Về thay đổi tư duy đối với "mục tiêu kép"!

Bích Diệp

(Dân trí) - Đến lúc này chúng ta phải nhận thức về "mục tiêu kép" theo hướng đổi mới hoàn toàn - Đại biểu - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu trên tư cách đại biểu tại buổi thảo luận chiều ngày 22/7.

Về thay đổi tư duy đối với mục tiêu kép! - 1

"Trước đây mục tiêu kép là đồng thời cả 2 việc, nhưng bây giờ không thể có được. Trong hoàn cảnh như ở TPHCM bây giờ chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế" - ông nêu quan điểm.

Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh những thành trì vững chắc của nền kinh tế là nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã bị dịch tấn công, sau Bắc Giang, Bắc Ninh, nay đến lượt TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và nguy cơ có thể chưa dừng lại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, TPHCM có 1,6 triệu công nhân, Đồng Nai 1,2 triệu và Bình Dương có khoảng 1,2 triệu và nhấn mạnh: "phải chấp nhận tốc độ phát triển chậm lại, hi sinh một phần kinh tế để mà chống dịch vì an toàn sức khỏe của người lao động"

Người viết cho rằng, việc đặt ra vấn đề hi sinh một phần tăng trưởng kinh tế để dồn mục tiêu chống dịch hoàn toàn không phải là chúng ta đang "bàn lùi" hay thỏa hiệp. Xin nhấn mạnh, đây là "hi sinh một phần" chứ không phải là tất cả đều ngồi yên, dừng hoạt động.

Về cơ bản, nền kinh tế sẽ vẫn vận hành không giây phút nào ngơi nghỉ, song nói như PGS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khi trao đổi với Dân trí trong một bài phỏng vấn, "đây không phải là thời điểm để suy nghĩ quá nhiều về việc kinh tế của chúng ta phải tăng trưởng bao nhiêu phần trăm trong năm nay".

Theo đó, những chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội, Chính phủ thông qua là con số để chính quyền, doanh nghiệp, người dân cả nước cùng cố gắng phấn đấu đạt được. Nhưng đó là kỳ vọng trong điều kiện bình thường.

"Còn khi dịch bệnh bùng phát, ưu tiên trước mắt, quan trọng nhất là chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu dùng thông suốt" - ông Bảo lưu ý. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là cần tìm cách thích ứng với điều kiện dịch bệnh.

Nói một cách đơn giản, kể cả khi đã công nghiệp hóa và hiện đại hóa, muốn sản xuất và phát triển kinh tế cũng cần con người, cần lực lượng lao động. Ngược lại, thành quả của nền kinh tế là nhằm phục vụ con người, phục vụ người lao động.

Chúng ta không thể chắc chắn rằng bao giờ dịch sẽ kết thúc, tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, con người là trung tâm của mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Bởi vậy, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà nhiệm vụ trước hết phải là bảo vệ sức khỏe của người dân.

Trong khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua vắc xin mà vẫn cố gắng duy trì mục tiêu tăng trưởng, sớm nới các yêu cầu phòng chống dịch, trong ngày một ngày hai, điều này có thể giúp doanh nghiệp tăng thêm một phần sản lượng, mỗi người có thêm một ít thu nhập. Thế nhưng, sẽ là một sự mạo hiểm, "lợi bất cập hại", rủi ro thiệt hại có thể lớn hơn so với triển vọng lợi ích.

Vậy nên như đề xuất của BT Đào Ngọc Dung, cần phải nhận thức về mục tiêu kép theo hướng đổi mới hoàn toàn. Có lẽ không còn cách nào khác là cần phải có chiến lược vắc xin rõ ràng và tuân thủ yêu cầu chống dịch ở mức cao. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải sát với thực tế, có tính thực thi cao, chứ không chỉ nằm trên chủ trương và giấy tờ.

Tin rằng, khi người dân và doanh nghiệp yên tâm với khả năng kiểm soát dịch, tất cả đồng lòng sẽ vượt qua dù gian khó.