Chàng trai 9X khuyết tật hai chân nỗ lực lấy bằng tiến sĩ

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Yi Xiaoyuan đã ngồi xe lăn suốt 25 năm nhưng không ngừng theo đuổi con đường học tập và mong muốn được đối xử như mọi người bình thường.

Sinh năm 1991 ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Yi có một tuổi thơ hạnh phúc, cho đến năm 6 tuổi, Yi có triệu chứng chán ăn và bắt đầu có những cơn sốt cao. Hai năm sau, bác sĩ chẩn đoán Yi mắc bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên thể hệ thống (systemic juvenile idiopathic arthritis - sJIA).

Do phát hiện bệnh muộn nên Yi đã lỡ cơ hội vàng để điều trị. Kết quả là khi xuất viện, Yi nhận được thông báo rằng sẽ không bao giờ có thể đứng thẳng hay đi lại được nữa.

Việc này khiến Yi từng có ý định tự tử. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, chăm sóc của bố mẹ, Yi đã không cúi đầu trước số phận nghiệt ngã. Yi bắt đầu học tiểu học vào năm 1999. 

Đến năm 2005, bệnh tình của Yi trở nặng, khiến anh buộc phải tạm dừng việc học. Những khó khăn, bất hạnh liên tiếp ập đến nhưng Yi vẫn nỗ lực để tiếp tục theo đuổi con đường học hành.

Năm 2012, anh được nhận vào Đại học Thanh Hoa nhờ thành tích tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (cao khảo).

Yi kể: "Mẹ cùng đến trường đại học để tiện chăm sóc tôi. Mẹ là người tôi mang nợ nhiều nhất. Bà luôn chuẩn bị xong xuôi mọi thứ trước khi tôi thức dậy và đẩy xe lăn đưa tôi đến lớp. Vào buổi tối, mẹ không bao giờ đi nghỉ trước mà luôn đợi tôi chìm vào giấc ngủ".

Chàng trai 9X khuyết tật hai chân nỗ lực lấy bằng tiến sĩ - 1

Yi và mẹ chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (Ảnh: China Daily).

Nhờ sự chăm sóc của mẹ, Yi toàn tâm học hành, lấy được bằng thạc sĩ ngành Kỹ thuật Máy tính. Năm 2021, anh xuất sắc nhận tấm bằng tiến sĩ.

Trong thời gian học đại học, anh đã phát triển một hệ thống mang tên Jiuge, có khả năng tự động tạo ra các bài thơ bằng tiếng Trung. Đồng thời anh cũng tham gia hội sinh viên để giúp nâng cao nhận thức về các phương tiện có thể kết nối cùng bạn bè đồng trang lứa.

Mặc dù có thành tích học tập xuất sắc nhưng Yi lại thiếu tự tin khi tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

"Thật ra, tôi đã không đề cập tới tình trạng khuyết tật của mình trong hồ sơ xin việc. Tôi chỉ nói với các công ty về tình trạng thể chất của mình khi họ có vẻ sẵn sàng tuyển dụng", Yi chia sẻ và lo ngại anh sẽ được đánh giá bởi việc khuyết tật thay vì năng lực. Yi cũng cho rằng, những người khuyết tật khó có được sự công bằng trong thị trường việc làm.

Anh thở dài: "Tôi nhớ rằng tôi đã gửi 6 hồ sơ xin việc và nhận được 3 lời đề nghị, nhưng một trong số đó đã do dự sau khi biết về tình trạng thể chất của tôi".

Tháng 8/2021, Yi đã nhận lời làm nhà nghiên cứu cho một công ty điện toán xã hội, thuộc Viện nghiên cứu cơ bản của Microsoft khu vực châu Á tại Bắc Kinh.

"Mẹ vẫn đồng hành cùng tôi và tôi hài lòng với nơi làm việc của mình. Tôi đã nhận được sự quan tâm và tôn trọng tại đây. Tôi mất khoảng 15 phút để di chuyển từ nhà đến công ty với quãng đường khoảng 1km, đây không phải là rào cản gì cả", Yi cho hay.

Yi cũng kể thêm, anh đang tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, cụ thể là về ngôn ngữ. Anh hy vọng kết quả nghiên cứu của mình sẽ giúp thúc đẩy việc xây dựng một xã hội không rào cản trong tương lai.

"Chúng tôi - những người khuyết tật cũng chỉ muốn được đối xử như những người bình thường", Yi tâm sự.

Yi Xiaoyuan mong ước rằng một ngày nào đó anh có thể tự chăm sóc bản thân để mẹ anh có thể trở về Vân Nam đoàn tụ với các thành viên khác trong gia đình.

Theo www.chinadaily.com.cn