DMagazine

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm

(Dân trí) - Gần 70 bộ xương được đưa vào các túi nilon chuyển về Hà Nội. TS Nguyễn Việt dành 6 tháng tẩy rửa, vệ sinh kỹ, sấy khô xương trong phòng thí nghiệm trước khi phục dựng gương mặt cô gái.

Tiết lộ về nghĩa địa cổ và chuyện phục dựng gương mặt cách đây 2.000 năm thời Đông Sơn

Gần 70 bộ xương được đưa vào các túi nilon chuyển về Hà Nội. TS Nguyễn Việt dành 6 tháng tẩy rửa, vệ sinh kỹ, sấy khô xương trong phòng thí nghiệm trước khi phục dựng gương mặt cô gái sống cách đây hơn 2.000 năm từ thời kỳ Đông Sơn.

Khu mộ cổ từng khiến giới khảo cổ xôn xao

TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á từng khiến giới khảo cổ Việt Nam xôn xao vì phục dựng gương mặt cô gái sống cách nay hơn 2.000 năm.

Trên thế giới cũng đã từng có những nhà khoa học phục dựng mặt người từ thời kỳ đồ đá cách nay hơn 4.000 năm hay nữ hoàng tuyệt sắc Ai Cập...

Tuy nhiên, tại Việt Nam, TS Nguyễn Việt được xem là người đầu tiên và đến thời điểm này có lẽ là duy nhất đã tái tạo gương mặt người Việt sống từ thời Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm... Công trình của ông được nhiều nhà khoa học đánh giá cao bởi ít nhiều giúp cho chúng ta ngày nay nhìn thấy gương mặt tổ tiên của mình.

Vị tiến sĩ nổi tiếng với những công trình nghiên cứu có một không hai về tổ tiên người Việt đã hơn mất hơn 6 tháng sấy xương trong phòng thí nghiệm, gần 1 tháng chuẩn bị các chỉ số chuẩn trên gương mặt chân dung của người phụ nữ thời kỳ Đông Sơn.

 "Hài cốt của người phụ nữ nói trên được khai quật từ khu mộ cổ Động Xá (Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên). Khu mộ này được khai quật qua nhiều thời kỳ từ cuối những năm 1990 đến 2004", TS Nguyễn Việt cho hay.

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 1

Khai quật mộ Động Xá năm 2002 (Ảnh: TS Nguyễn Việt)

Để có thể dựng nên khuôn mặt từng bị ẩn khuất bởi lớp lớp thời gian, ông Việt đã mất hơn 40 năm nghiên cứu, miệt mài đi điền dã, khảo sát rất nhiều khu mộ cổ.

Chính vì vậy, khi đến với Động Xá, TS Nguyễn Việt đã tìm được nguồn sọ quý giá - nhân tố quyết định giúp ông "tái sinh" được gương mặt thiếu nữ sống cách mình hơn 2.000 năm.

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 2

Đoạn mương gần cây đa Ông Hàm thuộc làng Động Xá, nơi phát hiện gần 100 ngôi mộ Đông Sơn (Ảnh: TS Nguyễn Việt)

Ông Việt kể, năm 1997, khi nạo vét mở rộng con mương gần cây đa Ông Hàm, cách làng Động Xá khoảng 1km về phía Nam, nhân công thủy lợi đã phát hiện ra khoảng 70 ngôi mộ. Các ngôi mộ này được cán bộ Bảo tàng Hải Hưng khi đó đến xử lý sơ bộ rồi mua tiểu sành quy tụ thành hai khu liền kề cạnh mương.

Năm 2001, TS Nguyễn Việt cùng một nhà địa chất Nhật Bản đi khảo sát các đường bờ biển Holocene Trung ở Hưng Yên. Khi qua làng Động Xá, các ông lại phát hiện một quan tài than độc mộc lộ một nửa ra khỏi bờ mương.

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 3

Vải liệm vẫn được lưu giữ và có hiện trạng khá tốt.

Sau khi trình bày thông tin quý giá này tới Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, ông đã cùng cán bộ bảo tàng tỉnh khai quật ngôi mộ. Khi ấy, nhận thấy vải trong quan tài vẫn được bảo tồn rất tốt, ông Việt biết rằng, khu mộ Động Xá sẽ đem đến nhiều tư liệu quý cho giới khảo cổ học.

Bởi căn cứ vào đó, họ sẽ có điều kiện khai thác tư liệu và thông tin chân thật nhất về quá khứ xa xưa của tổ tiên.

Chiếc quan tài không được mở nắp ngay

Đến năm 2004, ông Việt (đại diện cho Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên và Đại học Quốc gia Úc, Bảo tàng Quốc gia Úc đã tiến hành một cuộc khai quật quy mô ở Động Xá và mở rộng sang Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam).

Công việc đào đất để lộ ra quan tài do dân công làm thuê thực hiện, nhưng khi xuất lộ di tích, di vật, ông Việt đã cùng đồng nghiệp trực tiếp thu thập, xử lý.

Từ trong lớp bùn đất, ông Việt thấy hiện ra chiếc quan tài làm từ thân cây khoét rỗng. Các nhà khoa học thống nhất để nguyên quan tài, không mở nắp mà bó buộc cẩn thận, đưa lên xe chuyển về phòng làm việc của Bảo tàng Hưng Yên.

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 4

TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

"Việc khai quật bên trong quan tài được chúng tôi tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ tại phòng làm việc để có thể thu thập được mọi hiện vật và thông tin. Đây là phương pháp khai quật do tôi đề xuất và đã được toàn đoàn nhất trí", TS Nguyễn Việt nhớ lại.

Lúc này, vị Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á mới có thời gian quan sát thật kỹ chiếc quan tài vừa khai quật từ khu mộ cổ.

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 5

Các chuyên gia khảo cổ và bảo tàng Việt - Úc đang xử lý lớp vải bọc xác chết ngôi mộ Động Xá năm 2004. (Ảnh: TS Nguyễn Việt)

Ông vẫn nhớ, chiếc quan tài được làm từ một phần đuôi thuyền độc mộc, gồm cả phần đẽo cao dày làm đuôi lẫn 2m lòng thuyền. Phần lòng thuyền cắt ra được bịt lại bằng hai miếng ván mỏng chế từ vỏ cây, tạo thành một hộc chứa đồ tùy táng phía đầu người chết.

Trong đó có một nồi gốm đã sử dụng vẫn còn nguyên vết cháy cả trong lẫn ngoài. Bên trong nồi gốm có hai mảnh nhĩ bôi (một loại cốc uống rượu hình bát bầu dục có hai tai cầm) làm bằng gỗ sơn then. Những bức ảnh X-Quang giúp nhóm nghiên cứu xác nhận dáng nằm của thi thể, những chiếc răng và những đồng tiền ngũ thù đời Hán ở phần mặt và chân.

Nói về chủ nhân của ngôi mộ, vị tiến sĩ này cho biết: "Nhóm nghiên cứu nhận định, người chết là nam, khoảng 35 tuổi, chiều cao khoảng 155-160cm, nằm ngửa, được bó trong mấy lớp vải liệm dệt bằng sợi gai. Ở vùng đầu có hai nửa đồng tiền ngũ thù và dưới thân có một đồng như vậy. Xương đã mủn, chỉ còn răng. Ngoài ra, không còn đồ tùy táng nào nữa".

Từ chiếc quan tài này, ông Việt và các nhà khoa học đã thu thập được nhiều tư liệu quý. Nhóm khai quật nhận định, người này cùng chủ nhân của khoảng 70 ngôi mộ được khai quật vào năm 1997 ở Động Xá đều là cư dân thời kỳ Đông Sơn.

Trong các mộ có chôn theo đồ đồng Đông Sơn, như rìu, giáo, đĩa, thạp, trống đồng… ngoài ra còn có các viên chì và nhiều hạt quả, vải liệm. 

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 6
Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 7

Các hạt sấu (ảnh trái) và các quả hạt khác như quýt, bàng, dâu da soan, củ ấu, nhãn, xoài muỗm (ảnh phải) khai quật từ tầng văn hóa Đông Sơn ở Động Xá năm 2004.

Theo ông Việt, không phải ngẫu nhiên mà những ngôi mộ ở Động Xá dù trải qua hàng nghìn năm vẫn giữ được hiện trạng tốt như vậy.

Làng Động Xá nằm trên một bãi nổi cạnh một nhánh sông nhỏ nối với sông Hồng. Thời xa xưa, nơi đây từng ngập trong nước biển.

Thời gian lập làng trồng lúa ở đây, trên 2.000 năm trước, vùng đất này đã khô và phủ một tầng phù sa sông thuận tiện cho trồng cây lương thực. Tuy nhiên, tầng đất bên dưới là sú vẹt và các vùng trũng vẫn còn nhiễm mặn.

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 8

Miếng vải Đông Sơn có băng sọc sợi nhuộm màu khai quật năm 2002 ở Động Xá (Ảnh: TS Nguyễn Việt).

Khi đào huyệt chôn người chết, quan tài sẽ nằm trong tầng bùn sú vẹt yếm khí có độ pH thấp. Nhờ vậy, gỗ quan tài và các chất hữu cơ chôn bên trong, xương cốt, quần áo, vải liệm, cán công cụ, vũ khí, đĩa mâm gỗ và thức ăn hạt quả tùy táng… vẫn được lưu giữ và có hiện trạng khá tốt.

Sau nhiều lần khai quật, đặc biệt là lần khai quật ngôi mộ người đàn ông khoảng 35 tuổi năm 2004, cá nhà khoa học thêm có thêm nhiều kết luận về  hình thức chôn cất ở khu mộ Động Xá.

TS Nguyễn Việt cho hay: Có nhiều hình thức chôn cất ở Động Xá. Hình thức phổ biến nhất là người chết nằm thẳng và được quấn trong các lớp vải gai, cói đan, ngoài cùng là vỏ cây. Số lần vải cói và chất lượng vải phản ánh mức độ giàu hay nghèo của gia đình người chết.

Trường hợp xác chết được quấn nhiều nhất có tới 24 lớp vải và 8 lần cói đan. Giữa các lớp vải và cói đan có một lớp kết dính màu trắng khiến cho lớp vải cói đó đóng thành một lớp dày chắc từ 1 - 2cm như cách bọc xác ướp của người Ai Cập.

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 9

Chuyên gia Bảo tàng Quốc Gia Úc đang thực hiện công đoạn bảo quản nửa chiếc thuyền được dùng làm quan tài ngôi mộ Đông Sơn khai quật ở Động Xá năm 2004 (Ảnh: TS Nguyễn Việt)

Trong số vải bọc xác có loại vải pha sợi màu và lụa - một loại vải rất có giá trị đương thời. Bên ngoài tầng bọc xác dày và kín đó, người xưa còn bọc thêm một lớp vỏ cây hay bương đập dập trước khi đưa xuống huyệt mộ.

Từ chia sẻ trên có thể thấy, thi thể cô gái sống cách nay 2.000 năm mà TS Nguyễn Việt lựa chọn phục dựng nhiều khả năng cũng được chôn cất theo cách thức như các cư dân Đông Sơn cùng thời. 

6 tháng sấy xương, ăn ngủ trong phòng thí nghiệm

Thời điểm năm 2004, vì đang tìm kiếm nguồn sọ để phục dựng mặt người, ông Việt đã xin đào lại những tiểu sành chôn từ năm 1997. Gần 70 bộ xương được đưa vào các túi nilon chuyển về Hà Nội. Ông Việt dành 6 tháng tẩy rửa, vệ sinh kỹ, sấy khô xương trong phòng thí nghiệm và xếp vào các hộp nhựa.

Sau đó, vị tiến sĩ chọn một trong số các hộp sọ nguyên vẹn để tạo dựng khuôn mặt thật. "Là nam giới, tôi tò mò muốn biết xem gương mặt phụ nữ thời đó thế nào nên đã lựa chọn sọ của một cô gái khoảng mười tám đôi mươi", ông Việt nói.

TS Nguyễn Việt mất gần 1 tháng để chuẩn bị các chỉ số bề dày cho 21 điểm chuẩn trên gương mặt chân dung. Khi đã có đầy đủ, ông thao tác đưa các phần mềm bằng sét dẻo vào các điểm đã định vị sẵn trên mặt tương ứng với các độ dày mỏng đã tính toán.

Vị tiến sĩ kể: "19h, tôi bắt đầu đưa phần mềm lên nửa sọ của cô gái, đến khoảng 22h30 thì xong. Khi nhìn thấy khuôn mặt cô gái, tôi vô cùng xúc động. Tôi nhận ra mình là người đầu tiên gặp mặt một con người sống từ thời văn hóa Đông Sơn hơn 2.000 năm trước

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 10

Cô được "tái sinh" vào giờ Hợi. Theo quan niệm dân gian, đây là giờ đẹp, may mắn".

Nói về những đường nét trên khuôn mặt của cô gái, TS Nguyễn Việt cho hay: Cô gái có sống mũi thấp nhưng thẳng, cánh mũi hẹp, miệng hơi vẩu do hàm trên nhô cao. Vẻ ngoài của cô gái không khác với những cô gái nông thôn đồng bằng Bắc bộ hiện nay.

Dựa trên xương chi còn lại khá đầy đủ, ông Việt nhận ra cô gái này chỉ cao khoảng 145 cm, xương hông nở rộng như phụ nữ đã sinh con. Hàm răng nhuộm đen còn khá đầy đủ, nhưng răng khôn mới chỉ mọc một chiếc, ba chiếc còn lại đang mới nhú ra.   

Sau chân dung cô gái trẻ này, trong năm 2005, TS Nguyễn Việt còn tạo dựng thêm 4 chân dung nữa là những người cùng làng và có thể có họ hàng với cô gái.

"Thực tế, về chi tiết thì trong số những sọ người được chọn dựng chân dung chỉ có ba người gần gũi về mặt nhân chủng với cô gái đó, tức là họ có cùng kiểu sọ hình trứng đặc trưng Đông Nam Á cổ đại. Đó là hai người phụ nữ chừng 30-35 tuổi và 45-50 tuổi.

Hai người còn lại, một là đàn ông khoảng 25-30 tuổi cao khoảng 160cm, có khuôn sọ đầu gần tròn của cư dân phương Bắc và một phụ nữ khác khoảng 20-25 tuổi có kiểu sọ dài hơn mang đậm nét phương Nam. Nhưng rõ ràng họ là người cùng sống trong làng Động Xá hơn 2.000 năm trước", ông Việt nói thêm.  

Năm 2005, biết tin ông Việt tạo dựng được gương mặt tổ tiên người Việt cổ, Giám đốc Viện Goeth ở Hà Nội đã tổ chức một buổi hội thảo để ông Việt trình bày kết quả của mình trước giới khoa học và đại chúng. Vietnam News - tờ báo tiếng Anh của Thông tấn xã Việt Nam cũng dành hai trang lớn để đưa các kết quả đó ra cộng đồng quốc tế.

Sau đó, Hội nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam cũng đã tổ chức một hội đồng nghiệm thu những thành tựu này của ông. Các nhà khoa học lớn trong nước khi ấy đều đã đánh giá cao tính chất khoa học và tính đột phá của đề tài.  

Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 11
Hé lộ bất ngờ việc phục dựng chân dung cô gái người Việt cách đây 2000 năm - 12

Chân dung cô gái và đồng hương 2.000 năm trước đã đồng hành cùng TS Nguyễn Việt đến tận hôm nay. Họ sẽ có vị trí xứng đáng trong bảo tàng tiền sử mà nhà khoa học này sắp cho ra mắt ở Kim Bôi, Hòa Bình.

Là người duy nhất ở Việt Nam có khả năng phục dựng được mặt người, TS Nguyễn Việt mong muốn nhiều chân dung người cổ mà khảo cổ học đã khai quật được từ văn hóa Hòa Bình, Đa Bút, Phùng Nguyên, Đông Sơn… được phục dựng lại. Họ là những người có thật, đã từng sống như một phần tổ tiên thật của chúng ta. Chân dung, cuộc sống của họ được phục dựng một cách chân thực, có cơ sở khoa học sẽ càng làm cho lịch sử chân thật và gần gũi hơn.

Để hiện thực hóa mong muốn ấy, thời gian qua, vị tiến sĩ đặc biệt này vẫn say sưa nghiên cứu và phát triển Phòng thí nghiệm phục dựng như một đóng góp cho hoạt động trưng bày, truyền bá lịch sử dân tộc.

 Giá trị của những gương mặt nghìn năm

"Phục dựng mặt người nói chung được ứng dụng rộng rãi trong khoa học hình sự, giúp xác nhận người bị hại khi phần mềm chân dung không cho phép nhận diện. Hoạt động này cũng giúp đi sâu hơn trong lĩnh vực nhân chủng học, bảo tàng học, giải phẫu thẩm mỹ… Đặc biệt, việc phục dựng chân dung người cổ rất có giá trị trong việc tăng độ chân thực và sức hấp dẫn đối với việc trưng bày kết quả nghiên cứu khảo cổ học trong các bảo tàng và trên phương tiện thông tin đại chúng", TS Nguyễn Việt.

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ