Phụ huynh bật khóc và những tủi hờn từ bữa ăn bán trú của học sinh

Mỹ Hà

(Dân trí) - Tiêu chuẩn bữa ăn học đường được nhiều nước đưa vào luật nhưng ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tự phát hoặc cảm tính. Một số nơi đồ ăn lèo tèo, hoặc xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến học sinh nhập viện.

Phụ huynh bật khóc vì bữa ăn tiểu học lèo tèo

Bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi canh cánh của phụ huynh học sinh . Vài ngày qua, sự việc hơn 600 học sinh bị ngộ độc thực phẩm, trong số đó hơn 200 em phải nhập viện, một em tử vong khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng.

Đây không phải lần đầu chuyện bữa ăn học đường "có vấn đề", bị đưa ra công luận. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những trường hợp bữa ăn lèo tèo hoặc phát hiện có giòi trong thức ăn của học sinh khiến phụ huynh lo lắng.

Tại Hà Nội, TPHCM, một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, khiến nhiều trẻ nôn ói, đau bụng, sốt, tiêu chảy.

Phụ huynh bật khóc và những tủi hờn từ bữa ăn bán trú của học sinh - 1

Bữa ăn lèo tèo với vài miếng đậu phụ và hai miếng chả lá lốt của Trường tiểu học Đ.T trước đây (Ảnh: M. Hà).

Đặc biệt năm 2019, tại Hà Nội, hàng trăm phụ huynh trường tiểu học Đ.T (quận Bắc Từ Liêm) vây cổng trường đòi đối thoại vì bữa ăn của học sinh quá lèo tèo so với số tiền bỏ ra. Tâm sự với PV Dân trí thời điểm đó, có phụ huynh đã khóc vì xót con.

Phụ huynh của trường này cho biết, do thức ăn quá chán, nhiều con chỉ ăn cơm trắng, không ăn thức ăn vì thịt toàn mỡ không thể ăn nổi.

Sau khi học sinh phản ánh, phụ huynh đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện thấy một số can dầu đựng trong bình nước lọc, không nhãn mác. Bên cạnh đó, một thùng chứa các túi dầu ăn công nghiệp, không nhãn mác dùng để chế biến hàng ngày.

Tại trường T.N (phố Liễu Giai, quận Ba Đình) mới đây cũng từng có sự việc phụ huynh học sinh phản ánh có giòi sống bò trên khay thức ăn bán trú của học sinh trường này.

Sự việc ngay sau đó được lãnh đạo nhà trường xác nhận, đồng thời công ty cung cấp suất ăn lý giải, giòi xuất hiện trên khay thức ăn có thể là do thùng xe vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau.

Trước khi vận chuyển, thùng đựng thức ăn chưa được vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, nắp thùng đựng cơm bị vỡ nên đã khiến giòi rơi vào từ vết nứt của nắp thùng.

Ngay sau đó, trường này đã quyết định chấm dứt hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn trước thời hạn.

Gần đây, phụ huynh có con học tại hệ thống Trường dân lập Quốc tế V.U ở TPHCM phản ánh về sự việc bữa ăn của học sinh... có giòi.

Phía nhà trường cho rằng, khả năng tại công đoạn cắt thái đã không phát hiện ra con giòi nằm bên trong trái cà chua.

Trước thông tin này, nhiều phụ huynh của trường vô cùng bức xúc và lo lắng, đồng thời nhà trường cũng gửi kết quả kiểm nghiệm để phụ huynh học sinh được yên tâm.

Phụ huynh bật khóc và những tủi hờn từ bữa ăn bán trú của học sinh - 2

Tiêu chuẩn bữa ăn học đường được nhiều nước đưa vào luật nhưng ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tự phát hoặc cảm tính (Ảnh: M. Hà).

Không có chuyên môn, thiếu kinh nghiệm

Tại hội thảo về bữa ăn học đường do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, một số chuyên gia cho biết, tiêu chuẩn bữa ăn học đường được nhiều nước đưa vào luật nhưng ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tự phát hoặc cảm tính. Thậm chí một số nơi còn xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến học sinh phải nhập viện.

Đánh giá về bữa ăn học đường hiện nay, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trừ cấp học mầm non, hầu hết các trường từ tiểu học trở lên được xây dựng với mục đích ban đầu chỉ phục vụ cho việc dạy và học.

Do nhu cầu cấp thiết của phụ huynh và gia đình, sau đó nhiều trường đảm đương thêm việc phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh.

Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn.

Vì vậy, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tươi ngon, đa dạng, phù hợp lứa tuổi và hợp lý chi phí.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, tại Nhật Bản, quy định về bữa ăn học đường được đưa vào luật từ gần 70 năm trước, quy định cụ thể tiêu chuẩn dinh dưỡng của bữa ăn ứng với từng lứa tuổi, với hàm lượng vi chất, khoáng chất chính xác, tỉ mỉ.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cũng cần có điều luật tương tự.

Phụ huynh bật khóc và những tủi hờn từ bữa ăn bán trú của học sinh - 3

Rất ít nhà trường có nhân viên đủ kinh nghiệm cung cấp bữa ăn học đường (Ảnh: M. Hà).

Nói về vấn đề dinh dưỡng học đường, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, mình thường xuyên cùng một số thành viên, 4 giờ sáng dậy đi kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn của nhà trường.

Theo đó, quy trình làm việc khá chặt chẽ, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tươi sống...

Các bữa ăn đều có thành viên Ban giám hiệu kiểm tra trước, thậm chí nhà trường có cả que test thực phẩm.

Đồng thời, phụ huynh được phép đến trường kiểm tra bữa ăn liên tục. Tuy nhiên, có thể thừa nhận, không hẳn nhà trường nào cũng có thể thực hiện bài bản như trên đây. 

Ngay sau khi hơn 200 học sinh ngộ độc ở Khánh Hòa, tối 21/11, Bộ GD&ĐT có công văn tăng cường chỉ đạo, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. 

Nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn về tính mạng cho học sinh - sinh viên khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Các đơn vị cũng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.