Gia Lai

Cảm phục nghị lực cậu bé khuyết tay, chân đam mê chơi bóng đá

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Dù khuyết tật khi mất hai tay và một chân nhưng Đức (12 tuổi) vẫn ước ao được chơi đá bóng. Vượt qua sự đau đớn khi tập luyện, em đã khoác lên mình bộ áo số để chơi cùng các bạn.

Chiều ngày thứ ba hàng tuần, sân bóng mini Hai Hòa (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) lại xuất hiện một cậu bé đặc biệt đang vui đùa với trái bóng tròn. Người đó chính là em Đức (SN 2009, trú tại làng Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Cậu bé có nước da màu bánh mật, cao hơn một mét. Từ khi sinh ra, em đã bị khuyết tật khi mất đi hai cánh tay và một chân. Phần xương tay của em chỉ kéo dài đến khủyu tay, còn phần chân trái cũng chỉ kéo dài đến đầu gối. 

Trước sự hò reo, cổ vũ của người dân trong làng, em Đức khập khiễng bước vào giữa sân để khởi động. Người dân làng Tiêng đã quen với tài năng của Đức. Tuy nhiên, nhiều người lần đầu chứng kiến đều không thể tin được nghị lực của cậu bé người Jrai này.

Cảm phục nghị lực cậu bé khuyết tay, chân đam mê chơi bóng đá - 1
Mỗi chiều thứ 3, Đức lại được mẹ chở đến sân bóng để chơi bóng cùng các bạn.

Khi ánh nắng chiều dịu lại, hai giáo viên bắt đầu hướng dẫn cho những cầu thủ nhí khởi động, chia từng cặp để tập chuyền bóng qua lại. Sau màn khởi động, Đức cùng các bạn bước vào màn đấu chính thức. Dù thua thiệt về thân hình nhưng Đức tỏ ra không yếu thế trước đối thủ.

Khi có bóng, giữa vòng vây đội áo đỏ, Đức dùng gối để di chuyển, chân phải lừa bóng, xoay người và tung ra những cú căng nhất có thể. Nhiều người có mặt chứng kiến điều ngỡ ngàng trước màn trình diễn của cậu bé mới được "chiêu mộ" này.

Bên ngoài sân, bà Khước (40 tuổi, mẹ của Đức) đang dõi theo từng động tác của Đức. Thấy con vấp ngã, bà Khước liền vào hỏi "con có sao không". Đức đứng dậy nhanh và lắc đầu cười.

Cảm phục nghị lực cậu bé khuyết tay, chân đam mê chơi bóng đá - 2
Dù khuyết tật nhưng Đức vẫn thể hiện tài năng bóng đá trên sân cỏ.

Vừa xem con trai đá bóng, bà Khước tâm sự, 12 năm trước trong một đêm mưa bão bà đã trở dạ sinh ra Đức. Trong bóng tối lờ mờ của căn phòng, nhìn thấy cái hình hài không nguyên vẹn của con, người mẹ ngất xỉu. Bố Đức chán nản, rượu chè bê tha và bỏ đi một tháng sau đó.

Mặc cho những lời nói của hàng xóm, bà vẫn chăm Đức khôn lớn. Một mình bà bươn chải làm thuê để nuôi 4 người con (3 trai, một gái). Đức là con út trong gia đình. Người anh cả của Đức đã lên 30 tuổi nhưng bị câm điếc bẩm sinh, 2 anh chị kế sinh đôi may mắn lành lặn. Tuổi thơ của Đức là chuỗi ngày buồn bã, đơn độc.

Thương con, bà Khước tìm mọi cách đưa con đến trường, nhưng không ai nhận. "Ở nhà, cậu bé dùng những ngón chân tập viết. Lên 7 tuổi, Đức bắt đầu tập tành chơi bóng đá. Có nhiều lần chơi bóng, cậu ngã khiến đầu gối và chân sưng tấy, nhưng vừa khỏi lại tiếp tục ra sân", bà Khước bộc bạch.

Không có tiền mua bóng, chiều chiều cậu bé nghèo lại đạp xe ra bãi đất trống giữa làng rồi đợi bạn mang bóng đến đá để chơi ké. Trên dù đá trên mặt sân nào nhưng Đức luôn tự tin đảm nhiệm vai trò vị trí tiền đạo. Có hôm cậu ghi được ba bàn và năm lần kiến tạo. "Em thích Ronaldo, em muốn trở thành cầu thủ để được chơi bóng đá.", Đức nói.

Cảm phục nghị lực cậu bé khuyết tay, chân đam mê chơi bóng đá - 3
Đức ước mơ sẽ thành một cậu thủ để được chơi bóng mỗi ngày.

Tuần trước, Đức theo đám bạn trong làng lên sân bóng mini xã Biển Hồ, cách nhà khoảng 2 km, ngồi xem đá bóng. Thấy cậu bé khuyết tật có vẻ thích thú với trái bóng, anh Phan Đức Vinh cho Đức vào đá với những học trò của mình.

Trong "trận đấu" mở màn, Đức giành bóng, lừa bóng và dứt điểm không hề thua kém những đứa trẻ bình thường. Thậm chí, hôm đó cậu ghi được một bàn thắng cho đội nhà.

Đó là lần đầu tiên Đức được chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo, có ánh điện sáng trưng, khung thành căng lưới.... Đây là sân chơi mà cậu bé nghĩ không dành cho mình.

Biết được hoàn cảnh của Đức, anh Vinh đã tìm về tận nhà để nói phụ huynh cho em đến sân tập bóng vào các chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Riêng Đức sẽ được dạy đá bóng miễn phí để em được thỏa sức đam mê. 

Theo anh Phan Đức Vinh - quản lý sân bóng mini Hai Hòa chia sẻ: "Ban đầu, khi thấy Đức vậy ai cũng nghĩ em đi lại còn khó khăn, chứ không dám nghĩ em đá bóng được. Khi thấy được nghị lực, đam mê của Đức tôi đã nói với gia đình để cho em đến học để em được hòa nhập, vui chơi".