Sự sụp đổ của "làng tỷ phú" giàu nhất Trung Quốc, nơi ai cũng ở biệt thự

Huy Hoàng

(Dân trí) - Từng "nổi lên" là ngôi làng được mệnh danh "giàu nhất Trung Quốc", nơi ai cũng có biệt thự để sống, xe sang để đi, nhưng nay mọi chuyện đã khác.

Chuyện về "làng tỷ phú" từng giàu nhất Trung Quốc

Hoa Tây nằm trên tổng diện tích khoảng 96ha, thuộc phía đông Trung Quốc, từng được mệnh danh là ngôi làng giàu có nhất nước này. Ngôi làng thuộc thành phố Jiangyin của tỉnh Giang Tô, nơi ven biển được biết tới với nguồn tài nguyên nông nghiệp dồi dào và cảnh quan đặc sắc. 

Nằm cách thành phố Thượng Hải chừng 2 giờ lái xe về hướng tây bắc, cố Bí thư Đảng ủy Hoa Tây, ông Wu Renbao là người có công đầu trong công cuộc xây dựng ngôi làng trở nên giàu có.

Sự sụp đổ của làng tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, nơi ai cũng ở biệt thự - 1
Trâu vàng nặng 1 tấn, biểu tượng của sự thịnh vượng của ngôi làng giàu có (Ảnh: Nikkei).

Sau cải cách mở cửa của Trung Quốc, Hoa Tây nắm bắt cơ hội để phát triển ngành công nghiệp sắt thép, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Vào những năm đầu thế kỷ 21, tập đoàn Hoa Tây sở hữu hơn 100 công ty gồm nhiều lĩnh vực như sắt thép, kim loại màu, thuốc lá và bất động sản.

Theo số liệu năm 2004, tổng thu nhập bình quân hàng năm của người dân địa phương đạt 122.600 nhân dân tệ (khoảng 425 triệu đồng). Con số này gấp 42 lần thu nhập trung bình của một nông dân và gấp 13 lần mức lương bình quân của cư dân thành thị ở Trung Quốc thời điểm đó.

Nhằm thể hiện sức mạnh kinh tế, ngôi làng thậm chí chi ra 3 tỷ nhân dân tệ xây tòa nhà chọc trời 72 tầng của riêng mình vào năm 2011. Công trình ấn tượng thậm chí cao hơn tháp Eiffel ở Paris hơn 4m, cao hơn 18m so với tháp trung tâm London.

Sự sụp đổ của làng tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, nơi ai cũng ở biệt thự - 2
Khách sạn Long Wish nằm sừng sững giữa làng (Ảnh: AFP).

Biểu tượng sự thịnh vượng của Hoa Tây còn phải kể tới khách sạn quốc tế 5 sao Long Wish, gồm 826 phòng với 16 phòng kiểu Tổng thống và 1 phòng Tổng thống "cấp vàng", được xây dựng ở khu vực trung tâm của làng. Trong khuôn viên khách sạn có bức tượng trâu trọng lượng một tấn, trị giá 43,5 triệu USD. Nhờ đó, làng thu hút nguồn lợi nhuận không nhỏ từ du lịch.

Sự sụp đổ của làng tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, nơi ai cũng ở biệt thự - 3
Người dân làng còn có dịch vụ taxi bằng máy bay trực thăng (Ảnh: Li Gen).

Hoa Tây còn phô ra vẻ hào nhoáng qua những công trình mô phỏng nhiều bản sao điểm du lịch nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành… Một bảo tàng trưng bày 800 di tích cổ được thiết kế giống với bảo tàng cung điện hàng đầu của Trung Quốc.

Có thể nói, từ một làng nghèo thuần nông, Hoa Tây đã trỗi dậy và "lột xác" ngoạn mục, biến thành khu phức hợp hàng tỷ USD. Cư dân địa phương có mức sống rất cao, ở biệt thự, thậm chí còn có dịch vụ taxi bằng máy bay trực thăng.

Sự sụp đổ

Năm 2013, ông Wu Renbao qua đời, con trai ông là Wu Xie'en đảm nhận vai trò lãnh đạo làng và trở thành CEO của tập đoàn.

Sự sụp đổ của làng tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, nơi ai cũng ở biệt thự - 4
Những căn biệt thự trong làng mọc lên san sát (Ảnh: Think China).

Không phải Hoa Tây không nỗ lực thay đổi. Sau khi tiếp quản vị trí của cha, ông Wu Xie'en tìm kiếm nhiều cơ hội làm ăn ở các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, dựa theo kết quả đánh giá, quá trình chuyển đổi của tập đoàn có vẻ không thành công.

Sự sụp đổ của "làng tỷ phú" giàu nhất Trung Quốc, nơi ai cũng ở biệt thự

Theo Nikkei Asian Review, rắc rối bắt đầu xảy đến với ngôi làng giàu có này từ năm 2017 sau khi công ty chủ chốt tại đây là tập đoàn Hoa Tây bị vướng vào khoản nợ 40 tỷ nhân dân tệ (hơn 6 tỷ USD).

Cùng với đó, chỉ những cư dân sống dài hạn ở Hoa Tây mới được nhận nhà và chia cổ tức hàng năm. Và thay vì chia cổ tức như những năm trước, tập đoàn này dường như phải phát phiếu giảm giá khách sạn cho người dân.

Sự sụp đổ của làng tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, nơi ai cũng ở biệt thự - 5
Tương lai của Hoa Tây chưa được đoán định (Ảnh: Travel).

Theo Think China, cổ tức của các cổ đông đã giảm từ 30% xuống chỉ còn 0,5%. Điều này dẫn tới vụ việc hàng trăm người dân phải xếp hàng tới lấy lại tiền gốc từ tập đoàn.

Từng là niềm tự hào của thành phố Jiangyin, nhưng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại đây, thậm chí chính quyền địa phương đã mở cuộc họp để giải quyết vấn đề. Một số chuyên gia đánh giá, hiện "làng tỷ phú" này đang dần bị đánh mất niềm tin. Việc Hoa Tây có thể tồn tại bao lâu nữa vẫn là câu hỏi lớn. Tờ Think China nhận định, mô hình hoạt động lỗi thời đã tạo ra nhiều thách thức lớn hơn cho sự phát triển trong tương lai của Hoa Tây.