Nữ giảng viên khuyết tật trở thành "thủ lĩnh" của sinh viên đất Cảng

Kiều Phương

(Dân trí) - Sống với cơ thể khiếm khuyết, nhưng với đôi bàn tay, trí óc và trái tim nhân hậu, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - nữ giảng viên tiếng Anh trường Đại học Quản lý và Công nghệ khiến sinh viên nể phục.

Nghị lực vượt lên số phận

Sinh năm 1981, cô bé Quỳnh Hoa khỏe mạnh và xinh xắn như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, năm lên 2 tuổi, biến cố bất ngờ ập tới khi cô mắc di chứng bại liệt, chân trái teo lại không thể phát triển.

Nữ giảng viên khuyết tật trở thành thủ lĩnh của sinh viên đất Cảng - 1
Nữ giảng viên khuyết tật Nguyễn Thị Quỳnh Hoa

Đến tuổi tới trường, cô trò nhỏ Quỳnh Hoa cảm nhận rõ sự khác biệt của bản thân. Trong khi các bạn đồng trang lứa có thể ra sân vui đùa hay tham gia các tiết học thể dục thì cô chỉ biết ngồi trong lớp lau nước mắt vì tủi thân.

Tuy cuộc sống đầy khó khăn, nhưng cô bé Quỳnh Hoa ngày ấy vẫn luôn cố gắng chứng tỏ mình không kém cỏi bạn bè. "Lúc bé tôi không ngại tham gia bất kỳ một trò chơi nào của các bạn, tôi luôn cứng cỏi đối mặt với mọi chuyện".

Mang khiếm khuyết trên cơ thể, song những năm tháng tuổi thơ của Quỳnh Hoa vẫn trôi qua một cách bình yên và ý nghĩa bởi có sự sát cánh của các thành viên trong gia đình. "Tôi may mắn khi sinh ra trong một gia đình đầy đủ tình yêu thương!" - cô Hoa chia sẻ.

Mặc dù con gái gặp nhiều thiệt thòi nhưng bố mẹ Quỳnh Hoa vẫn giáo dục và dạy dỗ cô một cách nghiêm khắc. "Ngay từ nhỏ, mẹ vẫn luôn yêu cầu tôi phải tự tay làm từ những việc nhỏ nhất, bởi bà quan niệm: Cuộc sống sau này sẽ không hề ưu ái với con". Cách giáo dục này đã rèn luyện cho Quỳnh Hoa tính cách tự lập.

Nữ giảng viên khuyết tật trở thành thủ lĩnh của sinh viên đất Cảng - 2
Đôi chân không lành lặn của cô giáo Quỳnh Hoa

Thủ khoa khối D đại học

Năm 2000, không dừng lại con đường học vấn bằng tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã quyết tâm tham dự kỳ thi đại học và xuất sắc đỗ thủ khoa khối D Trường Đại học Quản lý và Công nghệ. Ra trường với tấm bằng cử nhân tiếng Anh loại giỏi, Quỳnh Hoa được nhà trường giữ lại làm giảng viên tại khoa tiếng Anh. Bất chấp bệnh tật, cô lặn lội lên Hà Nội học cao học và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Anh.

Đến tận bây giờ, ở tuổi U40, người phụ nữ này vẫn bồi hồi nhớ lại những ngày tháng xưa cũ đầy khó khăn vất vả. Những năm cấp hai, Quỳnh Hoa tự đạp xe tới trường. Tuy nhiên, cuối năm lớp 9, cô trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài xương chân trái. Kể từ đó, Quỳnh Hoa không thể đi được xe đạp.

May mắn thay, trong suốt những năm đại học và THPT, cô luôn được bạn bè đưa đón đi học. "Tôi rất biết ơn, bởi nếu không có những người bạn đó, con đường học tập của tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Nữ giảng viên khuyết tật trở thành thủ lĩnh của sinh viên đất Cảng - 3
Những bước chân khó nhọc của cô giáo Quỳnh Hoa

Tuy nhiên, cảm thấy không thể mãi phụ thuộc, cô Hoa quyết định chủ động việc đi lại của bản thân. Hai năm đầu đi bằng xe đạp điện, Quỳnh Hoa không ít lần phải "mếu" giữa đường vì xe hết điện, không thể dắt nổi. Vì vậy, sau khi ra trường, cô đã liều tập đi xe máy dù bố mẹ khuyên ngăn.

Di chuyển bằng xe máy, cô Hoa bị ngã không biết bao nhiêu lần do chân trái không thể chống xe được hay những lần hỏng xe phải đứng yên chờ bố đón. Mỗi lần vượt qua được một khó khăn, cô Hoa thêm phần mạnh mẽ, quyết tâm và tự tin vào bản thân mình.

Bản thân có khiếm khuyết, trải qua vô vàn khó khăn nhưng Quỳnh Hoa luôn hài lòng và trân quý cuộc sống của mình. Cô chia sẻ: "Nhiều lúc, tôi nghĩ vui, ông trời lấy đi của tôi đôi chân nhưng lại cho tôi nhiều thứ đáng quý, ví dụ như một khuôn mặt xinh xắn, một đôi tay khéo léo hay một khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề tốt".

Nữ giảng viên khuyết tật trở thành thủ lĩnh của sinh viên đất Cảng - 4

Cô giáo Quỳnh Hoa say mê giảng bài cho sinh viên

Chia sẻ về người thầy đặc biệt đang trực tiếp giảng dạy mình, Đào Thị La (sinh viên năm 2, trường Đại học Quản lý và Công nghệ) bày tỏ: "Khác với vẻ ngoài còn mang khiếm khuyết, cô Hoa là một giảng viên nhiệt huyết, yêu đời, yêu người và giàu nghị lực sống. Không chỉ là giảng viên, em còn coi cô là một người chị, người bạn vô cùng thân thiết".

Chị Đoàn Thị Hạnh (cựu sinh viên K17 trường Đại học Quản lý và Công nghệ) chia sẻ: "Cô Hoa là một giảng viên nhiệt tình. Cô luôn tạo môi trường học tập cho sinh viên, đồng thời giúp các bạn nắm bắt được nhiều cơ hội việc làm với những cá nhân, tập thể hay doanh nghiệp. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù không còn là sinh viên của cô nhưng mình vẫn còn xúc động và cảm thấy khâm phục cô rất nhiều".

Nữ giảng viên khuyết tật trở thành thủ lĩnh của sinh viên đất Cảng - 5

Nữ giảng viên Quỳnh Hoa nhận được sự yêu mến từ phía các bạn sinh viên.

"Thủ lĩnh" nhóm Tình thân SOS

Sau khi chính thức trở thành giảng viên của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ, cô Hoa bắt đầu tham gia hoạt động tình nguyện.

Nguyễn Thị Quỳnh Hoa được biết đến nhiều nhất với vai trò "thủ lĩnh" nhóm Tình thân SOS. Gồm hơn 100 sinh viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố, Tình thân SOS thường xuyên tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ kém may mắn ở Hải Phòng, tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em hay thăm các cụ già ở Trung tâm dưỡng lão...

Quỳnh Hoa chia sẻ, Tình thân SOS chính là cơ duyên đưa cô đến với phong trào "Sống độc lập". "Sống độc lập" được khởi xướng năm 1972 bởi Ed Robert - một thanh niên Mỹ khuyết tật nặng.

Tại Việt Nam, trung tâm Sống độc lập đầu tiên được thành lập tại Hà Nội vào năm 2009. Nhiều năm sau, các nhóm, CLB "Sống độc lập" đã được thành lập tại các thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Khi chương trình của CLB "Sống độc lập" triển khai tại đất Cảng, Quỳnh Hoa là một trong những người tiên phong đưa phong trào này phát triển mạnh. Là trưởng nhóm của "Sống độc lập Hải Phòng", mặc dù đi lại khó khăn, cô Hoa đã cùng với các sinh viên, tình nguyện viên đi đến từng ngõ ngách để tìm kiếm người phù hợp tham gia chương trình. Đó là những người bại não, tổn thương cột sống, liệt nửa người… phải sống phụ thuộc vào gia đình.

Với mục đích muốn giúp người khuyết tật tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, tự tin hòa nhập với cộng đồng, sau khoảng thời gian cố gắng, chương trình đã thu hút được nhiều thành viên là những người khuyết tật nặng tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tình nguyện của cô Hoa và các bạn tình nguyện viên cũng gặp rất nhiều những khó khăn. Theo Quỳnh Hoa, nhiều người khuyết tật vẫn mang tâm lý mặc cảm tự ti, không muốn tiếp xúc với xã hội, nhất là những người khuyết tật nặng do tai nạn, họ thường bị sốc về tâm lý nên nhiều người ban đầu từ chối tham gia phong trào.

Việc gây quỹ cho các nhóm tình nguyện cũng là vấn đề nan giải. Cô Hoa trải lòng, để "Tình thân SOS" hay "Sống độc lập" sống được, cô và các bạn tình nguyện viên đã không ngần ngại làm đủ mọi việc để gây quỹ, từ việc bán ve chai, bán hoa hay đi xin tài trợ. Không ít lần Quỳnh Hoa muốn bỏ cuộc, rời khỏi nhóm vì hoạt động của nhóm đi vào bế tắc do thiếu kinh phí, địa điểm tổ chức.

Vượt qua những khó khăn, cho đến thời điểm hiện tại, nhóm "Tình thân SOS" dưới sự hướng dẫn của cô Quỳnh Hoa vẫn tồn tại và hoạt động. Vào những ngày lễ như: 8/3, 20/11… các thành viên trong nhóm thường tổ chức những hoạt động như cắm hoa, nấu ăn… để gây quỹ.

Luôn giữ một tâm thế thoải mái

Trái ngược với vẻ ngoài có phần mỏng manh và cần được che chở, Quỳnh Hoa chia sẻ, cô có thể làm được nhiều thứ, từ những việc như nội trợ, làm bánh, thậm chí may áo vest hay trang điểm cô dâu.

Ở tuổi U40, người phụ nữ này còn gây ấn tượng với tôi bằng vóc dáng thon gọn, khuôn mặt xinh tươi cùng nụ cười rạng rỡ tràn đầy sức sống.

Trong suy nghĩ của nhiều người, khuyết tật là đồng nghĩa với việc khiếm khuyết, thậm chí là xấu xí về ngoại hình nhưng với Quỳnh Hoa lại hoàn toàn khác. Cô quan niệm, mặc dù đôi chân không lành lặn nhưng vẫn phải giữ cho khuôn dung xinh tươi.

Nữ giảng viên khuyết tật trở thành thủ lĩnh của sinh viên đất Cảng - 6

Dù trải qua nhiều biến cố và khó khăn trong cuộc sống nhưng cô Hoa vẫn luôn giữ cho mình tâm thế thoải mái.

Đến hiện tại, dù trải qua nhiều biến cố và khó khăn trong cuộc sống nhưng cô Hoa vẫn luôn giữ cho mình tâm thế thoải mái. "Tôi sống theo chủ nghĩa 'thế nào cũng được', giống như bài hát 'Sao cũng được' của rapper Binz. Thời gian và những trải nghiệm đã dạy cho tôi cách biết chấp nhận và sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Cuộc đời này, sướng hay khổ là do cách nhìn nhận của mỗi người" - cô Hoa trải lòng.

Cô giáo Quỳnh Hoa hiện tại với dáng người nhỏ nhắn, như bông hoa của đất Cảng, cô đem cuộc đời mình tỏa hương thơm ngào ngạt cho những phận đời bất hạnh, truyền cho họ nghị lực và niềm tin tiến lên phía trước, chiến thắng bản thân, chiến thắng số phận như chính con người cô.