Gia Lai:

Người đàn ông Gia Lai sở hữu "kho báu" với hơn 18 nghìn cổ vật quý giá

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Một người đàn ông ở tỉnh Gia Lai đã dành trọn thanh xuân để sưu tầm hơn 18.000 cổ vật. Để có được những cổ vật này, ông đã đi khắp vùng Tây Nguyên nhằm tìm kiếm, mua từ người dân bản địa.

Đến làng Blo (xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), hỏi thăm anh Nguyễn Tấn Khoang (43 tuổi) sưu tầm đồ cổ, ai cũng biết. Người đàn ông này đang sở hữu "kho báu" với hơn 18.000 cổ vật giá trị.

Anh Khoang cho biết, năm 2008, gia đình anh từ Phú Yên đến định cư ở xã A Dơk (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Ngay khi đặt chân đến vùng đất Gia Lai, anh đã khá bất ngờ số lượng cổ vật mà người dân bản địa đang lưu giữ.

Người đàn ông Gia Lai sở hữu kho báu với hơn 18 nghìn cổ vật quý giá - 1

Người đàn ông dành cả thanh xuân để sưu tầm hàng chục nghìn cổ vật (Ảnh: H.M).

"Nhiều người dân bản địa Gia Lai thường lưu giữ những cổ vật từ thời ông, cha để lại. Có những cổ vật còn y nguyên mà chưa bị mài mòn đi nhiều. Trong đó, những ghè, chum, chiêng… có tuổi đời hàng trăm năm được người dân Jrai bảo vệ và giữ gìn", anh Khoang chia sẻ.

Trước khi sưu tầm đồ cổ, người truyền cảm hứng cho anh chính là người cha của mình. Nhưng chỉ khi quyết định lên sinh sống tại Gia Lai, anh mới thực hiện được sở thích của mình.

Người đàn ông Gia Lai sở hữu kho báu với hơn 18 nghìn cổ vật quý giá - 2

Anh đã sưu tầm được rất nhiều đồ cổ thuộc nhiều triều đại cách đây cả vài trăm năm (Ảnh: H.M).

Anh Khoang bắt tay sưu tầm cổ vật từ năm 2011. Bắt đầu từ những cổ vật có giá trị nhỏ, và nhờ cái "duyên" mà bộ sưu tập của anh ngày càng dày thêm. Với niềm đam mê, anh đã không ngần ngại tìm về những vùng xa xôi nhất của tỉnh để sưu tầm nhiều cổ vật có giá trị.

Anh đã sưu tầm được rất nhiều đồ cổ thuộc nhiều triều đại, thời kỳ, từ thời Lý, Trần, Thanh như bình trà Khang Hy, cặp bình Mai - Thọ (thời nhà Thanh), chế Mẹ Bồng Con (thế kỷ XIX), cặp ấm lục giác Quảng Đức, bình gốm Cây Mai, chiêng cổ của người Bana... Nhiều cổ vật đại diện cho một niên đại, một nền văn hóa lịch sử.

Người đàn ông Gia Lai sở hữu kho báu với hơn 18 nghìn cổ vật quý giá - 3

Anh Khoang phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả những đồng tiền ít ỏi mà ông tích cóp để mang các cổ vật về trưng bày tại nhà (Ảnh: H.M).

Sau hơn 10 năm ròng rã rong ruổi khắp các thôn làng, anh Khoang đã được một kho đồ cổ với hơn 18.000 cổ vật đa dạng. Đồ cổ mà anh quý nhất chính là chiếc tù và bằng ngà voi được anh mua lại của một người dân ở xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa, Gia Lai).

"Trong một lần đến huyện Krông Pa, tôi được nhiều người chia sẻ về một hộ gia đình có lưu giữ cổ vật quý giá. Từ đó, tôi mới bèn tới tận nhà, thỏa thuận mua lại để sưu tầm. Nhớ lúc đó, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục và hứa là sẽ không bán cho ai, ông ấy mới đồng ý để lại cho. Trong suốt nhiều năm đi sưu tầm đồ cổ, tôi chưa thấy tác phẩm nào giống vậy", anh Khoang cho biết.

Theo ông Khoang, để định giá đúng một cổ vật, người chơi phải có sự hiểu biết, cảm quan nhạy bén. Chỉ cần nhìn qua chất liệu, hoa văn, hình dáng là có thể định được niên đại, giai đoạn lịch sử cũng như giá trị của món đồ. 

Người đàn ông Gia Lai sở hữu kho báu với hơn 18 nghìn cổ vật quý giá - 4

Đa số cổ vật vẫn còn nguyên vẹn, cũng có không ít món bị sứt bể nhưng anh Khoang vẫn quý trọng, nâng niu (Ảnh: H.M).

Ngoài ra, chơi cổ vật đòi hỏi kiến thức chuyên môn rất cao. Dựa vào đồ cổ thật, mình mới có phân tích, kết luận đúng về lịch sử, văn hóa, môi trường, xã hội người xưa. Để nâng cao chuyên môn, người chơi không nên chơi theo phong trào, mà nên chơi theo kiến thức.

Anh khoang phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, học tập trên mạng, sách, báo về cội nguồn của cổ vật. Mỗi lần đi thu thập đồ cổ, anh luôn mang theo sổ tay để ghi chép lại lịch sử, ý nghĩa của nó.

Từ đó, anh Khoang tự tin kể rành rọt về gốc tích của các cổ vật và giá trị lịch sử của nó qua các giai đoạn. Trong kho tàng của anh, đa số vẫn còn nguyên vẹn, cũng có không ít món bị sứt bể nhưng anh vẫn quý trọng, nâng niu, bảo quản kỹ lưỡng.

"Tôi có chút ít hiểu biết về đồ cổ, về chặng đường thăng trầm mà nó đi qua. Tôi luôn sẵn sàng chào đón những người đam mê cổ vật đến nhà tôi, cùng chia sẻ và tìm hiểu văn hóa, lịch sử", anh Khoang niềm nở cho hay.

Người đàn ông Gia Lai sở hữu kho báu với hơn 18 nghìn cổ vật quý giá - 5

Hiện tại anh Khoang đang có một bảo tàng tư nhân trưng bày cổ vật ở tỉnh Phú Yên (Ảnh: H.M).

Được biết, các cổ vật của anh Khoang có giá trị rất cao nhưng anh không có ý định bán. Cho dù nhiều người đến tham quan, ưng ý với một cổ vật và trả giá cao, nhưng anh nhất định không bán. Anh sưu tầm cổ vật là để thỏa mãn niềm đam mê của mình nên không bao giờ bán đi những món đồ mà mình vất vả có được. Việc xây dựng bảo tàng tư nhân ở Gia Lai là ước mơ ấp ủ bấy lâu nay của anh và sắp thành hiện thực. 

Nhưng với một tấm lòng hướng về cội nguồn, với mong muốn những cổ vật của mình sẽ là minh chứng để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu sau này, anh Khoang đã hiến tặng hàng trăm cổ vật mà mình góp nhặt bấy lâu cho Bảo tàng các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Bình.

Đây cũng là địa chỉ đỏ để các thế hệ trẻ của Việt Nam ghi nhớ, học tập noi theo truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại trong lao động, sản xuất và chiến đấu.

Người đàn ông Gia Lai sở hữu kho báu với hơn 18 nghìn cổ vật quý giá - 6

Nhiều người đến tham quan, ưng ý với một cổ vật và trả giá cao, nhưng anh nhất định không bán (Ảnh: H.M).

Hiện anh Khoang đang có một bảo tàng tư nhân trưng bày cổ vật ở tỉnh Phú Yên. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam cũng đã cấp giấy chứng nhận đặt văn phòng liên lạc của Câu lạc bộ Nghiên cứu sưu tầm cổ vật tỉnh Gia Lai trong khuôn viên gia đình.

"Để thực hiện ước mơ ấp ủ mở bảo tàng tư nhân ở Gia Lai, tôi đang xin các đơn vị có liên quan cấp giấy phép để xây dựng bảo tàng, đưa vào hoạt động trong năm 2022. Gia Lai là tỉnh có rất nhiều cổ vật, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục sưu tầm để tăng thêm số lượng cho bộ sưu tập của mình", anh Khoang nhấn mạnh.