Covid-19 là cơ hội "ngàn năm có một" cho người trẻ về nước khởi nghiệp

Quang Trường

(Dân trí) - Các bạn trẻ ở Mỹ mang kĩ năng và kinh nghiệm quốc tế về nước, cùng với các bạn trong nước hiểu biết thị trường để khởi nghiệp. Đây là sự kết hợp hoàn hảo để tận dụng thời cơ mà Covid-19 mang lại.

Đó là gợi ý được TS. Trần Việt Hùng, TS. Vũ Duy Thức và GS. Vũ Ngọc Tâm - 3 diễn giả người Việt nổi tiếng về khởi nghiệp tại Mỹ chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo trực tuyến Hack4Growth Kick-off 2021 được tổ chức mới đây.

Đây là chương trình khởi động cho cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth tại Úc năm 2021. Cuộc thi được đồng tổ chức bởi Mạng lưới Thúc đẩy Khởi nghiệp Việt Nam tại Úc (SVF-AU) và Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Úc (NIC-AU).

Các diễn giả khách mời đã chia sẻ nhiều lời khuyên, kinh nghiệm thực tế đến những bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp.

Covid-19 là cơ hội "ngàn năm có một"

Tiến sĩ Trần Việt Hùng (Nhà sáng lập Got it - ứng dụng giáo dục đứng top 10 trên Apple App Store, Mỹ) cho rằng dịch bệnh Covid-19 là cơ hội ngàn năm có một để người trẻ về Việt Nam khởi nghiệp.

Covid-19 là cơ hội ngàn năm có một cho người trẻ về nước khởi nghiệp - 1
TS. Trần Việt Hùng là một trong số ít startup người Việt thành công tại Thung lũng Silicon, Mỹ.

"Việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ có triển vọng khá cao trong giai đoạn hiện tại ở Việt Nam. Vì nó đã bắt đầu được chấp nhận, tất cả nhờ sự đòi hỏi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Trong nguy có cơ, chúng ta phải chớp lấy cơ hội. Đội ngũ kỹ sư công nghệ và quản lý sản phẩm tại Việt Nam thì chưa nhiều, họ chưa sẵn sàng làm những sản phẩm công nghệ tầm cỡ để đi ra khỏi biên giới Việt Nam. Vậy đây là cơ hội cho các bạn có kinh nghiệm ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, trở về nước, kết hợp với các bạn trong nước hiểu biết thị trường.

Đây là sự kết hợp hoàn hảo để tận dụng cơ hội, trong khi các nước đang "giậm chân tại chỗ" vì Covid-19. Việt Nam có thể bước đi được mà không đi trước, đến khi các nước khác vực dậy sau Covid-19 thì mình sẽ mất cơ hội. Tôi cho rằng đây là cơ hội nghìn năm có một", TS. Trần Việt Hùng đánh giá.

Tiến sĩ Vũ Duy Thức (Giám đốc điều hành công ty OhmniLabs, chuyên sản xuất robot kết nối trực tuyến tại Thung lũng Silicon, Mỹ) cũng đánh giá Covid-19 là thử thách những cũng là cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp.

"Ở Việt Nam hiện nay có nhiều công ty có tiềm năng lớn, có thể thích nghi với thách thức của dịch bệnh để tập trung trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, chăm sóc sức khỏe…"

Anh Thức cho rằng tốc độ là lợi thế lớn nhất khi các bạn trẻ mở một công ty khởi nghiệp. Phải đưa sản phẩm ra thị trường càng sớm càng tốt, và không ngại vấn đề phản hồi của khách hàng.

Covid-19 là cơ hội ngàn năm có một cho người trẻ về nước khởi nghiệp - 2

"Tôi gặp nhiều bạn ngại không dám đưa sản phẩm ra thị trường vì sợ chưa hoàn thiện, sau đó sửa chữa những lỗi không cần thiết. Khi đó các bạn đã giải một vấn đề không trọng tâm. Nên đưa ra sản phẩm sớm để lấy phản hồi từ khách hàng và điều chỉnh theo, tránh chậm chân hơn các công ty khác.

Để thực sự đỡ mất thời gian khi phát triển một sản phẩm, thì phải theo dõi dữ liệu khách hàng và thị trường. Biết được khách hàng thực sự của mình ở đâu", anh Thức gợi ý.

Anh Hùng bổ sung thêm: "Mình phải xem sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường hay không. Đưa sản phẩm ra thị trường sớm để biết đâu là điều kiện để sản phẩm của mình thành công, hay khách hàng có cần không. Không làm được việc đấy thì tốt nhất đừng làm. Làm một công ty khởi nghiệp mà cẩn thận tính toán quá thì nhiều khi sẽ mất cơ hội".

Cách khởi nghiệp hiệu quả cùng cộng sự

Tiến sĩ Trần Việt Hùng cho rằng, các bạn trẻ khởi nghiệp thường có "cái tôi" lớn, dẫn đến thất bại.

Thứ nhất, để khởi nghiệp hiệu quả cùng cộng sự thì kĩ năng phải bổ sung được cho nhau, người giỏi kĩ thuật phải tìm người giỏi kinh doanh và ngược lại. Hai người không nên giỏi cùng một lĩnh vực.

Thứ hai, phải chịu đựng được nhau. Không có ai hoàn hảo cả. Đến khi khủng hoảng thì tính cách mỗi người sẽ thể hiện rõ nhất. Dành thời gian ngoài công việc để đi ăn tối, tham gia các hoạt động cùng nhau, thậm chí là ở chung nhà để xem có chịu được nhau không.

Thứ ba, các bộ phận trong công ty phải kết hợp tốt với nhau. Đặt ra mục tiêu trong từng quý và tất cả vì mục tiêu đó. Mỗi mảng làm việc gì phải phân chia cực kì rõ ràng. Khi đó mỗi người sẽ tự có nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu chung.

Việc phân chia lợi nhuận đôi khi gây ra những bất đồng không đáng có. Vì vậy người đi trước đôi khi nên nhường nhịn, chịu thiệt đi một chút.

Anh Thức chia sẻ thêm, một trong những cách để giữ chân cộng sự là cùng lắng nghe phản hồi của nhau, chia sẻ các giá trị, tầm nhìn liên quan đến phát triển sản phẩm. Khi có tiếng nói chung thì rất dễ giải quyết khủng hoảng.

Với chủ đề đổi mới sáng tạo trong các công ty khởi nghiệp. GS. Vũ Ngọc Tâm (Giảng viên Đại học Oxford, Anh; nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Earable, thiết bị đeo tai thông minh) nhận định rằng, đổi mới sáng tạo theo hướng mở đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu tại Việt Nam.

Covid-19 là cơ hội ngàn năm có một cho người trẻ về nước khởi nghiệp - 3
"Chúng ta đang sống trong một "thế giới phẳng", không chỉ "phẳng" về mặt vật lý mà còn là cách mọi thứ được vận hành. Các doanh nghiệp khởi nghiệp nên có tư duy mở để hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp khác để cùng tìm ra những giải pháp công nghệ mới.

Trước đây, khi các công ty có vấn đề gì, họ thường tự giải quyết. Còn hiện nay, họ đổi mới bằng cách kết hợp với các trường đại học để cùng giải quyết, tận dụng nguồn trí lực của những nhà nghiên cứu.

Ngược lại, các trường đại học cũng tìm kiếm những vấn đề khó ở công ty để mang vào trường giải quyết trong phòng thí nghiệm. Vấn đề khó mà công ty chưa giải quyết được thì để trường đại học làm.

Mối quan hệ 2 chiều này áp dụng tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, và các công ty khởi nghiệp của ta có thể tận dụng được", anh Tâm khẳng định.

Anh Lê Bá Nhật Minh, Trưởng BTC cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth tại Úc năm 2021 cho biết, cuộc thi diễn ra tới mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Úc, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua việc phát triển các dự án giải quyết những vấn đề xã hội đáng quan tâm.

Covid-19 là cơ hội ngàn năm có một cho người trẻ về nước khởi nghiệp - 4
Anh Lê Bá Nhật Minh, Trưởng BTC cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth tại Úc năm 2021.

Đây là năm thứ 2 cuộc thi được diễn ra. Thành công của năm trước là dự án SpaceHub lọt vào Top 10 dự án chung cuộc tại cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu, do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu thực hiện.