DMagazine

Nghiên cứu sinh nước ngoài than "không đủ tiền mua đồ ăn"

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang gây ra tình trạng khó khăn về tài chính cho nhiều người, bao gồm cả những học viên, nghiên cứu sinh đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.

Nature, tạp chí khoa học phát hành hàng tuần, là một trong những tạp chí khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những tạp chí học thuật có uy tín và được đọc nhiều nhất trên thế giới.

Mới đây, tạp chí uy tín này đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu dành cho sinh viên sau đại học.

Các cuộc khảo sát toàn cầu bao gồm ghi nhận những phản hồi của học viên cao học về triển vọng nghề nghiệp và các khía cạnh khác của cuộc sống sinh viên cao học trên toàn thế giới. Cuộc khảo sát được thực hiện cùng với Shift Learning, một công ty nghiên cứu thị trường ở London, Vương quốc Anh.

85% số người được hỏi trong cuộc khảo sát năm 2022 của Nature dành cho những sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đang lo lắng về việc làm sao để có đủ tiền mua thức ăn, trả tiền thuê nhà và thanh toán các chi phí khác. Đây là minh chứng cho một trong những vấn đề cấp bách nhất trên toàn thế giới trong giáo dục bậc cao.

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 1
Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 2

Căng thẳng tài chính ngày càng tăng này có nguy cơ phá hỏng một số nghề nghiệp đầy triển vọng. Gần một nửa (45%) số người được hỏi đồng ý rằng chi phí sinh hoạt tăng cao có thể khiến họ từ bỏ chương trình sau đại học.

Cuộc khảo sát của Nature dành cho 3.200 sinh viên đã tốt nghiệp đại học và đang theo học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Trong các câu trả lời, sinh viên quốc tế chia sẻ về những khó khăn trong việc vừa phải tiếp tục học tập vừa phải cố gắng kiếm sống qua ngày.

Các cuộc phỏng vấn tiếp theo của Nature với những người được hỏi đang sinh sống ở Ấn Độ và Mỹ đã bổ sung thêm chi tiết về một cuộc khủng hoảng toàn cầu khó có thể sớm lắng xuống.

Nathan Garland, một nhà toán học tại Đại học Griffith ở Brisbane, Australia, người đã xem xét các câu trả lời khảo sát cho biết: "Có vẻ như mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn và xuống dốc không phanh trong hoàn cảnh này".

Mối quan tâm về tài chính đặc biệt phổ biến ở Bắc Mỹ, nơi có hơn ba phần tư (76%) số người được hỏi liệt kê chi phí sinh hoạt chung là một trong những khía cạnh khó khăn nhất trong thời gian họ cố gắng lấy được bằng cấp.

95% người được hỏi đồng ý rất cao về việc chi phí sinh hoạt tăng lên là một mối lo ngại. Vào tháng 9/2022, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 8,2% còn ở Vương quốc Anh, tỷ lệ lạm phát tăng liên tiếp trong nhiều tháng.

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 3

Một nghiên cứu sinh ngành sinh học ở Mỹ đã viết trong phần bình luận khi tham gia khảo sát rằng: "Thật khó để tập trung vào nghiên cứu, giảng dạy, cố vấn, viết bài khi mà bạn thậm chí không có đủ tiền để mua thức ăn".

Những rắc rối về tiền bạc đang đè nặng lên Carly Golden, nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ hai tại Đại học Boston ở Massachusetts, ngôi trường nằm ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ.

Carly Golden nhận được một khoản trợ cấp khoảng 40.000 USD/năm (993 triệu đồng) và cô ấy nói rằng, con số này thấp hơn rất nhiều so với chi phí sinh hoạt. Theo thống kê của Viện Công nghệ Massachusetts, mức lương đủ sống cho một người trưởng thành độc thân ở Boston, Mỹ là gần 47.000 USD/năm (1,17 tỷ đồng).

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 4

Carly Golden nói: "Tôi chi hơn 60% số tiền trợ cấp của mình cho tiền thuê nhà". Golden có khả năng tiết kiệm tiền bằng cách sống cùng với một người bạn nhưng Carly Golden nói rằng cô ấy cần không gian yên tĩnh để có thể học tập đàng hoàng, tử tế.

Carly Golden cũng có thể tiết kiệm tiền thuê nhà bằng cách chuyển đến một khu vực ngoại ô ít đắt đỏ hơn nhưng ngay ở hiện tại, cô ấy đã mất một giờ để có thể đi đến phòng thí nghiệm của mình. Carly Golden nói: "Nếu tôi có thể đăng ký lại một chương trình học, có lẽ tôi sẽ chọn một tiểu bang có chi phí sinh hoạt hợp lý hơn".

Amit Kurien, một nhà sinh thái học xã hội, người đã tham gia cuộc khảo sát ngay sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Ashoka Trust về Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường ở Bengaluru, cho biết, ở Ấn Độ, sinh viên học cao học thường sống ở những khu vực có chi phí sinh hoạt cao nhất.

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 5
Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 6

Amit Kurien nói: "Các trường đại học tốt đều nằm ở các khu vực đô thị, nơi cuộc sống hối hả và nhộn nhịp". Amit Kurien lưu ý rằng Bengaluru, một trung tâm về công nghệ thông tin, có dân số ngày càng tăng gồm các chuyên gia trẻ tuổi có thu nhập khá, những người có lối sống rất khác so với những sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Kurien cho biết anh kiếm được hơn 4.000 USD/năm (gần 100 triệu đồng) trong thời gian học tiến sĩ và đó là một khoản tiền nhỏ. Sở dĩ Amit Kurien có thể duy trì cuộc sống một phần là nhờ sự chu cấp của bố mẹ, một điều xa xỉ mà không phải ai cũng có được.

Tiền là một vấn đề thực sự lớn

Chia sẻ trong cuộc khảo sát của Nature, các học viên cao học và nghiên cứu sinh đang học lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ nêu chi tiết những nỗi sợ hãi và lo lắng mà họ gặp phải về tài chính.  

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 7

Một nghiên cứu sinh tới từ Mỹ nói: "Bạn sẽ không được trả mức lương đủ sống, vì vậy bạn nên hoàn thành và công bố các dự án thật nhanh, điều đó quan trọng hơn là có được những kết quả thú vị hoặc đột phá. Hãy hiểu điều đó".

"Tôi ước mình biết trường đại học của tôi đã phản ứng kém như thế nào với tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt vượt quá mức lương dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh", một nghiên cứu sinh tới từ Mỹ cho biết.

"Tiến sĩ là một công việc toàn thời gian và nên được đối xử hợp lý. Một trong những lý do tôi chọn học tiến sĩ ở một quốc gia Bắc Âu là tôi có được hợp đồng làm việc và được trả lương cao khi làm công việc gì đó mà tôi yêu thích và cực kỳ quan trọng đối với xã hội.

Tôi sẽ không theo đuổi nghiên cứu ở một đất nước mà các trường đại học và tổ chức không có hệ thống như thế này", một nghiên cứu sinh đang học tại Thụy Điển cho biết.

"Tiền là một vấn đề thực sự lớn. Hoặc là tôi phải chia sẻ không gian sống của mình với những người xa lạ, hoặc tôi phải suy nghĩ thật kỹ về những gì tôi có thể mua được", nghiên cứu sinh tại Vương quốc Anh bày tỏ.

Một học viên cao học tại Mỹ thì nói: "Các khoản trợ cấp sau đại học thực sự cần phải được nâng lên ở mức hợp lý. Thật khó để cảm thấy mình được đánh giá cao với tư cách là một nhà nghiên cứu trong khi tôi còn đang phải lo lắng về việc trả tiền sửa xe hoặc đi xin đồ ăn từ ngân hàng thực phẩm. Tôi cảm thấy kiệt sức vì cố gắng duy trì cuộc sống hơn là vì công việc học tập".

Nghiên cứu sinh giấu tên tại Mỹ chia sẻ: "Các tổ chức cần chăm sóc các nhu cầu cơ bản của sinh viên thông qua các khoản hỗ trợ chi phí sinh hoạt và nhà ở. Làm sao họ có thể mong đợi chúng tôi phát triển sự nghiệp của mình và trở thành những nhà nghiên cứu hữu ích nếu chúng tôi luôn phải vật lộn để kiếm sống qua ngày?".

Công việc thứ hai

Garland, đồng tác giả của một bài viết vào tháng 6/2022 trên trang The Conversation, mô tả tình trạng khó khăn về tài chính của sinh viên mới tốt nghiệp ở Australia. Anh cho biết: "Ở Australia, hầu hết những sinh viên có cuộc sống thoải mái đều nhận được sự giúp đỡ từ gia đình hoặc có một người bạn đời có công việc tốt".

Garland nói: "Nhiều học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh đang đi dạy thêm để giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Các trường đại học có thể sử dụng lao động thuê theo hợp đồng ngắn hạn, sẽ rẻ hơn nhân viên cố định".

Garland tính toán rằng tiền lương hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên cao học ở Australia tương đương với khoảng 2/3 mức lương tối thiểu quốc gia. Vì thế nhiều sinh viên phải tìm việc làm thêm để có thu nhập. Garland nói: "Một số người đang lái xe Uber hoặc làm việc tại một cửa hàng bánh pizza".

Gần 1/4 số người trả lời khảo sát của Nature nói rằng họ có công việc thứ hai để làm. Những công việc như vậy đặc biệt phổ biến đối với học viên cao học (31%), có lẽ vì tiền thù lao của họ thường thấp hơn so với nghiên cứu sinh. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu sinh phải cam kết với nhà trường là sẽ không nhận các công việc bên ngoài còn học viên cao học thì có sự linh hoạt hơn.

Ethan Solomon, học viên cao học sắp lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Toronto, Canada, cho biết, không có gì ngăn cản anh kiếm việc làm thêm ngoài thời gian đi học.

Trong khi các sinh viên khác đang lái xe cho các công ty hoặc phục vụ bàn thì Solomon kiếm thêm tiền bằng cách làm "đại sứ thương hiệu", nghĩa là anh ấy quảng bá sản phẩm và phát áo phông cũng như các mặt hàng quảng cáo khác tại các buổi hòa nhạc, lễ hội nhạc Jazz và các sự kiện văn hóa.

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 8
Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 9
Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 10

Các sự kiện thường diễn ra vào dịp cuối tuần, điều này giúp Solomon có thể sắp xếp cân đối giữa thời gian học và làm. "Đi làm thêm không ảnh hưởng đến công việc trong phòng thí nghiệm của tôi và mọi thứ vẫn đang tiến triển tốt, vì vậy tôi không gặp vấn đề gì khó khăn", Ethan Solomon nói.

Solomon nói rằng anh ấy dự định kết thúc chương trình học sau khi lấy bằng thạc sĩ, lý do là vì anh ấy không thể tiếp tục đối mặt với mức lương "khiêm tốn" trong 4-5 năm nữa để lấy bằng tiến sĩ. Trong cuộc khảo sát của Nature, chỉ hơn một nửa số sinh viên thạc sĩ nói rằng họ dự định tiếp tục học chương trình tiến sĩ.  

Cảnh nợ nần

Gần 1/5 số người được hỏi nói rằng họ dự kiến sẽ mắc nợ trong thời gian học tập, con số nợ lên tới hàng chục nghìn USD. 11% khác không chắc liệu họ có thể hoàn thành chương trình của mình mà không bị rơi vào cảnh nợ nần hay không.

Nhìn chung, 71% sinh viên nói rằng họ không muốn mắc nợ, mặc dù nhóm này có thể bao gồm nhiều sinh viên được hỗ trợ từ gia đình hoặc bạn đời.

Golden tâm sự rằng cô ấy có thể đã mắc nợ nếu không có công việc nghiên cứu mà cô ấy đã làm trước khi bắt đầu học cao học. Cô nói: "Nếu tôi không có một khoản tiết kiệm kha khá sau 4 năm đi làm thì tôi sẽ phải vay mượn".

Jayson Lusk, một nhà kinh tế tại Đại học Purdue ở West Lafayette, Indiana, Mỹ, cho biết những sinh viên đã có gia đình đặc biệt dễ rơi vào cảnh nợ nần.

Vào tháng 11/2020, Lusk đã thực hiện một cuộc khảo sát thu thập hơn 1.400 câu trả lời từ các sinh viên cao học. Trong cuộc khảo sát đó, những sinh viên không có người phụ thuộc có thể tiết kiệm trung bình hơn 1.100 USD/năm (gần 30 triệu đồng) nhưng những sinh viên có người phụ thuộc bị thâm hụt trung bình mỗi năm hơn 20.000 USD (497 triệu đồng).

Cuộc khảo sát của Đại học Purdue cho thấy: Các sinh viên mong đợi kiếm được nhiều tiền hơn trong sự nghiệp sau này lại ít có khả năng tiết kiệm tiền khi học tập. Lusk nói: "Một phần trong số những người được hỏi đang coi việc học như một khoản đầu tư. Họ sẵn sàng vay nợ để kiếm nhiều tiền hơn trong tương lai".

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 11

Lusk lưu ý rằng hầu hết sinh viên cao học tại Purdue được trả lương như nhân viên bán thời gian thông qua các công việc trợ lý nghiên cứu - giảng dạy. Vào tháng 8/2022, số tiền đó tương đương với mức lương tối thiểu hàng năm là 24.124 USD (597 triệu đồng).

Nhà kinh tế Jayson Lusk nói thêm rằng những sinh viên đó cũng thường được miễn học phí, cộng với các quyền lợi như bảo hiểm y tế và các ngày nghỉ có lương. Ông nói: "Bạn không thể trở nên giàu có khi học cao học. Tuy nhiên tôi không nghĩ nó bóc lột".

Những bước tiến nhỏ

Một số tổ chức đang thực hiện các bước để giúp sinh viên bắt kịp với chi phí sinh hoạt gia tăng. Amy Dashwood, nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ hai làm việc tại Viện Babraham, một trung tâm nghiên cứu khoa học đời sống trực thuộc Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh, đã thấy lương của mình được tăng sau khi tham gia cuộc khảo sát này.

Viện Babraham cam kết rằng, từ ngày 1/10/2022, không sinh viên nào được trả lương thấp hơn 21.700 USD/năm (539 triệu đồng). Cụ thể trong trường hợp của Amy Dashwood, lương cô ấy tăng thêm gần 300 USD/tháng (7,5 triệu đồng). Khoản tiền này đến từ Hội đồng Nghiên cứu Y khoa, nhà tài trợ nghiên cứu lớn nhất của quốc gia.

Cũng vào ngày 1/10, cơ quan công lập của Chính phủ Vương quốc Anh đã tăng mức trợ cấp tối thiểu cho sinh viên lên 21.016 USD (521 triệu đồng), tăng hơn 2.380 USD/năm (59 triệu đồng).

Dashwood nói rằng khoản tài trợ bổ sung sẽ giảm bớt nhiều căng thẳng về tài chính cho các sinh viên sau đại học.

Cô nói: "Điều này sẽ giúp tôi giảm bớt gánh nặng và cho phép tôi tập trung tốt hơn vào việc học của mình. Tôi có thể thoải mái mua đồ tạp hóa và không phải liên tục kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình".

Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 12
Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 13
Nghiên cứu sinh nước ngoài than không đủ tiền mua đồ ăn - 14

Tuy nhiên, Amy Dashwood nói thêm rằng cô ấy vẫn sẽ tiếp tục lối sống thanh đạm bao gồm việc ở chung nhà với hai người khác, chỉ mua sắm những nhu yếu phẩm cơ bản và hiếm khi ra ngoài. Amy Dashwood khẳng định cô không đủ khả năng để đi ra ngoài chơi với bạn bè và đi nghỉ mát dù những loại hoạt động này có thể giúp cô ấy thư giãn và quên đi công việc. 

Nathan Garland, nhà toán học tại Australia mong sẽ có sự hỗ trợ tích cực hơn dành cho học viên cao học. Anh nói: "Hy vọng rằng đến một lúc nào đó mọi chuyện sẽ tốt hơn. Tuy nhiên mọi thứ sẽ không tốt lên nếu chúng ta không thực sự quan tâm đến nó".

Thu Hằng