Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử

Toàn Vũ

(Dân trí) - Chị Trần Thị Ngọc (40 tuổi) đã có 20 năm làm công việc mà nhiều người nghe thấy đã "sởn da gà", đó là chăm sóc cho đàn mãnh thú hổ, sư tử, gấu…

Hơn 20 năm qua chị Trần Thị Ngọc (40 tuổi, nhân viên vườn thú Công viên Thủ Lệ, Hà Nội) đã gắn bó với công việc làm "bảo mẫu" cho hàng chục con thú dữ. Những mãnh thú này có thể khiến nhiều người e sợ nhưng với chị Ngọc, chúng vẫn được chăm bẵm, vuốt ve như "em bé".

Chị Ngọc đặt tên thân mật cho từng con gấu, hổ, sư tử và mỗi ngày đều gọi chúng bằng cái tên thân mật đó.

"Bống ơi, ra ăn nào!". Cứ gọi vậy là bạn hổ này biết ra liền", chị kể.

Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử - 1

Chị Trần Thị Ngọc đang ngồi trước cửa chuồng hổ.

Chị Ngọc cho biết, hơn 20 năm nay, công việc của chị là tắm rửa và cho những chú hổ, sư tử, gấu ở trong công viên ăn. Những lúc có thời gian chị lại ngồi vuốt ve bắt rận cho chú sư tử nặng hơn 200 kg.

Vốn yêu động vật nên chị Ngọc mới bén duyên với nghề chăm sóc thú. Thế nhưng, ngày đầu chập chững vào nghề, chị không giấu nổi nỗi e sợ trước những con thú to lớn, gầm gừ. 

"Các anh chị đi trước giúp mình làm quen dần dần để vơi bớt nỗi sợ đó đi. Lâu dần, mình nhận ra, chúng không hung dữ đến vậy. Gắn bó lâu dài, chúng cũng có tình cảm với mình", chị tâm sự.

Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử - 2

Những con mãnh thú cũng có tình cảm giống như con người.

"Nhưng chúng đều là động vật ăn thịt nên có bản năng hoang dã. Chúng tôi phải rất cẩn thận" chị Ngọc cho hay.

Trong những tháng năm làm nghề của mình, chị Ngọc cho biết đã chăm sóc một chú sư tử từ khi mới sinh và đặt tên là Chăm. Khi chú sư tử Chăm ra đời thì mẹ đã chết nên từ đó chị và đồng nghiệp thay nhau săn sóc, cho Chăm ăn uống.

Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử - 3

Chú sư tử Tên Chăm "âu yếm" nhìn chị Ngọc.

Thời gian đầu khi chú sư tử Chăm còn bé, chị phải bón từng thìa sữa nhỏ. "Nuôi mãnh thú khi còn nhỏ cũng như kiểu chăm con nhỏ vậy, khi chúng bỏ ăn cũng phải dỗ dành tìm cách cho ăn. Có những hôm Chăm không ăn tôi phải nịnh vuốt ve, âu yếm để cho ăn", chị Ngọc chia sẻ.

Suốt quãng thời gian hơn 3 năm gắn bó với chú sư sử Chăm, chị coi chú sư tử này như người thân của mình. Hàng ngày mỗi khi đến, chị đều chạy vào "nhìn mặt" chú sư tử đáng yêu này rồi mới bắt đầu các công việc hàng ngày.

"Nuôi chú sư tử Chăm này từ nhỏ nên nó rất tình cảm, tôi đi đâu là nó đều muốn đi theo. Nhiều khi mình cố tình trốn nó, nó cũng kêu lên như đang gọi tìm mình" chị Ngọc chia sẻ thêm.

Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử - 4

Hai chú hổ được đặt tên riêng.

Ngoài chú sư tử Chăm ra chị còn chăm sóc hai chú hổ được đặt tên là Bống, Bi. Hai chú hổ này được đưa đến Công viên Thủ Lệ khi 4 tháng tuổi và nặng khoảng 12kg.

"Lúc đầu hai chú hổ này dữ lắm không cho chúng tôi đến gần. Tôi phải kiên nhẫn vuốt ve, âu yếm rất lâu 2 bạn ấy mới quen. Tôi cho 2 bạn ấy tập bú bình, tìm cách kích thích đi vệ sinh... Chăm sóc các bạn ấy như chăm con mình vậy", chị tâm sự.

Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử - 5

Sáng nào chị Ngọc cũng qua thăm chúng trước khi bắt đầu vào một ngày làm việc.

"Tôi vẫn thường xuyên vuốt ve chúng mỗi khi rảnh rỗi. Sáng nào hai chú hổ cũng mừng khi thấy tôi".

Thế nhưng, trên người chị Ngọc cũng có không ít những vết cào, cắn còn sót lại trong quá trình chăm sóc, chơi đùa cùng thú dữ.

"Do chúng có kích thước lớn nên mỗi khi chơi đùa, cái "cắn yêu" của chúng cũng có thể làm bầm tím khắp người tôi. Nhiều khi tôi vừa tới là chúng nhảy bổ vào lòng đòi xoa đầu, xoa lưng", chị kể. "Thương lắm nên nhiều khi cũng bầm tím tay chân mà vẫn vui".

Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử - 6

Chú hổ Bi là "con cưng" của chị Ngọc.

Mỗi ngày, chị Ngọc đều đặn cho các "thú cưng" ăn 2 bữa/ngày, dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ. Ngày nắng nóng, chị tận tay tắm rửa cho chúng.

Lạ lùng người phụ nữ 20 năm tắm cho hổ, bắt rận cho sư tử - 7

Ngoài nuôi hổ và sư tử chị Ngọc còn chăm sóc gấu.