Để doanh nghiệp không "chết" vì lạm phát và giảm tổn thất cho người dân

Bích Diệp

(Dân trí) - "Không chỉ tăng giá mà còn khan hiếm. Doanh nghiệp làm cầm chừng. Làm cũng lỗ mà không làm thì coi như "chết" nên chúng tôi vẫn phải tìm mọi cách để duy trì sản xuất".

Để doanh nghiệp không chết vì lạm phát và giảm tổn thất cho người dân - 1

Giá xăng dầu tăng liên tiếp gây áp lực tăng giá cả hàng hóa (Ảnh: N.M).

Chia sẻ của ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước - với Dân trí có lẽ cũng là nỗi đau đáu, trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay khi quay trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh sau đợt giãn cách dài vì Covid-19.

Theo đó, những khó khăn về nguồn lực lao động, về vốn liếng là một nhẽ, mối đe dọa đối với sự sống còn của doanh nghiệp hiện tại là áp lực chi phí đầu vào cũng như lực cầu yếu phía đầu ra.

Theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, việc xăng dầu, than đá hay các năng lượng khác tăng giá đang gây sức ép rất lớn đến vấn đề giá cả. Bởi sản xuất gần như tất cả các mặt hàng ít nhiều đều có liên quan đến xăng dầu hay năng lượng khác...

Ngày 11/10 vừa qua, trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu định kỳ, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng lần thứ 3 liên tiếp và hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 7 năm (giá xăng E5 RON 92 hiện là 21.683 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.879 đồng/lít).

Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với chi phí vận tải, chi phí vận hành máy móc của doanh nghiệp cũng tăng theo. Nhìn vào diễn biến giá các loại nguyên vật liệu đầu vào từ dầu mỏ, khí đốt, quặng sắt, than đá rồi giá thép, giá phân bón, giá tôm cá nguyên liệu… đều tăng chóng mặt, dễ hình dung về nguy cơ lạm phát đang rình rập.

Tuy nhiên, lạm phát ở bối cảnh hiện tại chưa "bộc phát" mạnh mẽ do lực cầu quá thấp, tiêu thụ ì ạch. Nói thẳng ra là sức mua yếu kém, bản thân người dân cũng đang "thắt lưng buộc bụng" với các nhu cầu chi tiêu do thu nhập đầu vào bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bài toán vĩ mô đang trở nên ngày càng thử thách với cơ quan điều hành. Theo đó, việc điều hành vừa phải đảm bảo không can thiệp quá sâu vào cung - cầu, gây méo mó thị trường nhưng lại cũng phải "kiềm" được phần nào diễn biến tăng giá phi mã của hàng hóa để tránh tác động quá đà lên sản xuất kinh doanh.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phải giải quyết mối đe dọa của lạm phát, thế nhưng, tình huống hiện tại diễn ra trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và người dân vừa bị bào mòn đến cạn kiệt sau đại dịch Covid-19 thì thách thức càng lớn!

Vừa qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng 30%, thấp hơn so với đà tăng trên thế giới. Đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận, tuy nhiên, trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí đang chiếm tỷ trọng cao trong việc cấu thành giá xăng. Bộ Công Thương hiện đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm rà soát, giảm các loại thuế đối với mặt hàng này.

Bên cạnh đó, tại những mặt hàng nguyên vật liệu và sản xuất khác, thiết nghĩ cũng cần có những phân tích và cơ chế thuế, phí phù hợp để giảm áp lực lên giá đầu ra.

Cho đến thời điểm hiện tại, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tương đối tốt, tuy vậy, những rủi ro trước mắt cũng cần được đặt ra để có ứng phó phù hợp. Từ nay đến hết năm 2021 và sang năm 2022, nếu giá cả các mặt hàng tăng mạnh thì một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và khó chống đỡ. Lúc đó, rất cần những chính sách an sinh, ổn định vĩ mô, giảm tổn thương cho những đối tượng là người yếu thế trong xã hội.

Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cũng đã nêu quan điểm chỉ đạo, điều hành cho năm 2022, đó là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Với tinh thần "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ", hi vọng Chính phủ sẽ có những bước đi điều hành đúng đắn, mang lại lợi ích chung cho toàn dân, đưa kinh tế đất nước vượt qua đại dịch một cách thắng lợi.