờ phải đi nịnh bợ và tặng quà cho thầy cô trong các dịp lễ, tết. Trường công thì ngược lại. Thậm chí, có trường, giáo viên chủ nhiệm còn mang bút vào lớp bán, bắt phụ huynh mua với giá đắt hơn 10 lần và bắt các con đi học thêm.

Không đồng ý với bạn đọc Ninh Nguyen, bạn đọc Dao Manh Cuong phản đối: "Trường hợp mà bạn nói không phải ai cũng gặp. Tôi đi học ở TPHCM 20 năm mà chưa bao giờ gặp trường hợp này. Nếu học sinh không đi học thêm ở lớp của giáo viên thì các thầy cô không thích lắm chứ cũng chẳng làm gì được".

Học sinh là khách hàng của trường tư

Bạn đọc N.T cho rằng: "Bản chất của trường tư là doanh nghiệp. Khi đó, học sinh (khách hàng) là "thượng đế". Tôi không bàn về chất lượng chuyên môn hay kiến thức của học sinh nhưng chắc chắn rằng khi học ở trường tư, học sinh sẽ thoải mái hơn".

Bạn đọc Trần Cường bình luận: "Cháu tôi học lớp 7 tại một trường tư có tiếng ở Hà Nội. Mẹ cháu bảo chưa bao giờ cháu biết đến điểm 8, mà toàn được điểm 9 và 10. Tuy nhiên, khi cho cháu làm thử một bài kiểm tra bình thường của trường công thì kết quả chỉ đạt 4-5 điểm.

Bạn cứ thử tìm hiểu xem có trường tư nào chất lượng qua được mấy trường công, trường điểm, hay những trường chuyên của các tỉnh. Rõ ràng là không. Các ngành khác thì tôi không dám chắc, nhưng về y tế và giáo dục thì tư chưa qua được công đâu".

Phụ huynh: Trường công nặng thành tích, trường tư coi học trò là khách hàng - 3
Bạn đọc cho rằng, học sinh là "khách hàng" của trường tư (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bạn đọc Đức Minh kể: "Trước kia, cháu tôi đang học ở trường tư (rất có tiếng). Hết cấp 2, cháu quyết định thi vào một trường công, may là đủ điểm đỗ. Vào cấp 3, lực học của cháu đứng gần bét lớp. Trong khi ở cấp 2, cháu toàn đứng đầu lớp. Bố cháu bảo tác phong học tập của cháu ở trường công khác hẳn trước kia".

Bạn đọc Hai Nguyen thì cho rằng, phải so sánh trường công với trường tư về thành tích trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Các trường công giành hết giải, còn trường tư thì "số 0 tròn trĩnh".

Bạn đọc tên Hiệp đánh giá, trường tư hoạt động theo cơ chế thị trường. Các phụ huynh muốn con mình được khen giỏi, còn con trẻ thì sợ bị bố mẹ phát hiện khuyết điểm của mình. Vì vậy, trường tư có hiện tượng bao che cho học sinh và vỗ về cha mẹ.

Bạn đọc tên Hải viết: "Học sinh trường tư học nhàn hơn trường công. Vì vậy, kiến thức của các con cũng không bằng trường công được. Lớp con tôi cũng có 2 bạn từ trường tư chuyển sang. Ở trường tư, các con học rất tốt nhưng sang trường công lại học kém. Rất nhiều bạn học trường tư không thể thi vào cấp 3".

Bạn đọc Trí Hứa cho rằng: "Trường tư đề cao cái tôi của học sinh, không tạo áp lực cần thiết để các em tiến bộ. Khi bạn không đủ sự khiêm tốn và nhún nhường để học hỏi thì sẽ chẳng ai thèm chỉ dạy cho bạn. Người nhận tất cả hậu quả sau cùng chính là các em. Thật đáng tiếc là các em chỉ nhận ra khi vấp ngã như trường hợp bài báo đã nêu.

Việc các trường công dạy nhiều lý thuyết, theo tôi đây là nhiệm vụ của nhà trường và cần thiết. Kiến thức là nền tảng, tuy có hàn lâm, nhưng là những gì căn bản nhất. Việc thực hành cần phải dựa trên những kiến thức đó. Người ta không thể tư duy với một cái đầu rỗng tuếch".

Bạn đọc Ngọc Tân Bùi bình luận: "Hãy đưa các con về đúng với tuổi học trò. Đừng biến các con thành "cây ATM" hào nhoáng hay thành những "con gà công nghiệp". Thử hỏi, nếu sau này không có tiền và sự bao bọc của bố mẹ nữa thì liệu các con làm được gì, liệu có nấu được một bữa cơm đàng hoàng không. Hay khi so sánh một bạn 15 tuổi ở các vùng nông thôn và một bạn cùng độ tuổi ở thành phố, ta sẽ thấy rõ sự khác biệt".

Bạn đọc Trương Lộc nhận định, mỗi loại hình trường học đều có điểm mạnh và điểm yếu. Đặc biệt, nếu thầy cô trường công được nâng lương thì họ sẽ càng chuyên tâm dạy dỗ các em nhiều hơn. Các bậc phụ huynh cũng nhàn hơn trong việc chăm sóc và dạy dỗ con.

Trả lời bạn đọc Trương Lộc, bạn đọc T.R bổ sung: "Cần nâng lương cho giáo viên trường công và cấm hoàn toàn việc học thêm. Nhất là học thêm theo kiểu chỉ luyện thi, học trước chương trình. Giám thị cũng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện những em quậy phá để có hướng giáo dục.