Tâm điểm
Bích Diệp

Để chứng khoán không còn "sáng nắng chiều mưa"

Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, VN-Index lao dốc mất gần 350 điểm. Phiên cuối tuần 13/5, mốc 1.200 điểm tưởng chừng là "thành trì" vững chắc của chỉ số đại diện sàn HoSE, vậy nhưng đã bị xuyên thủng một cách dễ dàng.

Riêng tuần vừa rồi, VN-Index trải qua chuỗi giao dịch với kỷ lục giảm mạnh nhất trong lịch sử 22 năm hoạt động của thị trường với tổng cộng 146,49 điểm. 

Mọi hỗ trợ về mặt phân tích kỹ thuật hay nhận định cơ bản về cổ phiếu, định giá thị trường đều trở nên vô nghĩa trước đà bán tháo hoảng loạn, không kiểm soát của giới đầu tư.  

Đành rằng nguyên nhân lao dốc của VN-Index có ảnh hưởng từ diễn biến bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế (bán tháo diễn ra tại thị trường chứng khoán Mỹ, sự tháo chạy khỏi các đồng tiền ảo). Tuy nhiên, hành vi bán ra bất chấp với suy nghĩ "giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn" cho thấy, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đang mất dần niềm tin.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp - vốn đã gắn bó với thị trường trong suốt 22 năm, trải qua rất nhiều cú sốc - cũng đã phải cảm thán trên trang cá nhân rằng: "Với kiểu giảm khủng khiếp, không có một cú hồi, phá vỡ hoàn toàn các quy luật định giá, kỹ thuật, đầu tư chứng khoán nay không khác gì đánh bạc".

Phần lớn nhà đầu tư đều thua lỗ nặng nề, những người còn "ôm" cổ phiếu thì hầu hết đã lỗ 40-50% danh mục, có những cổ phiếu đã giảm tới 70% so với đỉnh giá. Gần như mọi cổ phiếu đều bị bán tống bán tháo không phân biệt cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh tốt, lợi nhuận triển vọng hay cổ phiếu "rác", cổ phiếu đầu cơ. 

Thanh khoản thị trường "mất hút", giảm còn khoảng 1/3 so với giai đoạn sôi động trước đây. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán phái sinh (công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, có giá trị phụ thuộc vào giá trị của tài sản cơ sở) thì những ai đánh cược vào đà giảm lại "vớ bẫm".

Thị trường lao dốc bất chấp mọi khuyến nghị của giới chuyên gia, sự lạc quan của các quỹ chuyên nghiệp nước ngoài hay phát biểu trấn an của cơ quan quản lý. 

Thực tế là không ai có thể quản lý được kỳ vọng của nhà đầu tư hay can thiệp trái luật khiến thị trường hoạt động theo ý muốn. Một phát biểu, một vài phân tích rất khó để kiềm lại những nỗi lo sợ trên thị trường. Tuy vậy, nhà chức trách vẫn có trách nhiệm ổn định tâm lý nhà đầu tư, để họ thấy được xu hướng tích cực của nền kinh tế, để họ thấy rằng chứng khoán không bị bỏ rơi trong tiến trình phục hồi và phát triển hậu đại dịch. Nhà đầu tư cần được minh bạch thông tin và có niềm tin vào định hướng chính sách tài khóa, tiền tệ sắp tới. Lúc này, chính sách phát triển thị trường, quy định rõ ràng, cụ thể và sòng phẳng về "luật chơi" là những yếu tố thu hút dòng tiền và giữ chân nhà đầu tư. 

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây có những động thái trấn an, thiết nghĩ rất đáng ghi nhận. Cơ quan này khẳng định đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Đồng thời, trong một diễn biến mới nhất, UBCKNN đã họp với Trung tâm lưu ký (VSD), các sở chứng khoán và công ty chứng khoán (CTCK) để bàn đối sách, trong đó quan trọng là việc yêu cầu sở giao dịch cung cấp dữ liệu giao dịch khối tự doanh công ty chứng khoán và thay đổi cách tính phiên đáo hạn phái sinh, giúp hạn chế bất lợi lên thị trường cơ sở.

Trong tuần tới, thị trường sẽ có câu trả lời cho phản ứng của nhà đầu tư với những nỗ lực của cơ quan điều hành.

Đành là những nội dung trên đều rất quan trọng, dù vậy, người viết vẫn cho rằng, nhà chức trách vẫn cần bổ sung thêm một dữ liệu quan trọng vào danh mục thông tin định kỳ: Số dư tiền mặt của nhà đầu tư đang chờ sẵn cũng như dư nợ vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán. Bởi, một khi còn margin call (thông báo từ sàn giao dịch rằng nhà đầu tư có thể bị thua lỗ hoặc tất cả các lệnh nguy cơ bị đóng, bị thanh lý), còn bán giải chấp thì chỉ số còn tiếp tục lao dốc.

Bên cạnh đó, trên thị trường đang tồn tại những nghi vấn của một số chuyên gia, nhà đầu tư lâu năm về hoạt động bán khống bất hợp pháp; nghi vấn về việc công ty chứng khoán lôi kéo nhà đầu tư sang thị trường phái sinh và chỉ cho phép được sử dụng vị thế bán (short). Cơ quan quản lý cần vào cuộc làm rõ, có hay không tình trạng này?. 

Như Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nhấn mạnh, thị trường vốn (bao gồm cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu) rất quan trọng, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn, vì vậy, Chính phủ sẽ cố gắng để kiểm soát để phát triển tốt thị trường này. Mong rằng, tới đây những chính sách đúng đắn sẽ sớm đi vào thực tiễn, thị trường chứng khoán sớm ổn định và khẳng định vai trò là hàn thử biểu của nền kinh tế. Tại đó, thị trường không "sáng nắng chiều mưa" và nhà đầu tư được bảo vệ, yên tâm coi cổ phiếu như một kênh tích lũy tài sản lâu dài.