Nữ hiệu trưởng mặc đồ ngủ đi làm

Hoài Nam

(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền đến trường làm việc trong bộ đồ pyjama, tóc đeo bờm, đi dép bệt và dùng thau nhôm đựng tài liệu, laptop.

Hình ảnh tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada đến trường đi làm trong bộ đồ ngủ được chia sẻ với nhiều ý kiến ngỡ ngàng, ngạc nhiên, nhiều người không tin là chuyện có thật. 

Nữ hiệu trưởng mặc đồ ngủ đi làm - 1

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền mặc đồ ngủ, đi dép bệt, bê chậu nhôm dựng tài liệu đến trường làm việc (Ảnh: N.L).

Cùng với mặc bộ đồ pyjama, nữ hiệu trưởng còn đi dép bệt, tóc đeo bờm và bê một chậu nhôm để đựng tài liệu, đồ dùng, laptop đi làm.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, trang phục đi làm như trên của mình được mặc trong ngày hội Pajama và  Free Backpack Day thứ 6 (ngày 13/5) vừa rồi của trường. Trong ngày này, ba lô, cặp xách quen thuộc của học sinh được thay thế bằng thau nhôm, chảo chống dính, vali du lịch... Còn đồng phục cũng "nhường chỗ" cho những bộ pyjama hay các trang phục mặc tại nhà. Không chỉ dành cho học sinh mà giáo viên, nhân viên nhà trường cùng tham gia.

Nữ hiệu trưởng chia sẻ, cảm giác lúc vừa bước chân ra khỏi nhà có chút ngại ngùng vì đây là lần đầu tiên bà mặc đồ ngủ đi làm, nhiều người nhìn thấy thì vô cùng bất ngờ. Sau khi đến trường nhìn học sinh và đồng nghiệp thoải mái trong trang phục đồ ngủ thì bà cũng chuyển qua tâm trạng hào hứng. 

Nữ hiệu trưởng mặc đồ ngủ đi làm - 2
Nữ hiệu trưởng mặc đồ ngủ đi làm - 3
Nữ hiệu trưởng mặc đồ ngủ đi làm - 4

Học sinh mặc đồ ngủ, ôm gấu bông, dùng các loại thùng đựng sách vở đến trường (Ảnh: N.L).

"Trong bối cảnh hậu đại dịch nhiều căng thẳng, tôi thấy việc này như một thông điệp cho mọi người rằng cuộc sống của chúng ta đang trở lại bình thường", bà Huyền bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng việc dùng vật chứa nào đó để đựng tập vở, đồ dùng đi học thay vì dùng túi xách cũng kích thích tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Nó chuyển một thông điệp khác đến mọi người là chức năng của những đồ vật quen thuộc và các phát minh trên thế giới đều bắt nguồn từ những ý tưởng thay đổi những điều quen thuộc.

Trước lo ngại giáo viên, học sinh mặc đồ ngủ đến trường có thể thiếu sự nghiêm túc, đại diện nhà trường cho biết họ đã lưu ý không mặc váy, đồ ngủ quá hở hang, vải xuyên thấu (áo không hở vai, cổ không trễ và quần chỉ được ngắn hơn đầu gối 5cm); họa tiết trên đồ ngủ cần lịch sự và phù hợp trong nhà lẫn ngoài phố.

Nữ hiệu trưởng mặc đồ ngủ đi làm - 5

Một học sinh đi học giữa Sài Gòn nắng nóng y như đang đi du lịch vùng lạnh (Ảnh: N.L).

No backpack day (hay Anti backpack day) là một trào lưu mà người tham gia sẽ tự mình sáng tạo ra những chiếc túi độc đáo từ mọi đồ dùng để đựng vật dụng thường ngày thay vì sử dụng túi xách hay balo.

Vào cuối năm 2021, ban giám hiệu một số trường trung học tại Mỹ đã phát động ngày hội không mang cặp sách đến trường mang tên "No backpack day" để hưởng ứng dịp học sinh trở lại trường học sau chuỗi ngày nghỉ dài ở nhà.

Học sinh có thể tận dụng mọi thứ để đựng đồ dùng học tập, miễn là không phải là những chiếc balo thông thường. Hoạt động này được học sinh hưởng ứng nhiệt tình và nhanh chóng lan rộng, gây bão trên mạng xã hội vì những ý tưởng sáng tạo độc đáo, hài hước của học sinh.

Nữ hiệu trưởng mặc đồ ngủ đi làm - 6

Một cô gái sáng tạo dùng một bộ phận của quạt điện làm thành balo đựng đồ. (Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic)

Tại Việt Nam, một số trường học đã cho học sinh không phải mặc đồng phục, có thể mặc đồ tự do vào một ngày trong tuần. Gần đây, nhiều trường, lớp cũng áp dụng ngày không dùng cặp sách mà thay bằng nhiều vật dụng khác như chậu, vali, mũ bảo hiểm, nồi cơm điện, xô... đi học.

Không chỉ trong trường học, phong trào "không cặp sách" còn được nhiều người đi làm áp dụng khi đến công sở, đi chơi...