Tâm điểm
Thế Nam

Những giá trị tỏa sáng từ "cơn sốt" SEA Games 31

Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện tranh cãi khá gay gắt, khi một người nổi tiếng đưa ra con số thống kê số huy chương vàng mà đoàn Việt Nam giành được ở SEA Games 31 khá chênh lệch so với các nước còn lại. Cụ thể, đến hết ngày 21/5, đoàn thể thao Việt Nam giành được 181 huy chương vàng, bằng với số HCV của Thái Lan (75), Indonesia (59), Philippines (47) cộng lại.

"Nhìn số huy chương mà không biết nên vui hay nên buồn", chủ đề được đưa ra và nhận nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tạo ra cuộc tranh cãi không có hồi kết. Không ít người cho rằng, SEA Games vẫn là một giải đấu mang tính chất "ao làng" ở khu vực Đông Nam Á, và cứ nước nào tổ chức thì nước đó luôn dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương, thậm chí tạo ra khoảng cách chênh lệch đáng kể về bộ sưu tập "sắc vàng" so với các nước khác.

Tuy nhiên, là người trực tiếp tác nghiệp ở SEA Games lần này, tôi nhận thấy rằng những ý kiến trên là góc nhìn rất tiêu cực, có phần hồ đồ, thiếu khách quan về một kỳ đại hội thể thao đang rất thành công cho đến thời điểm này.

Có hai vấn đề đã được khẳng định rõ ràng, là giá trị chuyên môn từ các cuộc tranh tài ở các nội dung thi đấu và giá trị tinh thần từ cuộc thi đem đến cho người hâm mộ, không chỉ ở Việt Nam mà với các nước trong khu vực.

Tôi sẽ minh chứng về giá trị tinh thần trước. Thật khó có những trận đấu bóng đá tại các kỳ SEA Games nào mà khán đài luôn phủ kín người hâm mộ như ở Việt Nam. Truyền thông các nước đã bày tỏ sự kinh ngạc khi chứng kiến các sân vận động không còn một chỗ trống, không chỉ bóng đá nam mà cả bóng đá nữ, thậm chí ở cả futsal... Khán đài luôn đầy ắp khán giả nhưng không chỉ các trận bóng có đội tuyển của nước chủ nhà mà ngay cả trận đấu giữa đội tuyển các nước khác.

Những giá trị tỏa sáng từ cơn sốt SEA Games 31 - 1

Người hâm mộ Việt Nam luôn phủ kín khán đài ở các trận bóng đá của SEA Games 31 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Từ sân Việt Trì (Phú Thọ) đến sân Thiên Trường (Nam Định), khán giả chen chật kín để cổ vũ cho các đội bóng thi đấu, với một tinh thần hoàn toàn vô tư, rất "fair play" cho tất cả các đội đến Việt Nam tranh tài. 

"Tôi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy cổ động viên Việt Nam trên khán đài hôm nay. Tôi đã theo đuổi bóng đá suốt 16 năm, và thật sự ấn tượng khi được sống trong bầu không khí như thế này, nó mang lại sự thân thiện và mến khách của người dân Việt Nam. Tôi cảm ơn Việt Nam đã đăng cai giải đấu lần này", nữ tỷ phú Madam Pang của Thái Lan đã chia sẻ trước truyền thông về cảm xúc của bà khi chứng kiến hàng nghìn cổ động viên Việt Nam đến cổ vũ cho đội tuyển U23 Thái Lan, dù đối thủ của HLV Mano Polking là... U23 Malaysia.

Thế nên không ngạc nhiên khi trận chung kết giữa U23 Việt Nam với Thái Lan vào tối nay (22/5) đã cháy sạch vé, thậm chí giá vé "chợ đen" đội lên rất cao, gấp năm gấp mười so với giá gốc. Mấy ai yêu bóng đá, cuồng nhiệt với bóng đá nước nhà được như người hâm mộ Việt Nam, có thể tiết kiệm từng đồng chi tiêu hàng ngày nhưng sẵn sàng vung tay cả chục triệu để vào sân xem bóng đá, cháy hết mình trên khán đài khi đội tuyển nước nhà thi đấu?

Không chỉ trong bóng đá, tất cả các nội dung tranh tài khác ở SEA Games lần này đều đầy ắp khán giả đến cổ vũ. Minh chứng gần nhất là tấm huy chương vàng môn bóng bàn nội dung đơn nam do vận động viên Nguyễn Đức Tuân vừa giành được vào tối 21/5, khi đánh bại cao thủ Thái Lan Phakpoom Sanguansin để giành danh hiệu cao quý cho bóng bàn Việt Nam sau 19 năm. Đó là trận đấu mà tay vợt Thái Lan bị sốc không chỉ trước lối chơi của Đức Tuân, mà còn sốc vì sức nóng do các cổ động viên tạo ra trên khán đài.

Ở môn billiards, huyền thoại Efren Reyes của Philippines đã chia sẻ cảm xúc sau những ngày tranh tài tại Việt Nam: "Toàn đoàn Philippines đều cảm thấy sốc. Tôi không thể ngờ rằng người hâm mộ Việt Nam đến xem đông đến thế. Ban tổ chức đã phải tách tôi ra để bảo đảm an toàn.

Thật sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc và cảm nhận được sự nồng nhiệt khi tới Việt Nam. Tôi nhận ra tình yêu của những người hâm mộ. Tôi cũng rất yêu quý họ. Tôi sẽ giữ mãi những ấn tượng này trong lòng và không bao giờ quên".

Nếu nói về giá trị tinh thần thì thật khó thể kể hết, nên tôi sẽ chuyển sang minh chứng thứ hai là giá trị về mặt chuyên môn.

Trong số những tấm huy chương vàng mà đoàn thể thao Việt Nam mang về, rất nhiều môn thi đấu đều đang được áp dụng ở Olympic - vì vậy người ta đã nói đến cuộc đua Olympic trong lòng SEA Games, và rất nhiều vận động viên Việt Nam đã khẳng định tài năng thực sự của mình.

Những giá trị tỏa sáng từ cơn sốt SEA Games 31 - 2

VĐV Nguyễn Tiến Trọng gây sốt với cú nhảy xa 7m80 để giành HCV SEA Games cho đoàn thể thao Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).

Ở môn điền kinh, mạng xã hội lan truyền clip VĐV Nguyễn Tiến Trọng với cú nhảy xa lên tới 7m80 để giành huy chương vàng. Nhiều người nói vui đây không phải là nhảy mà là... khinh công, là bí kíp "lăng ba vi bộ" đáng nể trong tiểu thuyết kiếm hiệp.

Ở đường đua xanh, các vận động viên đội tuyển bơi Việt Nam gây sốc khi đánh bại đội tuyển bơi Singapore để giành huy chương vàng ở nội dung 4x200m tự do nam, dù nước bạn có nhà vô địch thế giới Joseph Schooling. Trước đó, Schooling cùng đồng đội đang nắm giữ kỷ lục đã giành được ở SEA Games 30 với thông số 7 phút 17 giây 88 nhưng tuyển bơi Việt Nam đã phá kỷ lục đó tại SEA Games 31 với thời gian 7 phút 16 giây 31.

Ở đường chạy, vận động viên Nguyễn Văn Lai không có đối thủ ở cự ly 5.000m và 10.000m. Cũng ở cự ly 5.000m của nữ, hai vận động viên Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ cũng "vô đối" khi về đích trước các đối thủ còn lại hẳn một vòng sân vận động. Trước đó, Nguyễn Thị Oanh giành huy chương vàng cự ly 1.500m, Hồng Lệ giành huy chương vàng cự ly 10.000m. Đó là những tấm huy chương giành được sau những tháng ngày khổ luyện, không thể "tự nhiên mà có, bỗng nhiên mà thành".

Những giá trị tỏa sáng từ cơn sốt SEA Games 31 - 3

Dù chỉ giành HCB ở cự ly 10.000m, VĐV của Timor Leste (giữa) vẫn sung sướng ăn mừng với hai VĐV của Việt Nam

Cầu lông, bóng bàn, điền kinh, bơi lội, bóng đá, võ thuật, cử tạ.... đã chứng kiến rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của các vận động viên khi tham gia tranh tài. Hẳn ai cũng xót xa hình ảnh Đinh Thị Bích bị ngã khi chỉ cách vạch đích 20m ở cự ly chạy 800m và vuột mất tấm huy chương một cách đáng tiếc. Hẳn ai cũng thấu hiểu nỗi buồn của cầu thủ Lê Văn Xuân gặp chấn thương nặng phải tập tễnh chống nạng, bỏ lỡ trận chung kết SEA Games đáng nhớ trong sự nghiệp của mình.

Vì vậy thêm một lần nữa tôi dám khẳng định, SEA Games 31 rõ ràng là kỳ đại hội thể thao đánh giá đúng thực lực, tài năng của từng vận động viên và đã tạo ra "cơn sốt", tạo ra bầu không khí lễ hội trong suốt hai tuần qua. Đó đúng nghĩa là những giá trị tỏa sáng như lời bài hát SEA Games 31:

"Nào mình cùng chạm vào vinh quang

Cùng bầu trời Việt Nam tỏa sáng"