Tâm điểm
Hoàng Lam

Trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng

Trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng - 1

Hình tượng của Sơn Tùng M-TP trong MV "There's no one at all" (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Vào đầu tháng này, ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã bị phạt 70 triệu đồng vì phát hành MV "There's no one at all" và phải gỡ video nhạc khỏi các nền tảng số.

Theo nhà chức trách, nội dung bản ghi âm, ghi hình "There's no one at all" mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em". Ca sĩ Sơn Tùng M-TP sau đó đã xin lỗi khán giả. Anh nói: "Tôi hiểu được vị trí và sức ảnh hưởng của mình đối với các bạn trẻ. Tôi luôn muốn mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, đất nước".

Ồn ào liên quan đến sự việc trên vừa lắng xuống thì những ngày qua, nhiều ý kiến trong cộng động mạng bày tỏ không đồng tình bức ảnh Hoa hậu Đền Hùng Giáng My ngồi trên mái nhà cổ kính ở Hội An. Mặc dù khi chụp tấm hình này, Hoa hậu Giáng My và ê kíp không vi phạm luật di sản, nhưng UBND thành phố Hội An đã yêu cầu gỡ bỏ bức ảnh kể trên, đồng thời làm việc với những người liên quan để chấn chỉnh. Theo lãnh đạo TP Hội An, hình ảnh Hoa hậu Đền Hùng Giáng My ngồi trên nóc nhà phố cổ tương đối phản cảm và không phù hợp với việc trùng tu, tôn tạo và nâng cao giá trị của đô thị này.

Hai sự việc kể trên dù không liên quan đến nhau, nhưng gợi cho chúng ta suy ngẫm về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng. Sự sáng tạo trong nghệ thuật là điều được khuyến khích. Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã nêu rõ, phải "lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật…".

Sự sáng tạo "lệch chuẩn" có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến khán giả, và hệ quả xảy ra không chỉ đối với công chúng mà còn chính bản thân người nghệ sĩ.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện giới trẻ dành trung bình mỗi ngày 6 tiếng 43 phút để tương tác trên mạng xã hội, và rất dễ bị tổn thương, bị dẫn dụ bởi những trào lưu mới. Trong khi đó tương tác giữa người trẻ và cha mẹ hay người lớn trong môi trường thực tế ngày càng ít đi, dẫn tới việc giáo dục cho giới trẻ các chuẩn mực xã hội gặp nhiều khó khăn.

"Thầy cô, bạn bè, người thân... nói không bằng thần tượng nói. Những người nổi tiếng, khi được yêu mến thì những câu nói đơn giản cũng tạo thành xu hướng (trend) và được trẻ học theo", PGS Trần Thành Nam phân tích. Vì vậy, theo ông, trong trường hợp những người nổi tiếng có những lời nói, hành động đi ngược với thuần phong mỹ tục, cho dù không dẫn đến hành vi ngay lập tức đối với các bạn trẻ, song cũng có thể tạo chuyển biến về thái độ hay một cách thức nhìn về thế giới quan, nhìn về con người không đúng đắn. Với sức lan tỏa của người nổi tiếng và cộng đồng đông đảo người hâm mộ của họ thì hình ảnh "lệch chuẩn" có thể còn lan ra, ảnh hưởng rộng hơn. Trong khi đó, do chưa có đủ vốn sống hay tư duy phản biện để biết được "cái nào là nên, cái nào là không nên", nhiều bạn trẻ sẽ bắt chước một cách máy móc thần tượng của mình.

Ngày này, các tác phẩm nghệ thuật chịu ảnh hưởng của quy luật "vận hành dựa trên sự chú ý". Tức là tác phẩm nghệ thuật phải có sự chú ý mới có thể bán được hoặc tạo nên giá trị kinh tế bằng lượt xem. Bởi vậy người nghệ sĩ rơi vào mâu thuẫn, hoặc tác phẩm của họ phải thực sự hấp dẫn bằng sự sáng tạo và các giá trị nhân văn, hoặc gây sốc, gây sợ hãi hay vượt quy chuẩn thông thường. Cách thứ nhất được đón nhận tích cực nhưng không phải ai cũng làm được, trong khi đó cách thứ 2 rất nhạy cảm bởi ranh giới giữa phản ánh hiện thực và sức ảnh hưởng, giáo dục giới trẻ cực kỳ mong manh.

Từ thực tế trên, PGS Trần Thành Nam cho rằng những người nổi tiếng cần phải được trang bị thêm kỹ năng và kiến thức về trách nhiệm xã hội. Cùng với đó, các bộ quy tắc ứng xử của nghệ sỹ hay ứng xử trên không gian mạng cần phải được thực thi một cách nghiêm túc. Đây cũng chính là cách thức tốt nhất để bảo vệ hình ảnh của những người nổi tiếng.

"Nghệ sĩ được công chúng trả tiền (thông qua việc mua, xem các tác phẩm nghệ thuật) thì phải có trách nhiệm với người hâm mộ, với cộng đồng", PGS.TS Trần Thành Nam nói.