Bạn đọc gửi:

Những đứa trẻ bị bỏ rơi !

(Dân trí) - Đã từng có một thời, việc thi đỗ đại học là một sự kiện trọng đại khiến gia đình có thể giết trâu mổ bò để khao. Con em đỗ đại học được vinh danh đầu làng cuối xóm. Thật là vinh dự!

Nhưng bên cạnh cái vinh dự đó, hàng ngàn hàng triệu bạn trẻ bơ vơ. Rất nhiều bạn chọn học cao đẳng, trung cấp chờ ngày liên thông. Một tâm thế mua một vé hạng hai để chờ ngày trở lại toa hạng nhất.

Thậm chí nhiều bạn trẻ, vé hạng hai cũng không kiếm được bị đẩy ra khỏi cuộc tranh giành thứ hạng. Hay đơn giản bị bỏ rơi không thương tiếc. Điều các bạn trở thành đó là tấm gương xấu để các phụ huynh đe dọa thế hệ sau. Thấy chưa, hậu quả của việc học hành không tới nơi, tới chốn! Lo mà học hành đàng hoàng đi con!

Đã có một thời mà hệ thống giáo dục được thiết kế theo kiểu chạy đua như vậy.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ! - 1

TS Đàm Quang Minh: "Nếu hệ thống giáo dục chỉ chăm chú vào việc cạnh tranh thứ hạng, tôi tinh hoa bạn tầm thường thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề và tàn nhẫn".

Khi vận hành các trường từ cao đẳng đến đại học, câu hỏi của các phóng viên hoặc những người quan tâm đến trường hay là làm thế nào cạnh tranh được với các trường lung linh, long lanh top đầu? Câu trả lời luôn là chúng tôi cung cấp một dịch vụ, một giá trị KHÁC.

Khi lần đầu tiên mở hệ cao đẳng theo hướng thực hành, việc đầu tiên là chúng tôi bỏ hết các học phần lý thuyết lòng vòng, tập trung vào kỹ năng và việc cụ thể.

Có câu chuyện tôi nhớ mãi về một phụ huynh trong lễ tốt nghiệp chia sẻ: "con nhà tôi từ bé toàn học lực trung bình, kém và bị chê, tưởng coi như đồ bỏ đi rồi, thế mà ở đây các thầy còn khen cháu, tặng thưởng nó". Anh bạn đó sau tốt nghiệp đi làm còn giúp đỡ mấy bạn "giỏi giang" hơn học đại học có việc làm dưới quyền mình.

Vậy nên, nếu hệ thống giáo dục chỉ chăm chú vào việc cạnh tranh thứ hạng, tôi tinh hoa bạn tầm thường thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề và tàn nhẫn.

Mấy hôm nay báo chí đưa lại câu chuyện chuyển dạy nghề về Bộ GD&ĐT cho đúng chuẩn quốc tế. Nhưng ở vai trò một người đã vận hành cả hai hệ thống đại học và dạy nghề, tôi thực sự ghi nhận những gì Tổng cục giáo dục nghề nghiệp làm được mấy năm qua. Đó là dám vứt bỏ áo khoác hàn lâm cho cao đẳng và trung cấp.

Thay vì là hệ học HẠNG HAI thì là một hệ học HẠNG KHÁC. Từ một mớ hỗn độn các trường trung cấp, cao đẳng hoang mang vì từ nay không còn liên thông và suy giảm nhanh chóng, những năm qua những trường cao đẳng tốt có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người học đang là lựa chọn cho các bạn trẻ theo con đường học nghề.

Thậm chí là nghề Chất lượng cao như các chương trình với Vinfast hay nhiều doanh nghiệp khác. Số học sinh học nghề tăng đều hàng năm, nhiều em điểm thi tốt vẫn học nghề để theo đuổi đam mê của mình.

Bộ GD&ĐT luôn bị ám ảnh với những tiêu chí TINH HOA, những hạn chế đầu vào, với những chỉ tiêu chất lượng tăng hạng cho các trường đại học không bao giờ có thể mở toang cánh cửa trường cho tất cả học sinh. Đơn giản nhiệm vụ phổ biến nhất của Bộ là tạo ra các kỳ thi mang tính sàng lọc cao.

Nhiệm vụ của các trường đại học là chọn các học sinh tốt nhất, thậm chí tuyên bố thẳng không đủ 29-30 điểm thì đừng nghĩ đến chuyện bước vào cửa nhà tôi. Các học sinh kém đi đâu là việc các trường đó không cần bận tâm. Ai trên sàng thì tốt, nhưng ai lọt dưới sàng thì không có được sự quan tâm.

Hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) hiện nay là điển hình như vậy. Thiếu sự quan tâm chiến lược, hệ thường xuyên ngày nay chỉ như chỗ trú chân cho học sinh yếu kém để các em đỡ hư hỏng. Đáng lý cần có một chương trình phù hợp để các em tự tin vào đời với những điểm mạnh nhất của mình.

GDTX cần là một HẠNG KHÁC trong giáo dục chứ không để là giáo dục HẠNG HAI dành cho các bạn trượt THPT không nơi nào nhận.

Thiết kế hệ thống giáo dục có "NHÂN BẢN" theo từ của Bộ trưởng đưa trong thông điệp hay không, phụ thuộc vào việc hệ thống đó có quan tâm được đến từng cá nhân và phát huy cái "nhân bản" của mỗi người. Còn nếu không, Giáo dục & Đào tạo vẫn sẽ là những cuộc đua loại bỏ những đưa trẻ một cách lạnh lùng và phi nhân bản.

TS Đàm Quang Minh (Giáo Dục EQuest)

* Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!