"Chặn" những chiếc "quan tài bay": Không thể chần chừ thêm nữa!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 4 học sinh bị thương vong, trong đó 2 em vĩnh viễn không thể tiếp tục đến trường. Các em tử nạn liên quan đến chính phương tiện đưa đón mình đi học mỗi ngày.

Chặn những chiếc quan tài bay: Không thể chần chừ thêm nữa! - 1

Chiếc xe chở các cháu học sinh xảy ra vụ tai nạn (Ảnh: Lê Nam).

Ngày 2/11, trên đường đến trường một học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bị rơi xuống đường và bị chính chiếc ô tô chở nạn nhân cán qua người dẫn tới tử vong. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm trên là chiếc xe không đóng cửa khi lưu thông.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì vào ngày 22/11, chiếc ô tô khách 16 chỗ ngồi chở 19 học sinh ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La bị bung chốt cửa khiến 2 em rơi xuống đường, một em tử vong.

Đối với các địa bàn nông thôn, miền núi... xa trường học, việc có phương tiện đưa đón học sinh đã giúp gia đình các em giảm bớt được thời gian, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. Thế nhưng, liên tiếp các vụ tai nạn mà nạn nhân lại chính là các em học sinh khiến chúng ta không khỏi băn khoăn về vấn đề đảm bảo an toàn cũng như kiểm soát chất lượng các phương tiện vận tải này.  

Một điểm chung ở hai vụ tai nạn trên là phương tiện được dùng để đưa đón học sinh nhưng không ký hợp đồng với nhà trường, không đăng ký với chính quyền sở tại. Cả hai chiếc xe này không được thiết kế để phục vụ cho việc chở học sinh và được chính phụ huynh thuê đưa đón con em mình đi học.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản đề nghị Chủ tịch các địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc không bảo đảm an toàn khi vận hành phương tiện chở học sinh. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân vụ việc. Nhưng dù xử lý như thế nào đi nữa cũng không thể trả lại sự sống cho các nạn nhân.   

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là những vụ việc đầu tiên liên quan đến tính mạng của các em học sinh khi đến trường bằng xe đưa đón. Và đương nhiên, trách nhiệm cũng không chỉ riêng của tài xế hay chủ của những chiếc xe này!.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020 được đánh giá là đã có nhiều quy định "siết chặt" quản lý đối với loại hình vận tải hợp đồng. Tuy nhiên, lại không có quy định cụ thể đối với loại hình phương tiện vận tải cũng như các điều kiện liên quan về đưa đón học sinh. 

Đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho học sinh, sau khi Nghị định số 10 được ban hành, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề xuất Bộ Giao thông vận tải đưa ra một số quy định về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô, xe buýt trường học và dịch vụ đưa đón học sinh nói chung vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008. Các nội dung này cũng đã được các đại biểu Quốc hội bàn thảo, góp ý tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối năm 2020.

Thế nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển học sinh cũng như chưa có quy định cụ thể về điều kiện tiêu chuẩn của lái xe, điều kiện của những chiếc xe chở học sinh và các quy tắc an toàn khi chở học sinh.

Vì tính mạng và sức khỏe của hàng triệu học sinh, nhất là ở các địa bàn nông thôn, miền núi, chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa. Và khi chưa có quy định cụ thể, cần chặn ngay những chiếc "quan tài bay" chở học sinh!