Chuyên gia lý giải vì sao tháng 4 tháng 5 thường xảy ra sét đánh chết người

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo GS Phan Văn Tân, tháng 4, tháng 5 là lúc giao tranh giữa hai hệ thống gió mùa Đông Bắc và hệ thống gió mùa Tây Nam. Quá trình giao tranh sẽ xảy ra các nhiễu động thời tiết như mưa dông, sấm sét.

Hàng năm cứ vào đầu mùa hè nhiều địa phương tại miền Bắc lại xuất hiện những vụ tai nạn thương tâm do sét đánh. 

Gần nhất vào chiều qua (12/5), tại Thái Bình đã xuất hiện trận mưa dông lớn, kéo dài trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Ba người dân địa phương di chuyển trên đường tỉnh 456, đoạn giáp ranh giữa ba xã Thụy Thanh, Thụy Hồng và Thụy Duyên (huyện Thái Thụy, Thái Bình) vào thời điểm đó đã bị sét đánh tử vong.

Chiều cùng ngày, nhiều huyện của tỉnh Hưng Yên cũng xuất hiện xuất hiện mưa dông. Tại cánh đồng xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, một phụ nữ 54 tuổi đang phun thuốc trừ sâu đã bị luồng sét đánh tử vong.

Trong cơn mưa dông chiều ngày 12/5, toàn bộ 229 con lợn thịt tại một trang trại ở xã Tây Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) cũng đã bị sét đánh chết. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng.

Chuyên gia lý giải vì sao tháng 4 tháng 5 thường xảy ra sét đánh chết người - 1

Hiện trường nơi xảy ra vụ sét đánh ở Thái Bình chiều 12/5 (Ảnh: CTV).

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS. Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Hiện tượng mưa dông chiều qua không có gì là bất thường. Tháng 4 tháng 5 là thời điểm chuyển mùa từ mùa đông sang mùa hè. Gió mùa Đông Bắc và các khối không khí lạnh đã yếu dần đi, thi thoảng mới có một đợt nhẹ nhẹ.

Theo GS Phan Văn Tân, giai đoạn này là giai đoạn chuyển mùa và là lúc giao tranh giữa hai hệ thống: Hệ thống gió mùa Đông Bắc và hệ thống gió mùa Tây Nam. Quá trình giao tranh giữa hai hệ thống sẽ xảy ra các nhiễu động thời tiết.

Các nhiễu động này thường gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông sét, mưa lớn, lốc xoáy, thậm chí là mưa đá ở các vùng núi, trung du phía Bắc. Vì là hiện tượng thời tiết nguy hiểm nên thường gây ra những thiệt hại lớn về người và của. Nhiều người bị sét đánh đã mất mạng rất thương tâm.

Chính vì vậy, GS Tân nhấn mạnh, khi xảy ra mưa lớn kèm sấm sét, người dân cần chủ động tìm nơi an toàn để tránh trú. "Người dân nên tránh các gốc cây cao, độc lập, không cầm các đồ vật kim loại như cuốc, cày…", GS Phan Văn Tân nói.  

Quy tắc chống sét bảo vệ con người cần tuyệt đối nhớ

Việt Nam được xem là trung tâm của dông sét, tuy nhiên hiểu biết của người dân về cách phòng tránh sét đánh còn rất mơ hồ. Chính vì vậy, các chuyên gia khí tượng đã nhiều lần đưa ra các kỹ năng về việc phòng tránh sét đánh.

Theo đó, khi ở bên ngoài, người dân tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, không nên ở gần những nơi ẩm ướt và có nước, tìm chỗ thật khô ráo, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, cuốc, liềm, xe đạp, xe máy...

Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì cần tìm những nơi có cây thấp hơn và thưa để tránh. 

Khi mưa dông, nếu đang tham gia vui chơi các môn thể thao có sử dụng kim loại cần phải bỏ dụng cụ đó ra xa người ngay lập tức.

Khi ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước. Người dân cũng cần lưu ý tránh xa các đường dây điện. Tuyệt đối không dùng điện thoại khi dông tố ập tới, phòng chập điện, sét đánh.

Trong trường hợp đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai… Khi tránh trú sét không đứng thành nhóm người gần nhau vì sét đánh xuống dễ gây tai nạn thảm khốc.