Về những ghi nhận của các Chủ tịch Quốc hội

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân - Nguyễn Trãi", thành bại cũng ở chỗ "an dân". Khi lòng dân "an" thì không có gì là không thể… Và chính ngành LĐTBXH sẽ là một trong những cơ quan nhận trọng trách này.

Về những ghi nhận của các Chủ tịch Quốc hội - 1

Hàng triệu người dân đã được nhận gói hỗ trợ...

Trong phiên Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 21/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khen ngợi các gói hỗ trợ về an sinh xã hội được làm rất tốt và có hiệu quả.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (NQ 68/NQ-CP), gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng (Nghị quyết 116) và chuyển 14.000 tỷ đồng trang bị cho phòng chống dịch…

"Đối với gói 38.000 tỷ đồng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện rất nhanh. Người lao động chỉ cần có tài khoản là chuyển được tiền ngay". Ông Huệ nói.

Trước đó ngày 14.8, về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhận xét: "Nghị quyết 68 lần này được triển khai rất thiết thực, cụ thể và rõ ràng".

Đây là những lời chia sẻ, động viên to lớn của hai vị Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ XIV và XV đối với ngành LĐTB&XH cho những nỗ lực không mệt mỏi thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác an sinh xã hội trong năm 2021 được thực hiện bài bản, có lộ trình, có bước đi cụ thể. "Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã triển khai tốt các gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Trong đó, Nghị quyết 68 được thực hiện khẩn trương. Đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người (23.000 tỷ đồng) được hưởng thụ theo Nghị quyết 68".

Đặc biệt, Bộ trưởng Dung còn bày tỏ: "Chúng ta không thể hình dung hết những khó khăn là như thế nào. Nhưng tôi rất biết ơn nhân dân của 23 tỉnh thành thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách thời gian qua, nhất là người dân TPHCM đã hy sinh những vấn đề cá nhân ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Các cán bộ ngành lao động, thương binh - xã hội, cán bộ tổ dân phố, các lực lượng quân đội, công an đã đến từng nhà, từng ngõ để hỗ trợ người dân" - Bộ trưởng Dung chia sẻ

Không thể nói khác, Nếu ngành y tế và lực lượng vũ trang là những chiến sĩ trên tuyến đầu thì ngành LĐXH chính là hậu phương vững chắc trong công cuộc "chống dịch như chống giặc" vừa qua.

Để có thành công này là nhờ sự ủng hộ của nhân dân, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của những người làm công tác xã hội với phương châm "đến từng nhà, rà từng đối tượng" và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ cũng như cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Nhìn lại công cuộc phòng chống covid 19, có thể thấy toàn ngành LĐTBXH đã hành động với tinh thần khẩn trương nhất như lời của Bộ trưởng Dung: "Tất cả phải vì quyền lợi người dân. Bởi người dân khát khao lắm rồi, đừng thờ ơ với việc này", "Dịch bệnh rất phức tạp, việc làm và đời sống của người lao động đang khó khăn và cần sự chung tay. Chúng ta cần đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ an sinh. Chậm ngày nào là có lỗi với dân ngày đó..."…

Thậm chí, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, ông Dung còn quả quyết: "Đừng loanh quanh, vin vào thủ tục nữa. Các địa phương hãy tập trung làm đi, để người dân sớm được thụ hưởng chính sách. Nếu có vấn đề gì, tôi chịu trách nhiệm!".

Những quyết tâm và hành động đi đôi với việc làm của "Tư lệnh Dung" đã truyền ngọn lửa trách nhiệm với dân xuống đến các cơ quan của Bộ, sở và mỗi cá nhân trong ngành.

Có thể nói trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, LĐ-TB&XH luôn là ngành "đi trước, về sau". Với đại dịch lần này, ngay từ những ngày đầu bùng phát, một mặt ngành vừa phải lo về công tác phòng chống dịch bệnh cùng cả nước, vừa phải lo về công tác an sinh xã hội, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, lo lắng về vấn đề nhân công, người lao động. Rồi đây khi dịch chấm dứt thì nhiều năm sau đó ngành LĐXH vẫn phải tiếp tục nỗi lo "hậu chiến", giải quyết những hậu quả nặng nề do dịch bệnh để lại.

Trở lại với đánh giá của Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có thể nói đây là nhận xét của những Người đứng đầu Quốc hội và cũng là đánh giá của đông đảo cử tri cả nước.

Dịch bệnh có thể còn kéo dài với những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, ngành LĐTBXH sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong và sau dịch. Song, "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân - Nguyễn Trãi", thành bại cũng ở chỗ "an dân". Khi lòng dân "an" thì không có gì là không thể…

Và chính ngành LĐTBXH sẽ là một trong những cơ quan nhận trọng trách này.