Lại chuyện "cấm cá lóc", "cán bộ no, dân đói"

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Một thông tin vừa được nhiều báo giật lên thành tít, đó là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố đề án tuyển sinh năm 2021 không tuyển những thí sinh nói ngọng, nói lắp.

Lại chuyện cấm cá lóc, cán bộ no, dân đói - 1

Thật ra, chủ trương của nhà trường không mới, nó đã có qui định từ hơn một thập kỉ trước. Vấn đề này cũng không mới bởi nhiều địa phương đã từng có chủ trương này cộng với một nguồn kinh phí không nhỏ đã chi.

Cách đây 10 năm (11.2011), Blog Dân trí đã từng viết về chủ trương xóa ngọng cho học sinh và không ít giáo viên.

Thực ra, do đặc điểm ngôn ngữ từng vùng, việc nói ngọng không hiếm. Nó cũng không thành vấn đề gì lớn khi giao tiếp bình thường trong đời sống sinh hoạt. Thế nhưng khi là giáo viên, là "người của công chúng", đặc biệt là người của hệ thống công quyền thì chuyện đó không được coi là bình thường.

Một bình luận viên của đài phát thanh hay truyền hình không được nói ngọng trên hệ thống. Một thầy giáo, cô giáo không được phép nói ngọng trên giảng đường. Một đại biểu Quốc hội không được nói ngọng khi phát biểu ở nghị trường. Một chánh án tòa án không được phép nói ngọng trong phiên tòa.

Nếu phát âm chưa chuẩn thì phải học. Các cụ xưa đã dạy: "Học ăn, học nói…". Dứt khoát không thể chấp nhận một đại biểu Quốc hội "ngọng níu, ngọng no", khi Quốc hội bàn cấm cá nóc (một loài cá ở biển, rất độc) thành cấm cá… lóc (người miền Bắc gọi là cá quả).

Không gì hài hước hơn nếu một cán bộ tòa án cũng "ngọng no, ngọng níu", khi tuyên án lại "Nhân danh lước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Lam" bởi dư luận có quyền đặt câu hỏi một khi chánh án mà không phân biệt được lờ "L" với nờ "N" thì liệu có phân biệt được trắng - đen, phải - trái?.

Không gì nực cười và phản cảm hơn nếu một cán bộ phổ biến quyết tâm lo cho dân không bị đói bằng câu "cán bộ no dân đói"…

Nghe nói ngọng đã chán nhưng đọc phải những văn bản viết ngọng thì chán hơn nhiều. Nhớ có lần ông Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn đưa cho tôi bức thư mời cử người đi học chương trình nâng cao của một trường đại học danh tiếng nọ.

Tôi mở ra, thấy chữ "chọn" trong câu "đào tạo chọn gói" được sếp gạch chéo 2 cái kèm một lời nhận xét; "Trọn ≠ chọn. Thế mà cũng đòi… đào tạo sau đại học!".

Tóm lại, việc sửa ngọng là cần thiết dù không dễ dàng nhưng không phải là không thể. Do đó, hi vọng đây không chỉ là qui định của riêng ngành sư phạm hay riêng Đại học Sư phạm Hà Nội mà sẽ là qui định chung của các trường đại học.

Lý do, yêu cầu tối thiểu của học sinh tiểu học phải thông thạo 4 phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) và "đọc thông, viết thạo" thì thí sinh dự thi tuyển sinh đại học không thể "đọc chưa thông, viết chưa thạo", lẫn lộn "N", "L"…

Mong rằng đây sẽ trở thành một trong "những việc cần làm ngay" của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.