Hơn 300 GV chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề:

Không giỏi nghề, sao có thể dạy nghề?

Lệ Thu

(Dân trí) - Vụ Pháp chế - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có thông báo kết luận kiểm tra cho thấy, một trường cao đẳng gồm hơn 300 giảng viên nhưng chưa một người nào có chứng chỉ chuẩn trình độ kỹ năng nghề…

100% nhà giáo không có chứng chỉ kỹ năng nghề?

Ngày 31/12/2020, ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã ký văn bản thông báo kết quả kiểm tra các điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ.

Điểm đáng chú ý trong kết luận này là điều kiện chuẩn kỹ năng nghề của đội ngũ giảng viên. Trường có 312 giảng viên, trong đó 306 người có hồ sơ đầy đủ (10 tiến sĩ, 266 thạc sĩ, 30 cử nhân), 6 người thỉnh giảng không có hồ sơ.

Theo kết luận, có 303/306 giảng viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Đáng nói, không có giảng viên nào của trường có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành.

Không giỏi nghề, sao có thể dạy nghề? - 1

Kết luận kết quả kiểm tra các điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ.

Từ thực tế kiểm tra, kết luận đề nghị trường không bố trí giảng viên chưa đủ chuẩn giảng dạy, bổ sung giảng viên đạt chuẩn với một số ngành chưa đủ theo quy định. Đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với 3 nhà giáo chưa đạt chuẩn về trình độ nghiệp vụ sư phạm và đặc biệt là số nhà giáo cần đạt chứng chỉ kỹ năng nghề nhưng lại chưa có chứng chỉ (trong số 306 giảng viên) để đảm bảo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại thông tư 08-2017 của Bộ LĐ-TB&XH.

Chỉ giảng viên thực hành mới cần bổ sung chứng chỉ kỹ năng nghề

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH cho biết đây là kết luận hậu kiểm nhằm kiểm tra các điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đây là hoạt động thường xuyên kể từ khi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trương thay đổi: chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đối với các cam kết về điều kiện đảm bảo chất lượng.

Trên cơ sở đó, có một trong số các tiêu chuẩn của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải đạt được là chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề (chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành) đối với giảng viên dạy thực hành và dạy tích hợp (lý thuyết và thực hành).

Không giỏi nghề, sao có thể dạy nghề? - 2

Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Lệ Thu).

Hiện tại, không có một thầy cô của trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ nào có chứng chỉ kỹ năng nghề. Nghĩa là xét ra, đó cũng là một vấn đề.

"Trừ các giảng viên chỉ dạy lý thuyết thì không cần chứng chỉ trình độ nghề. Số giảng viên còn lại cần chứng chỉ này, có thể một tỉ lệ nào đó không có vì lý do lý do A, lý do B, lý do C… cả trường không ai có thì cần xem xét lại.

Thực tế, vẫn có những lý do khách quan khiến cho nhà giáo dạy nghề chưa có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề. Bởi lẽ, xuất phát từ nhu cầu của xã hội, các trường nghề luôn đổi mới, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia do các Bộ quản lý ngành đề xuất và xây dựng thì không phải khi nào cũng kịp thời ban hành nên chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm tra đánh giá kỹ năng thực hành nghề của các nhà giáo...", bà Hương đặt vấn đề.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Thông tư 08-2017 của Bộ LĐ-TB&XH quy định rõ về chuẩn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Không có điều khoản nào bắt buộc tất cả nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành.

"Riêng đối với đối tượng nhà giáo dạy thực hành và dạy tích hợp thì tỉ lệ thực hành nghề rất cao. Nếu nhà giáo đó không có chứng chỉ kỹ năng nghề nghĩa là không đủ kỹ năng thực hành. Không giỏi nghề, sao có thể dạy nghề?", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trăn trở.

"Văn bản của Vụ Pháp chế là văn bản thông báo kết quả kiểm tra điều kiện tiêu chuẩn. Khi có kết luận chưa đủ chuẩn theo quy định, đề nghị nhà trường phải tổ chức, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giảng viên đạt chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng. Còn thầy cô nào không nằm trong đối tượng bắt buộc thì không cần. Đây là khuyến cáo chứ không phải kết luận xử lý, kết luận trường không đủ điều kiện hoạt động hay thu hồi đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp", bà Nguyễn Thị Việt Hương nêu rõ thêm.

Thông tư 08/2017 của Bộ LĐ-TB&XH quy định, nhà giáo dạy giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Về chuyên môn, đối với người dạy trung cấp: nhà giáo dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoặc đại học sư phạm chuyên ngành trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

Người dạy thực hành phải có một trong các chứng chỉ: kỹ năng nghề quốc gia bậc 2 hoặc chứng nhận bậc thợ 4/7, 3/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú trở lên, hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề, hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc tương đương.

Đối với bậc cao đẳng, người dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoặc đại học sư phạm chuyên ngành trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

Người dạy thực hành phải có một trong các chứng chỉ: kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 hoặc chứng nhận bậc thợ 5/7, 4/6 trở lên hoặc chứng nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân, hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc tương đương.

Thông tư cũng quy định, với những ngành, nghề đã ban hành đề thi, kiểm tra, đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, giảng viên phải hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trong thời gian 12 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực.