Đừng để tiếng đàn tuổi thơ phải tắt đi vì Covid!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Riêng TP HCM có hơn 1.500 trẻ mồ côi do Covid-19, thông tin khiến chúng ta không khỏi xót xa. Tương lai nào cho các em nếu thiếu bàn tay nâng đỡ của cộng đồng và các tổ chức xã hội?

Đừng để tiếng đàn tuổi thơ phải tắt đi vì Covid! - 1

Theo báo cáo sơ bộ của Sở GD&ĐT TPHCM, toàn thành phố có hơn 1.500 học sinh mồ côi do Covid-19. Một con số khiến mọi người làm cha, làm mẹ và những người có trách nhiệm không khỏi đau đớn, xót xa.

Số liệu này được rà soát trong 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT. Có nghĩa là trên thực tế, số trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 có thể còn lớn hơn nhiều khi chưa tính đến nhóm trẻ từ 0 đến dưới 5 tuổi.

Tác động của dịch Covid-19 đối với mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội đã rõ, nhưng với trẻ em - những mầm non tương lai đang cần được nâng niu, chăm bẵm thì hệ lụy của nó để lại thật vô cùng. 

Hàng nghìn đứa trẻ phải chịu nỗi đau mất cha, mất mẹ, hoặc mất cả cha lẫn mẹ vì dịch bệnh. Nhiều trẻ là F0, F1, phải rời xa gia đình để đi chữa bệnh, đi cách ly, phải đối mặt với nỗi sợ hãi và phải tự mình vượt qua khó khăn. Những "chiếc lá bé nhỏ" chao đảo, quăng quật, chới với tìm sự sống và bình yên trước "bão" Covid-19. Và rồi, thân phận mồ côi như cứa vào tâm hồn và trái tim non trẻ của các em nỗi đau không biết bao giờ mới lành. 

Cuộc sống trước mắt và tương lai của các em - những đứa trẻ là nạn nhân của đại dịch khủng khiếp rồi đây sẽ ra sao? Câu hỏi khiến ai trong chúng ta cũng phải buốt nhói. Ổn định tâm lý, ổn định đời sống cho các em trước mắt và lâu dài là việc không thể chậm trễ hơn.

Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định trích nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em hỗ trợ 1 triệu đồng với những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ mắc Covid-19; hỗ trợ 2 triệu đồng các em có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch trên phạm vi cả nước, trong đó có TPHCM.

Các chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 cũng đang được TPHCM gấp rút triển khai. Trong đó, ngoài khoản trợ cấp hàng tháng, các em đang được tìm người thay thế nuôi dưỡng.  

Ngoài ra, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha mẹ qua đời vì Covid-19 hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì dịch bệnh, người còn lại mắc Covid-19 đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3 - 5 triệu đồng/trẻ cùng các nhu yếu phẩm khác.

Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí điều trị bệnh, thẻ bảo hiểm y tế... cho các em cũng đang được triển khai.

Sẽ không tránh khỏi nguy cơ những trẻ em mồ côi không có người thân thích thay thế nuôi dưỡng, phải vào các cơ sở xã hội. Hay thiếu người chăm sóc, nuôi dưỡng khiến các em phải sống lang thang, đói ăn, thiếu mặc, thậm chí đối mặt với tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại...

Ngay từ bây giờ, các cơ quan liên quan nên có những đợt "điều trị" tâm lý cho các em, giúp các em sớm vượt qua nỗi đau và bình tâm trở lại. Bên cạnh đó, trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân. 

Để các em có thể hòa nhập vào cuộc sống bình thường sau những tổn thương tâm lý và thể chất do dịch Covid-19 gây ra, sự nỗ lực, trách nhiệm của Ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, chính quyền các địa phương thôi chưa đủ. Yêu thương, chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước, trong và sau đại dịch rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng và các tổ chức xã hội.

"Có cha có mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn đứt dây". Đừng để tiếng đàn tuổi thơ phải tắt đi vì Covid. Bằng tất cả tình yêu thương và sự bao dung để giúp những phím đàn ấy bật lên thanh âm trong trẻo, như chính sự vô tư, hồn nhiên được sống và lớn lên của trẻ em. Hãy cho trẻ em được hưởng cuộc sống hạnh phúc như nó vốn thuộc về các em.