Luẩn quẩn chuyện "đăng ký thương hiệu"

Bích Diệp

(Dân trí) - Thời gian gần đây vẻ không mấy may mắn đối với gạo ST24 và ST25 của Việt Nam. ST25 sau khi đánh mất "ngôi vương" gạo ngon nhất thế giới năm 2020 thì hiện lại đang đối mặt với một rắc rối mới.

Luẩn quẩn chuyện đăng ký thương hiệu - 1

(Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của loại gạo ST25 - ảnh: I.T)

Cụ thể, theo xác nhận của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), gạo ST24 và ST25 của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.

Vâng, không phải nơi nào khác mà chính là Mỹ - thị trường tiêu thụ chính của loại gạo này. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nếu muốn xuất khẩu gạo ST24, ST25 sang Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ đối mặt với việc bị kiện tụng do vi phạm sở hữu trí tuệ.

Trước mắt có hai cách để "gỡ khó" cho ST24, ST25 - đó là doanh nghiệp Việt sẽ phải thông qua 4 đơn vị đã đăng ký bản quyền tại Mỹ để đưa gạo này vào thị trường Mỹ. Còn nếu không muốn vậy, phía Việt Nam phải kiện để đòi lại thương hiệu.

Tuy nhiên, một vị chuyên gia nói với người viết rằng, việc kiện tụng này sẽ tốn nhiều thời gian cũng như tiền của. Bây giờ, quả thực là ST24, ST25 của Việt Nam đã rơi vào thế khó, tiến thoái lưỡng nan.

Điều đáng tiếc nhất là doanh nghiệp của chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội, vốn dĩ không đáng để rơi vào tình huống hiện tại.

Đâu phải đến bây giờ, việc các doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu trên thị trường quốc tế mới xảy ra. Đã có quá nhiều bài học, nào PetroVietnam, kẹo dừa bến Tre, nước mắm Phú Quốc… rồi võng xếp Duy Lợi, giày dép Bi'tis, bánh phồng tôm Sa Giang cũng lao đao vì thương hiệu.

Cho nên, đến bước này, doanh nghiệp cũng chỉ có thể "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" vì đã chủ quan, không coi trọng đúng mức vấn đề "bản quyền" và sở hữu trí tuệ. Chúng ta cứ cần mẫn bán hàng và tìm kiếm thị phần, trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ đã "nhanh tay" đăng ký, mà nói thẳng ra là "hớt" mất thương hiệu.

Điều này cũng không khác là mấy những vụ đăng ký tên miền internet, chỉ cần chậm chân là doanh nghiệp Việt phải mất rất nhiều tiền để khắc phục, nếu không muốn dính sâu thêm vào rắc rối.

Họa  trên trời rơi xuống, hay họa một phần do chính bản thân không rào kỹ rủi ro mà ra - điều này theo người viết, giờ không phải là vấn đề mà ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 hay ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 nên tự dằn vặt bản thân nữa. Mà từ câu chuyện này để những doanh nghiệp khác, những chủ sở hữu sản phẩm "Made in Vietnam" khác cần phải tỉnh táo để rút ra bài học cho chính mình.

Đồng thời cũng cần nhìn thấy điều gì đang "không ủng hộ" doanh nghiệp, để rồi các vụ "mất thương hiệu" vẫn cứ xảy ra thường xuyên như thế?

Thương trường vốn dĩ khốc liệt chẳng kém chiến trường, một chút sơ hở cũng có thể khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại nặng nề.

Điều mà chúng ta tự hào và an ủi lúc này, chính là sự sáng tạo của người Việt và chính bàn tay khối óc của người Việt đã tạo nên giống lúa, gạo ngon nhất nhì thế giới. Điều đó không ai có thể sao chép, cũng không thể "ăn cắp".