Hà Nội: Dự kiến tăng học phí gấp đôi

Mỹ Hà

(Dân trí) - Năm học 2022-2023, học phí cấp THCS dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đang áp dụng.

HĐND TP Hà Nội vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026.

Theo đó, các địa bàn trên thành phố được chia thành bốn vùng thay vì 3 vùng như năm ngoái (năm ngoái chia ra thành thị, nông thôn và miền núi).

Hà Nội: Dự kiến tăng học phí gấp đôi - 1

Học phí các bậc từ mầm non đến phổ thông của Hà Nội dự kiến tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái (Ảnh: M.Hà).

Trong đó, vùng 1 bao gồm trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thuộc các quận và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Vùng 2 là địa bàn thị trấn thuộc các huyện của thành phố Hà Nội.

Vùng 3 bao gồm xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc huyện của thành phố Hà Nội (trừ các xã miền núi).

Vùng 4 gồm các xã miền núi thuộc các huyện của thành phố Hà Nội.

Mức học phí dự kiến áp dụng với các trường mầm non, phổ thông chưa đảm bảo chi thường xuyên (giai đoạn 2022-2026) cụ thể như sau (đơn vị: đồng/ học sinh/ tháng) như sau:

Hà Nội: Dự kiến tăng học phí gấp đôi - 2
Hà Nội: Dự kiến tăng học phí gấp đôi - 3
Hà Nội: Dự kiến tăng học phí gấp đôi - 4

Học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi năm học 2022-2023 ở vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng, với vùng 3 là 100.000-200.000 đồng, vùng 4 là 50.000-100.000 đồng/tháng.

Nếu so sánh theo từng cấp và khu vực- trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái. 

Cấp tiểu học được miễn học phí nhưng mức thu trên được quy định nhằm làm căn cứ để hỗ trợ cho học sinh tiểu học tư thục hoặc học sinh tư thục thuộc diện hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, TP chỉ quy định mức trần qua từng năm và không đưa ra mức học phí cụ thể.

Cụ thể năm học 2022-2023, học phí dao động 2,4-3,2 triệu đồng một tháng, mỗi năm sau tăng khoảng 6-8%. Trên cơ sở mức trần, hiệu trưởng quyết định học phí phù hợp.

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên như sau: 

Hà Nội: Dự kiến tăng học phí gấp đôi - 5

Đối với các trường công lập chất lượng cao trong năm học 2022-2023, theo dự thảo Nghị quyết, mức trần học phí của bốn cấp học không tăng so với năm 2021-2022.

Cũng theo dự thảo này, trường hợp học sinh phải học trực tuyến, các trường chỉ thu 75% mức học phí đã được ban hành- trừ cấp mầm non.

Trong một tháng, nếu trẻ mầm non học ít hơn 14 ngày, cần nộp học phí một nửa so với quy định; học trên 14 ngày phải nộp đủ học phí cả tháng.

Đối với học sinh phổ thông, nếu nhà trường áp dụng học luân phiên trực tiếp và trực tuyến, hình thức học nào kéo dài từ 14 ngày trở lên, nhà trường sẽ thu học phí theo hình thức đó. Tổng số tháng thu học phí trong năm không được vượt quá 9.

Được biết trước khi Hà Nội dự kiến tăng học phí, Sở GD-ĐT TPHCM cũng có văn bản góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn.

Nếu được thông qua, trừ cấp tiểu học được miễn học phí, hầu hết các bậc học ở TPHCM từ năm học 2022-2023 đều tăng học phí.

Đặc biệt, bậc THCS tăng cao nhất lên đến 5 lần, từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, các bậc khác tăng 70.000-180.000 đồng/tháng tùy khu vực. 

Việc TPHCM đề nghị tăng học phí năm học 2022-2023 với con số tăng gấp nhiều lần gây bất ngờ, đặc biệt ở bậc THCS. Gần 4 năm trước, thành phố từng tha thiết mong được miễn học phí ở bậc học này. 

Trước đề xuất tăng học phí trong Dự thảo lần này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lý giải, sở dĩ có sự chênh lệch mức thu học phí là do trước đây thành phố luôn duy trì mức học phí thấp, không tăng trong suốt 6 năm qua. Còn với bậc THCS do từ năm 2019, TPHCM áp dụng việc giảm học phí nên bậc học này có sự chênh lệch lớn nhất khi đề nghị tăng học phí.