Mùa thi: Giáo viên có nên từ chối làm đề cương ôn tập cho học trò?

Loát Trần

(Dân trí) - Gần đến ngày thi, tôi mệt mỏi vô cùng vì học trò của mình mong muốn tôi soạn sẵn đề cương giống như một số môn học khác. Nhiệm vụ của các em chỉ là học thuộc lòng để đến ngày thi, ngồi chép lại.

Mùa thi: Giáo viên có nên từ chối làm đề cương ôn tập cho học trò? - 1

Các em chỉ học thuộc đề cương để đối phó với những kì kiểm tra, thi cử (Ảnh: DT).

Những ngày này, tôi mệt mỏi vô cùng về chuyện lớp, chuyện trường. Tôi và học trò của mình đang chạy nước rút với những kì thi. Dường như ngày nào lên lớp tôi cũng cố gắng hệ thống lại kiến thức đã học để học trò dễ nhớ nhất. Tôi mong sao các em học tập thật tốt để đạt kết quả cao trong những kì thi tới đây.

Tôi là một giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn lớp 9. Thực sự môn học này học trò cũng không mặn mà lắm. Rất nhiều em tỏ ra "ngán ngẩm" khi ngồi học Văn, viết Văn. Thế nhưng vì đây là môn học bắt buộc trong thi tuyển 10 nên các em vẫn phải cố gắng, nỗ lực. Nhiều khi thấy các em học Văn uể oải mà buồn vô cùng. Tới ngày thi, trò ngồi học thuộc văn mẫu. Nhìn các em học Văn mà tôi chỉ biết "cười ra nước mắt".

Thực ra học Văn không khó, cái chính là các em làm biếng. Khi học Văn, các em cần phải suy nghĩ và tích cực chủ động trong hoạt động nhận thức, cảm thụ và vận dụng các kiến thức, kĩ năng văn học. Các em phải có sự yêu thích mới học tốt được.

Thực tế trong quá trình dạy Ngữ văn lớp 9, bản thân tôi nhận thấy sự cảm thụ văn học của các em còn nhiều hạn chế. Khi làm bài các em thường dựa vào văn mẫu hoặc dựa vào các ý trong đề cương hay dàn ý thầy cô cho sẵn mà viết lại nên cảm xúc thường hạn chế. Đọc các bài văn thường thấy sự gượng ép, không chân thật chút nào cả.

Gần đến ngày thi, tôi mệt mỏi vô cùng vì học trò của mình. Các em cứ mong muốn tôi soạn sẵn đề cương giống như một số môn học khác. Rồi thì cô in ấn, phô tô ra phát cho cả lớp. Nhiệm vụ của các em chỉ là học thuộc lòng để đến ngày thi mà ngồi chép lại.

Tối qua, rất nhiều trò nhắn tin hỏi tôi sao cô không soạn sẵn đề cương cho các em học thuộc. Sắp tới kì thi rồi nên các em rất lo lắng. Các em mong muốn tôi gửi đề cương sớm hoặc giới hạn đề thi để còn kịp học tập. Chứ giờ học hết thì các em học sao nổi.

Nghe các em ca thán, tôi cũng thương các em lắm. Thực tế, các em phải học rất nhiều môn. Học chính khóa rồi lại học thêm… Có em học đến gầy rộc cả người. Tuy nhiên, với vai trò là một giáo viên, tôi vẫn từ chối việc soạn đề cương cho trò. Tôi không thể "thương" các em theo kiểu đó được. Các em học gì thì sẽ thi đó. Đề thi thường phân loại rõ đối tượng học sinh. Các nội dung thi 80% nằm trong SGK.

Nếu các em học nghiêm túc thì chẳng phải lo gì cả. Tôi không thích dạy cho trò cách học đối phó, học vẹt. Lí do các em cần phải có kiến thức thật để học lên cao nữa.

Khi biết tôi không ra đề cương cho trò thì nhiều phụ huynh trách tôi làm khó học sinh. Ra đề cương tức là giảm áp lực học tập, thi cử cho các em. Ở cấp 1, các em cũng được cô làm sẵn các bài Văn rồi phô tô ra cho trò học thuộc. Lên cấp 2, thì nhiều thầy cô thường giới hạn vài đề để trò chuẩn bị. Cách học này, trò đỡ vất vả rất nhiều. Các em không phải học dàn trải. Ngoài ra, giáo viên cũng cảm thấy nhẹ nhàng về áp lực chỉ tiêu. Nói chung, cả cô và trò đều có lợi thấy rõ.

Thực tế, việc ra đề cương cho trò không khó. Điều tôi sợ nhất là trò không có kiến thức thật của mình. Các em sẽ không chịu học bài nghiêm túc. Các em chỉ học thuộc đề cương để đối phó với những kì kiểm tra, thi cử. Vì thế khi thi chuyển cấp, nhiều phụ huynh mới sốc vì không hiểu sao con mình lại không làm được bài.

Có lẽ đã lúc giáo viên chúng ta cần phải kiên quyết nói không với việc soạn sẵn đề cương cho trò. Chúng ta không nên tạo cho trò cách học kiểu này được. Hãy để các em ý thức được việc học của mình là rất quan trọng. Chứ cứ học kiểu này, trò sẽ không bao giờ chịu học bài. Chừng nào thầy cô còn làm đề cương, chừng đó trò còn ỷ lại.