"Đi theo con đường tự học của Bác" để đáp ứng phát triển trong kỷ nguyên số

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Ngày 18/5, Hội Khuyến học TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Đi theo con đường tự học của Bác" nhân dịp kỷ niệm lần thứ 132 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tới dự hội nghị có ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó trưởng phòng Các hội đoàn thể, Ban dân vận Thành ủy; ông Nguyễn Duy Thìn, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Đại học, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cùng lãnh đạo Hội khuyến học các quận huyện thị xã, Ban khuyến học của các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn.

Hội nghị đã nhận được gần 50 bài viết tham luận từ các đơn vị khuyến học thành viên, gồm các trường Đại học, Cao đẳng; các khối quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 10 báo cáo tham luận được trình bày trực tiếp.

Đi theo con đường tự học của Bác để đáp ứng phát triển trong kỷ nguyên số - 1
Các đại biểu tham dự hội nghị tọa đàm "Đi theo con đường tự học của Bác" (Ảnh: N.Liên).

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội chia sẻ, tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Đối với Bác, tự học là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.

Người nói: "Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được, không tiến bộ là thoái bộ, xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học tập thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình". Người còn dạy: "Học không bao giờ cùng, càng học càng tiến bộ, càng tiến bộ càng phải thấy học thêm".

Cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ là tấm gương sáng về tinh thần tự học, lấy tự học làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song, tự học của Bác không phải tùy ý mà đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật với những kế hoạch cụ thể, chặt chẽ; với ý chí và quyết tâm bền bỉ, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học.

"Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu. Muốn vậy, mỗi người phải học tập không ngừng, học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức, trong đó tự học qua máy tính, điện thoại, sách báo, cần gì học nấy, "học thường xuyên, học suốt đời" là điều rất quan trọng", bà Minh cho hay.

Đi theo con đường tự học của Bác để đáp ứng phát triển trong kỷ nguyên số - 2
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội phát biểu tại hội nghị (Ảnh: N.Liên).

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội nhấn mạnh, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành một trong số đất nước có nền kinh tế số đứng top đầu ASEAN, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết và tạo các điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự học trong nhân dân. Để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam phải trở thành xã hội học tập và "không còn con đường nào khác là mỗi người phải tự học và học suốt đời".

Thời gian qua, Hội khuyến học Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Kết quả cho thấy tinh thần học tập của mọi người được nâng lên; đa số các gia đình đều nhận thức được tầm quan trọng của sự học nên không ngừng đầu tư cho con cái học hành, bản thân người lớn cũng tìm mọi cách để học bằng nhiều hình thức.

Dưới sự chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam, Hội khuyến học Hà Nội đã lập kế hoạch, thực hiện tốt việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng các mô hình học tập, xây dựng công dân học tập, trong đó lấy tự học là một trong những nhân tố quyết định để bồi đắp trí tuệ, kiến thức, đáp ứng yêu cầu phát triển của chính bản thân và xã hội trong kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0.

"Tinh thần và ý chí tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo của dân tộc ta. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi tỏa sáng, dẫn đường cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện tự vươn lên trong học tập để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao", bà Minh chia sẻ.

Đi theo con đường tự học của Bác để đáp ứng phát triển trong kỷ nguyên số - 3
Bà Trần Thị Thanh Huyền, Hội Khuyến học quận Hoàn Kiếm phát biểu tham luận tại hội nghị (Ảnh: N.Liên).

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, hội nghị tọa đàm chủ đề "Đi theo con đường tự học của Bác" được tổ chức với mục tiêu giúp mỗi cán bộ khuyến học, mỗi hội viên khuyến học noi gương Bác Hồ về tinh thần học tập và tự học, tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Bà đề nghị các thành viên tham dự tọa đàm phát biểu ý kiến sôi nổi, trọng tâm, ngắn gọn và đi vào đúng chủ đề.

Trong khuôn khổ hội nghị, 10 bài tham luận được trình bày trực tiếp đã giúp hiểu thêm, nhận thức sâu hơn về tấm gương tự học của Bác, từ đó nâng cao ý thức trong việc học, có những bài học quý giá về phương pháp học. Bên cạnh đó, các bài tham luận cũng cho thấy nhiều cá nhân tập thể đã noi gương tự học của Bác để làm nên hiệu quả trong học tập, lao động, sáng tạo.

Đi theo con đường tự học của Bác để đáp ứng phát triển trong kỷ nguyên số - 4
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Hội khuyến học các quận huyện thị xã, Ban khuyến học của các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: N.Liên).

Một số bài tham luận tiêu biểu như: "Bác Hồ với công tác khuyến học, khuyến tài" của bà Nguyễn Thị Lệ Hải, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội; "Tự học khi tuổi đã cao" của ông Trịnh Văn Tiến, chi hội Khuyến học số 4, phường Phương Mai, quận Đống Đa; "Làm theo lời bác dạy: Còn sống thì còn phải học, sự học là suốt đời" của bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Đông Trù, xã Đông Hội, Đông Anh; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục" của ông Lê Thế Mừng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thường Tín,…