Lễ hội ở Bình Định - nét đặc sắc văn hóa đất miền Trung

Trường Thịnh

(Dân trí) - Lễ hội Chợ Gò Bình Định là một trong "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam" được ghi nhận bởi trung tâm sách kỷ lục Việt Nam. Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của người dân miền đất võ Bình Định.

Lễ hội ở Bình Định - nét đặc sắc văn hóa đất miền Trung - 1
Khám phá lễ hội Bình Định - Lễ hội Cầu Ngư (Ảnh: Du lịch tầm nhìn Việt).

Bình Định may mắn là mảnh đất miền Trung sở hữu hệ thống lễ hội phong phú, bao gồm cả lễ hội tập tục, lễ hội làng nghề, lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo… Các loại hình lễ hội này vốn tồn tại lâu đời và trở thành tài sản vô cùng quý giá của Bình Định trong việc giáo dục, bồi dưỡng tinh thần cho con cháu thế hệ sau. Những con người ở đây, hôm nay vẫn cùng nhau gìn giữ và phổ biến đến du khách khắp nơi trong nước và thế giới.

Hệ thống lễ hội ở Bình Định

Lễ hội mang tính tập tục vốn có trong đời sống quần chúng từ thuở khai thôn lập ấp, có vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, xây đắp niềm tin đồng thời là sân chơi bổ ích cho nhân dân địa phương và du khách bốn phương. Các lễ hội mang tính nổi tiếng vẫn được duy trì thường niên như lễ hội chợ Gò, lễ hội Đổ Giàn, lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi…

Lễ hội làng nghề là nơi để tìm về tinh hoa các nghề truyền thống của miền đất võ. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh nghề quý của nhân dân địa phương đồng thời thể hiện ước vọng của người Bình Định về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp thế hệ sau thể hiện sự tự hào và ghi nhớ công ơn của các bậc tổ nghề đã tạo nên nghề quý. Bình Định có các lễ hội làng nghề như: Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh, lễ hội cầu ngư của cư dân vạn chài Nhơn Hải…

Lễ hội lịch sử ở Bình Định thường do nhà nước tổ chức nhằm ôn cố tri tân, nhắc nhở thế hệ sau về công lao vĩ đại của cha anh trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Trải qua trường kỳ lịch sử, các lễ hội lịch sử vẫn luôn là hoạt động cộng đồng hấp dẫn và thu hút nhiều tầng lớp dân cư. Những lễ hội lịch sử tiêu biểu như: Lễ hội Đống Đa, lễ hội kỷ niệm chiến thắng đèo Nhông, Dương Liễu,

Lễ hội tôn giáo ở Bình Định khá phong phú với nhiều hoạt động diễn ra liên tục trong năm. Tham gia các lễ hội tôn giáo không chỉ người dân có đạo mà quy tập cả cộng đồng. Lễ hội tôn giáo góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân địa phương đồng thời nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, đạo đức của con người. Các lễ hội tôn giáo tiêu biểu như: Lễ hội chùa ông Núi, lễ hội chùa bà Nước mặn, Lễ hội thường niên như Nô-en, Phật đản, Vu lan…

Trao gửi ước vọng cuộc sống viên mãn về vật chất lẫn tinh thần, lễ hội ở Bình Định vẫn là nơi quy tụ đông đảo nhân dân và du khách bốn phương. Theo thời gian, hệ thống lễ hội ở miền đất võ vẫn luôn được gìn giữ và phát huy nhiều giá trị trong nhiều hoạt động của đời sống, trong đó có du lịch.

Các lễ hội tiêu biểu phục vụ du lịch ở Bình Định

Lễ hội Đống Đa

Lễ hội ở Bình Định - nét đặc sắc văn hóa đất miền Trung - 2
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng trận Ngọc Hồi Đống Đa (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định).

Hòa trong không khí mùa xuân ấm áp đất trời, người dân Bình Định và du khách thập phương nô nức trẩy hội Đống Đa, Tây Sơn. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào mùng 4, mùng 5 tháng Giêng tại bảo tàng Quang Trung, thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, tỉnh Bình Định. Lễ hội được tổ chức trên mảnh đất quê nhà của Quang Trung, Nguyễn Huệ nhằm tưởng nhớ chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn trước 2 vạn quân Thanh. Lễ hội Đống Đa từ lâu đã trở thành nơi vui chơi đầu năm của người dân địa phương và cả du khách có dịp đến Bình Định trong dịp xuân về. Trong dòng người nô nức kéo về lễ hội ấy, đa số họ đều có chung một niềm tự hào về lịch sử ông cha và cùng ao ước cho trang sử hào hùng ấy sẽ được viết tiếp ở thế hệ tiếp sau.

Lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi

Trên khúc sông Gò Bồi, quê hương của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, thuộc thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định, vào ngày mùng 2 tết hàng năm luôn sôi động, rộn ràng đón du khách gần xa đến với lễ hội đua thuyền truyền thống. Lễ hội đua thuyền được tổ chức nhằm cầu mong một năm đi biển bội thu, thuận lợi, bình an cho ngư dân, thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, thượng võ của người dân Bình Định. Lễ hội đã mang đến niềm vui, gửi gắm những bài học có giá trị cho tất cả mọi người tham gia, từ người thi đến người xem.

Lễ hội ở Bình Định - nét đặc sắc văn hóa đất miền Trung - 3
Lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (Ảnh: vinagrouptravel).

Lễ hội chùa Bà Nước Mặn

Chùa Bà Nước Mặn là một trong những ngôi chùa lâu đời ở mảnh đất miền Trung này. Hàng năm, đến 29 tháng Giêng, âm lịch, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định lại tưng bừng khai hội chùa Bà. Du khách thập phương đổ về đây để tham dự lễ hội gắn liền với sự hình thành đô thị Nước Mặn, cầu mong một năm mới bình an, phước lành. Du khách đến lễ đều truyền tụng nhau về sự linh thiêng của ngôi chùa. Đặt biệt đối với những người muốn cầu phúc thừa tự. Lễ hội chùa Bà luôn thu hút vô cùng đông đảo du khách. Trải qua thời gian, lễ hội chùa Bà là nơi gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa lâu đời từ thế hệ trước đến thế hệ sau.

Lễ hội làng Rèn Tây Phương Danh

Làng Phương Danh nằm ngay tại trung tâm thị trấn Đập Đá. Cách Quy Nhơn khoảng 25 km về hướng Bắc. Nếu có dịp đến làng nghề vào dịp hội làng ngày 12/12, bạn sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội. Lễ hội làng rèn là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của một làng nghề truyền thống với tuổi đời hơn 300 năm này.

Lễ hội ở Bình Định - nét đặc sắc văn hóa đất miền Trung - 4
Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh (Ảnh: focusasiatravel.vn).

Đến lễ hội, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế tổ nghề, chơi các trò chơi dân gian như kéo co, đập ấm, nhảy bao bố, thi hát, xem hát tuồng… Lễ hội là cái Tết riêng của làng nghề, rất có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người dân.

Lễ hội Chợ Gò

Lễ hội Chợ Gò diễn ra hàng năm vào sáng sớm mùng một Tết Nguyên đán, tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Để nhân dân vui chơi, binh lính thư giãn sau tháng ngày vất vả chiến tranh, hoàng đế Quang Trung ra chỉ dụ mở hội vui xuân. Lễ hội Chợ Gò được tổ chức tại bãi đất trống rộng dưới chân núi Trường Úc. Phiên chợ diễn ra từ sáng sớm với nhiều gian hàng bán các sản vật của địa phương như vôi, muối, cá, tôm, cau trầu… Người bán người mua đều không mặc cả, chèo kéo… Phiên chợ diễn ra trong không khí yên tĩnh, thiêng liêng cùng niềm tin về những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Lễ hội Chợ Gò là nét văn hóa đặc sắc của người dân đất võ, đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xếp vào "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam".

Lễ hội cầu ngư

Ở hầu hết các địa phương ven biển của Bình Định đều có lễ hội cầu ngư. Nhằm cầu mong một năm đi biển yên bình, sung túc, vào dịp đầu năm người dân vạn chài Bình Định đều hoan hỉ, trang trọng tổ chức lễ hội. Lễ hội diễn ra ở lăng ông Nam Hải, nơi cải táng, thờ cúng vị thần biển, Đức ông cá voi. Bình Định có khoảng 15 lăng ông, nơi hàng năm quy tụ đông đảo ngư dân đến kính lễ. Lễ hội gồm hai phần: Lễ nghinh và khởi ca. Lễ nghinh trang trọng rước Đức ông cùng những vong linh chết biển, chết sông về nơi yên nghỉ. Khởi ca gồm các hoạt động múa hát bả trạo, đua thuyền, bơi lội… Hiện nay, ở phường Hải Cảng, Trần Phú, xã Nhơn Hải, xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn), Đề Gi (Mỹ Thành, Phù Mỹ)… người dân đi biển vẫn duy trì lễ hội hàng năm với niềm tin thiêng liêng, bất biến.

Hệ thống lễ hội ở Bình Định đã được nhân dân gìn giữ từ lâu đời. Đó là giá trị văn hóa của người dân miền biển đã được tôn tạo và phát triển qua bao thời gian. Vừa là dịp gặp gỡ giao lưu của bà con địa phương đồng thời là nơi kết nối, phổ biến văn hóa với du khách gần xa. Nếu có dịp đến với Bình Định trong thời điểm mùa xuân ấm áp bạn hãy dành chút thời gian để tìm hiểu những lễ hội đặc sắc, sôi động này nhé!