Con sắp thi vào lớp 10, mẹ căng thẳng đi khám tâm thần

Hoài Nam

(Dân trí) - Lo lắng việc con thi vào lớp 10 từ hai năm trước, đến khi con cuối cấp, chị Ng.T.Nh. ở TPHCM rơi vào căng thẳng, vừa phải đến viện tâm thần khám bệnh.

Mới đây, sau thời gian dài lo lắng, mất ngủ, chị Ng.T.Nh., ở thành phố Thủ Đức, TPHCM phải đến bệnh viện tâm thần khám tâm lý. Chị được chuẩn đoán bị rối loạn lo âu và phải sử dụng thuốc. 

Con sắp thi vào lớp 10, mẹ căng thẳng đi khám tâm thần - 1

Học sinh TPHCM trước giờ bước vào kỳ thi lớp 10 chuyên năm 2021 (Ảnh: N.P).

Người mẹ chia sẻ, từ lâu chị đã luôn bất an, lo lắng về việc con trai thi vào lớp 10, kỳ thi quá căng thẳng. Con chị học lực khá, gia đình không nghĩ đến tình huống con có rớt lớp 10, phải dừng đến trường theo cách thức thông thường nhất. 

Chị Nh. không dám nghĩ đến phương án con học trường tư thục hay nghề vì cả hai con đường này đều quá sức họ. Vợ chồng chị một người ăn lương Nhà nước, một người làm việc tự do, kinh tế chật vật không thể trang trải cho con học trường tư. Con trai chị 15 tuổi, đến nay cháu chưa hề xác định được lối đi cụ thể nào ngoài việc học phổ thông.

Chị và con phải cân nhắc, khổ sở với việc chọn nguyện vọng, đổi đi đổi lại bao nhiêu lần. Trường cao chút thì sợ không tới, trường đầu vào điểm các năm thấp thì xa nhà, môi trường phức tạp. Biết là chọn trường vừa sức nhưng thật ra, trước cuộc thi này chẳng ai dám chắc trường nào là vừa sức. 

Gần đây, khi con "chạy sô" học thêm, thức đêm, căng thẳng ôn thi, cả mẹ và con cùng rơi vào trạng thái mất ngủ, ăn không được... Tình trạng của chị trở nên nghiêm trọng khi thường xuyên run rẩy đổ mồ hôi, giảm cân không ngừng, mệt mỏi, chán chường hay nghĩ tiêu cực và dễ nổi giận. Lo sợ, tuần rồi chị đi đến viện tâm thần khám tâm lý. 

Học trò cân lên đặt xuống nguyện vọng lao vào ôn thi, còn cha mẹ rơi vào tình trạng căng thẳng là hoàn cảnh nhiều gia đình tại TPHCM có con chuẩn bị thi vào lớp 10. Anh Nguyễn Mạnh Trung, có con học lớp 9 ở quận Tân Bình cho biết gia đình đang như ở "chảo lửa". 

"Việc thi vào lớp 10 của con là nỗi lo lắng lâu nay, năm nay càng căng thẳng hơn với vợ chồng tôi khi con trải qua thời gian dài học online rất khó khăn. Cháu trở nên khó tập trung, tiếp thu bài kém, uể oải với việc học, từ học lực tốt cháu tụt dốc", ông bố bộc bạch. 

Con sắp thi vào lớp 10, mẹ căng thẳng đi khám tâm thần - 2

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lạc Hồng, quận 10, TPHCM giai đoạn chạy nước rút (Ảnh: Hoài Nam).

Cháu đã chọn nguyện vọng thấp hơn mong muốn trước đây mà vẫn không khỏi lo lắng. Đã vậy, còn phải tham khảo việc tổ chức dạy học các môn tự chọn theo chương trình mới ở trường THPT mà mình dự định đăng ký nên càng rối càng lo. 

Theo anh Trung, chỉ vào lớp 10 công lập, con anh và nhiều đứa trẻ 15 tuổi mới tiếp tục con đường học hành phù hợp nhất nhưng kỳ thi này quá khốc liệt. 

Chới với nếu rớt lớp 10

Tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM được xem là kỳ thi căng thẳng nhất của học sinh, áp lực được so sánh với cả kỳ thi đại học. Với chính sách phân luồng, nhiều năm qua thành phố chỉ tuyển 65-70% học sinh lớp 10 công lập nên muốn hay không, kỳ này còn mang tính may rủi. 

Trước và sau kỳ thi, nhiều gia đình, học sinh rơi trạng thái căng thẳng, chới với, bế tắc. 

Theo công bố của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2021-2022, thành phố tuyển 72.800 chỉ tiêu vào lớp 10 tại 114 trường công lập. Chỉ tiêu tăng gần 5.000 so với năm học trước nhưng không vì thế mà giảm cạnh tranh khi số học sinh lớp 9 là lứa "heo vàng" lại tăng vọt.

"Rộng cửa" khi rớt lớp 10 được nhắc đến nhiều là phương án học tư thục, giáo dục thường xuyên, học nghề... Nhưng cánh cửa đó không hề rộng vì thực tế nhiều học sinh, gia đình cho rằng việc "rẽ ngang" này là bất đắc dĩ. 

Con sắp thi vào lớp 10, mẹ căng thẳng đi khám tâm thần - 3

Nhiều học sinh lớp 9 chưa đủ hiểu về khả năng, thế mạnh của bản thân để chọn con đường khác ngoài việc học lớp 10 (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Với nhiều đứa trẻ, không vào lớp 10 công lập đồng nghĩa với việc bị loại ra khỏi "đường ray" học tập thông thường. Trường tư thục chỉ dành cho nhà khá giả, môi trường giáo dục thường xuyên bị nhìn nhận "còn nhiều vấn đề"; học nghề là con đường nhiều em lựa chọn nhưng không phải ai cũng xác định được thế mạnh, sở thích.

Con đường học nghề chênh vênh, không ít trường nghề "rơi rụng" học sinh, các em bỏ học. Ông Lê Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Á trăn trở, nhiều trường nghề ngại tuyển học sinh lớp 9. Nhiều em hụt hẫng, chới với không xác định được sở thích, vào rồi bỏ học. Học sinh sau lớp 12 học nghề có thể bền vững hơn, ít bỏ ngang.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Phát triển nguồn nhân lực và Hướng nghiệp Jobway đánh giá, hàng năm khoảng 30.000 học sinh lớp 9 tại TPHCM không thể vào lớp 10 sẽ làm phụ huynh đau đầu, ám ảnh.

Ông An cho rằng, phụ huynh đang chưa đủ hiểu con mình, kích thích các em khám phá thế mạnh bản thân, nhiều em chỉ biết học và được đánh giá qua điểm số. TS Hòa An nhấn mạnh, việc phân luồng cần đi cùng nhiều hoạt động, chương trình giáo dục giúp học sinh khai phá xu hướng, khả năng của mình, không phải đánh giá thông qua điểm các môn văn hóa mà qua nhiều hoạt động khác.