Cơ hội để Đắk Nông quảng bá hệ thống hang động núi lửa

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (Hội nghị ISV20) do Đắk Nông đăng cai tổ chức, diễn ra ngày 21-26/11. Đây là cơ hội để tỉnh quảng bá hình ảnh công viên địa chất toàn cầu.

Sẵn sàng cho Hội nghị ISV20

Huyện Krông Nô là vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. Đây sẽ là nơi diễn ra một số hoạt động chính như tham quan thực địa, giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc trong khuôn khổ của Hội nghị ISV20.

Trong thời gian qua, địa phương này đã khảo sát, tu sửa toàn bộ các tuyến đường đi vào các hang C3, C4, C6.1, C8, C9, P8 và cụm hang P11.

Theo đánh giá, 7 hang động nói trên là những hang tiêu biểu trong hệ thống hang động núi lửa trên địa bàn huyện. Việc các chuyên gia và Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông lựa chọn để thực hiện khảo sát, sẽ giúp cho khách tham quan có cơ hội tận mắt chứng kiến vẻ đẹp tự nhiên cũng như giá trị khoa học của hang động núi lửa.

Cơ hội để Đắk Nông quảng bá hệ thống hang động núi lửa - 1

Hang động núi lửa K rông Nô nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Ảnh: M.H)

Theo Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, để bảo đảm cho hội nghị ISV20 diễn ra thành công, mọi công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến tiếp đón được tỉnh Đắk Nông tích cực triển khai từ nhiều tháng qua. Hiện tại, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.

Đa phần các đại biểu tham dự Hội nghị ISV20 sử dụng ngôn ngữ chủ yếu bằng tiếng Anh nên tỉnh huy động trên 50 người làm trong tổ phiên dịch. Đội ngũ phiên dịch viên và tình nguyện viên được tập huấn các kiến thức cơ bản về hội nghị ISV20 và có thể xử lý các tình huống trong quá trình thuyết minh tại hội nghị.

Cơ hội cho Đắk Nông

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, Hội nghị ISV20 diễn ra tại Đắk Nông có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tỉnh, với Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông mà còn là hoạt động đối ngoại của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hội nghị ISV20 sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế về hệ thống hang động núi lửa có giá trị khoa học mang tầm quốc tế của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

"Đây còn là dịp để các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu hơn, bao quát hơn về các giá trị di sản nói chung và di sản địa chất nói riêng. Hội nghị ISV20 còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của hệ thống hang động núi lửa, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.

Cơ hội để Đắk Nông quảng bá hệ thống hang động núi lửa - 2
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá vai trò của Hội nghị ISV20 (Ảnh: T.H).

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, việc tổ chức hội nghị ISV20 còn thể hiện quyết tâm của địa phương này trong việc bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và là tiền đề quan trọng để Đắk Nông chuẩn bị cho việc tái thẩm định danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vào năm 2023.

"Hội nghị ISV20 là cơ hội thuận lợi để Đắk Nông quảng bá hình ảnh, nâng vị thế của mình trên trường quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Hội nghị, tạo cơ sở để chúng tôi phát huy những giá trị của hang động núi lửa trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn gìn giữ di sản, phát triển du lịch", bà Hạnh nói.

Hội nghị ISV là một hoạt động quan trọng nhất của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa (UIS-CVC) được tổ chức 2 năm một lần, nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên trong lĩnh vực này.

Hội nghị ISV lần đầu tiên được tổ chức tại quần đảo Hawaii vào năm 1972. Tiếp đó, các quốc gia đã đăng cai ISV trong những năm gần đây gồm: Ecuador (quần đảo Galapagos), Tây Ban Nha (quần đảo Canary), Hàn Quốc, Jordan, Australia, Iceland và Mỹ (Hawaii và California); gần đây nhất là Hội nghị ISV lần thứ 19 được tổ chức tại Ý vào tháng 8/2021.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị ISV được tổ chức tại Việt Nam.