Giáo dục nghề nhằm khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy sau Covid-19

Lệ Thu

(Dân trí) - Hiện vaccine được tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh dần được kiểm soát, doanh nghiệp tái tăng tốc sản xuất nhưng tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc hậu Covid-19 hiện mới chỉ đạt khoảng 60 - 70%.

Thực trạng trên đặt ra bài toán khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy và vai trò của giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 22/10, Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp, thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Tọa đàm "Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội".

Giáo dục nghề nhằm khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy sau Covid-19 - 1

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp chủ trì hội thảo (Ảnh: Tổng Cục GDNN).

Dẫn nguồn Báo cáo "Triển vọng Việc làm và Xã hội thế giới: Xu hướng 2021" của ILO (WESO), TS Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cho biết dự báo "khoảng trống việc làm" do cuộc khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch gây nên sẽ rất nghiêm trọng. Dự kiến sẽ có hơn 200 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng rất cao so với các năm trước đó.

Theo đó, báo cáo kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ; việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.

Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau dịch Covid-19 tại phần lớn doanh nghiệp hiện mới chỉ đạt 60 - 70% so với nhu cầu doanh nghiệp.

"Thực tế, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế bị ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và mạnh, cùng với việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động là điều dễ hiểu.

Ngược lại, khi vaccine đã được triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu hồi phục, doanh nghiệp thực hiện việc tăng tốc sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn đến việc tăng cao nhu cầu lao động, việc thiếu hụt lao động cũng có thể xảy ra", ông Dũng cho biết.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, tính tới ngày 21/10, các doanh nghiệp điện tử phía Nam mới thu hút được khoảng 60 - 70% lao động quay trở lại làm việc. Chẳng hạn, các phân xưởng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11, nhưng vẫn gặp khá nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động trầm trọng. Một phần là do tỷ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cũng cho biết, đợt dịch vừa qua khiến 800 nhà máy trong khu công nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Đến ngày 22/10, 91% doanh nghiệp của khu công nghiệp đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, với 70% lao động trở lại làm việc, còn 100.000 lao động ở tỉnh xa chưa trở lại.

Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM, 60% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bắt đầu khôi phục sản xuất và đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 người lao động ở nhiều ngành nghề nhưng vẫn thiếu hụt nhiều.

Giáo dục nghề nhằm khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy sau Covid-19 - 2

Tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau dịch Covid-19 tại phần lớn doanh nghiệp hiện mới chỉ đạt 60 - 70% so với nhu cầu doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

Xây dựng 2 phương án cung ứng lao động

Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng, việc hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng là một trong những nội dung quan trọng. Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề đào tạo nghề nghiệp để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.

Trong Thư, Chủ tịch nước khẳng định: "Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia", đề nghị Quốc hội, Chính phủ; và các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động".

Phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng hai phương án cung ứng lao động qua đào tạo cung ứng cho thị trường hậu đại dịch.

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án. Phương án một là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500 nghìn học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp.

Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.

Theo đó, hai phương án trên có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 đang cần người lao động, cũng như đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo dục nghề nhằm khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy sau Covid-19 - 3

Việc đào tạo nghề nghiệp, góp phần khôi phục thị trường lao động, tìm lời giải góp phần tránh đứt gãy nguồn cung lao động sau Covid-19.

PGS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhìn nhận việc thu hút người lao động quay trở lại là bài toán của chính sách. Để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, một trong yêu cầu quan trọng nhất là người lao động quay trở lại sản xuất, điều này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

"Hiện nay, số lượng lao động quay trở lại chưa được 100%. Vậy một dấu hỏi cần xem xét tại sao lao động không quay trở lại được 100%, lý do vì sao", ông Toản đặt vấn đề.

Ông Toản cho rằng việc khôi phục lại hoạt động doanh nghiệp cần 4 chính sách, đó là lao động nhập cư; chính sách xã hội và an sinh xã hội; y tế phòng chống dịch và thích ứng đào tạo; đào tạo lại nguồn nhân lực.

Còn PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề Công tác Xã hội Việt Nam lại cho rằng về lâu dài, để nguồn nhân lực Việt đáp ứng các chuẩn mực của lao động toàn cầu, cần một đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp.

"Đề án này sẽ giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các chuyên gia có cái nhìn tổng thể về giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, có các kiến nghị về chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bài bản, Đồng thời, giúp giáo dục nghề nghiệp có thể đào tạo được những lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp".

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh: "Trong bối cảnh doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần doanh nghiệp để cho người học thực hành thực tập và nắm bắt nhu cầu để đào tạo; người học, người lao động cần việc làm, cần sinh kế.

Việc đào tạo nghề nghiệp, góp phần khôi phục thị trường lao động, tìm lời giải góp phần tránh đứt gãy nguồn cung lao động là một thách thức lớn và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, cần sự chung tay của tất cả các chủ thể".